Tại sao sóng thần cao vài chục cm đã đáng lo?

24/09/2024 14:54 GMT+7

Thay vì vỡ tan và rút nhanh tại bờ như các loại sóng biển khác, sóng thần thường ập vào đất liền như một cơn lũ dâng nhanh và gây ngập các vùng trũng trước khi rút ra biển.

Mới đây, Đài NHK đưa tin sóng thần cao 50 cm đã được ghi nhận tại đảo Hachijo và sóng thần cao 10 cm tại đảo Miyake của Nhật Bản. Thông tin sóng thần chỉ cao 10 - 50 cm khiến nhiều người thắc mắc là sóng "quá thấp". Thực tế, sóng thần cao vài chục cm cũng gây lo ngại. 

Theo Trung tâm Cảnh báo sóng thần quốc gia Mỹ (NTWC), sóng thần là một trong những lực tự nhiên mạnh mẽ và có sức tàn phá lớn nhất. Đó là một loạt các đợt sóng cực dài (nhiều đợt sóng cách nhau hàng chục đến hàng trăm km, tính từ giữa các đỉnh sóng) do sự dịch chuyển lớn và đột ngột của đại dương gây ra.

Sóng thần lan tỏa ra ngoài theo mọi hướng từ điểm xuất phát và có thể di chuyển qua toàn bộ các lưu vực đại dương. Khi đến bờ biển, chúng có thể gây ra lũ lụt ven biển nguy hiểm và dòng chảy mạnh có thể kéo dài trong nhiều giờ hoặc nhiều ngày.

Tại sao sóng thần cao vài chục cm đã đáng lo?- Ảnh 1.

Sóng thần ập vào thành phố Miyako của Nhật Bản ngày 11.3.2011

ẢNH: REUTERS

Tại sao sóng thần cao vài chục cm đã đáng lo?- Ảnh 2.

Thành phố Miyako ngày 17.2.2012, gần một năm sau ngày xảy ra trận động đất sóng thần

ẢNH: REUTERS

Sóng thần khác với sóng thủy triều, sóng do gió ra sao?

Sóng thần và sóng thủy triều là hai hiện tượng khác nhau và không liên quan đến nhau. Sóng thủy triều là sóng ở vùng nước nông do tương tác hấp dẫn giữa mặt trời, mặt trăng và trái đất gây ra. Sóng thần là sóng biển do động đất lớn xảy ra gần hoặc dưới đại dương, phun trào núi lửa, lở đất dưới biển hoặc do lở đất trên bờ biển trong đó khối lượng lớn đất đá rơi xuống nước.

Theo Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA), điểm khác biệt chính giữa sóng thần và sóng do gió là sóng thần di chuyển qua toàn bộ cột nước - từ đáy đại dương lên đến bề mặt đại dương, trong khi các loại sóng biển khác chỉ ảnh hưởng đến lớp gần bề mặt của đại dương.

Tại sao sóng thần cao vài chục cm đã đáng lo?- Ảnh 3.

Sóng thần tại thành phố Natori, tỉnh Miyagi của Nhật Bản ngày 11.3.2011

ẢNH: REUTERS

Điều này là do cách chúng được tạo ra. Sóng được tạo ra do sự truyền năng lượng từ nguồn của chúng đến đại dương. Hầu hết các loại sóng biển khác được tạo ra do gió thổi trên mặt nước (sóng gió). Tuy nhiên, sóng thần được tạo ra do sự dịch chuyển lớn và đột ngột của đại dương, thường do động đất bên dưới hoặc gần đáy đại dương. Những nguồn này có thể tạo ra nhiều năng lượng hơn gió.

Sóng có 3 đặc điểm cơ bản gồm bước sóng (khoảng cách giữa hai đỉnh sóng), chu kỳ (thời gian giữa hai đỉnh sóng) và tốc độ.

Sóng thần ập vào quần đảo Nhật Bản sau động đất tại Thái Bình Dương

Sóng gió có bước sóng ngắn, thường là 90-180 m trong khi sóng thần có bước sóng từ 500-1.000 km, do đó chu kỳ của mỗi con sóng có khi lên đến 2 giờ, trong khi sóng gió là khoảng 5-20 giây. Theo NOAA, con sóng có bước sóng càng dài thì khối lượng nước nó mang theo càng lớn. Tốc độ của sóng thần ở vùng nước sâu thường từ 800-1.000 km/giờ và khi vào gần bờ thì chậm lại còn 30-50 km/giờ. Tốc độ của sóng gió là 8-100 km/giờ.

Dù chiều cao đỉnh sóng có vẻ nhỏ hơn sóng bình thường nhưng sóng thần có thể dâng cao hơn và có sức phá hủy mạnh hơn khi ập vào bờ. Khi vào vùng nước cạn hơn gần bờ, sóng thần chậm lại, bước sóng ngắn lại, chiều cao và độ dốc tăng lên. Theo NTWC, hầu hết sóng thần khi vào bờ đều cao không quá 3 m nhưng trong một số trường hợp hy hữu có thể cao hơn 30 m.

Tại sao sóng thần cao vài chục cm đã đáng lo?- Ảnh 4.

Sóng thần ập vào thành phố Natori, tỉnh Miyagi của Nhật Bản ngày 11.3.2011

ẢNH: REUTERS

Điều gì xảy ra khi sóng thần vào bờ?

Những cơn sóng có hình dạng mấp mô và điểm thấp nhất thường chạm bờ trước. Khi chạm bờ, nó tạo ra hiệu ứng chân không, hút nước ven bờ ra biển và làm lộ ra phần đáy biển ở gần bờ.

Theo kênh National Geographic, hiện tượng này là dấu hiệu cảnh báo quan trọng về sóng thần, vì đỉnh sóng và lượng nước khổng lồ của nó thường chạm bờ sau khoảng năm phút. Nhận biết hiện tượng này có thể cứu sống được nhiều người.

Tại sao sóng thần cao vài chục cm đã đáng lo?- Ảnh 5.

Nhà máy điện Hirono tại tỉnh Fukushima khi sóng thần sắp ập vào ngày 11.3.2011

ẢNH: REUTERS

Sóng thần thường bao gồm một loạt các đợt sóng, do đó sức tàn phá của nó có thể tăng lên khi các đợt sóng liên tiếp chạm bờ. Mối nguy hiểm có thể chưa qua khi đợt sóng đầu tiên xuất hiện và người dân nên chờ thông báo chính thức an toàn để quay trở lại các địa điểm dễ bị ảnh hưởng.

Một số cơn sóng thần không xuất hiện trên bờ dưới dạng sóng lớn vỡ ra mà thay vào đó giống như thủy triều dâng nhanh nhấn chìm các khu vực ven biển.

Tại sao sóng thần cao vài chục cm đã đáng lo?- Ảnh 6.

Sóng thần ập vào Miyako ngày 11.3.2011

ẢNH: REUTERS

Sóng thần nguy hiểm ra sao?

Cũng vì bước sóng dài nên khối lượng nước mang theo lớn và năng lượng sóng thần mang theo là rất lớn và nguy hiểm. Thay vì vỡ tan và rút nhanh tại bờ, sóng thần thường ập vào đất liền như một cơn lũ dâng nhanh và gây ngập các vùng trũng trước khi rút ra biển.

Do đó, ngay cả những đợt sóng thần cao vài chục đến vài trăm cm cũng mang theo dòng nước mạnh, gây sức tàn phá lớn và tồn tại nhiều giờ. Những đợt sóng thần lớn có thể kéo dài nhiều ngày.

Sóng thần là một trong những lực tự nhiên mạnh mẽ và có sức tàn phá lớn nhất. Nó có thể tạo ra dòng chảy mạnh bất thường, gây ngập lụt nhanh chóng và tàn phá các cộng đồng ven biển. Các khu vực trũng thấp như bãi biển, vịnh, đầm phá, bến cảng, cửa sông và các khu vực dọc theo sông và suối đổ ra biển là những nơi dễ bị tổn thương nhất.

Tại sao sóng thần cao vài chục cm đã đáng lo?- Ảnh 7.

Những ngôi nhà tại Natori bị nước cuốn và bị cháy trong trận sóng thần năm 2011

ẢNH: REUTERS

Hầu hết thiệt hại và sự tàn phá do sóng thần gây ra là do lũ lụt, tác động của sóng, dòng chảy mạnh, xói mòn và mảnh vỡ. Độ nguy hiểm có thể vẫn tương đương khi sóng thần quay trở lại biển, cuốn theo mảnh vỡ và con người.

Ngoài việc gây thương vong, các tác động tiềm ẩn khác bao gồm thiệt hại và phá hủy nhà cửa và doanh nghiệp, tài nguyên văn hóa và thiên nhiên, cơ sở hạ tầng và các cơ sở quan trọng. Lũ lụt và dòng chảy nguy hiểm có thể kéo dài trong nhiều ngày. Ngay cả những cơn sóng thần nhỏ cũng có thể gây ra mối đe dọa. Dòng chảy mạnh có thể làm bị thương và chết đuối những người bơi lội và làm hỏng và phá hủy tàu thuyền trong bến cảng.

Sóng thần gần bờ đặc biệt nguy hiểm. Chúng có thể ập vào bờ biển trong vòng vài phút sau khi phát sinh mà hầu như không có cảnh báo.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.