Đối với những người mê xông hơi, ngồi trong phòng kín nghi ngút hơi nước là phương pháp số 1 để thư giãn, đó là chưa kể khía cạnh tâm linh mà một số người cho rằng tắm hơi có thể mang lại. Còn với hơn 100 người tham gia cuộc thi nhà vô địch tắm hơi thế giới tại Phần Lan mới đây, xông hơi là một “môn thể thao” đích thực và chẳng có gì nguy hiểm. Tuy nhiên, đến lúc một thí sinh ngã quỵ và chết trong tình trạng toàn thân bỏng nặng, “môn thể thao” này đã thu hút sự quan tâm rộng rãi của dư luận trên toàn cầu. Làm thế nào xông hơi có thể gây chết người như vậy? Liệu chuyện tắm hơi bình thường có tác động tích cực như người ta vẫn tưởng hay không? Giới chuyên gia cho rằng đã đến lúc kiểm tra tính xác thực về các tuyên bố như tắm hơi có thể kéo dài tuổi thọ và chữa trị bệnh tật.
Khái niệm tạo nên một không gian nóng bức khiến con người tuôn mồ hôi như suối đã tồn tại hàng trăm năm và thậm chí hàng ngàn năm trước trong nhiều nền văn hóa khác nhau. Có thể kể đến lều xông hơi tẩy rửa tinh thần của người da đỏ Mỹ, nhà tắm hơi hamam kiểu Thổ, nhà tắm hơi banya kiểu Nga, phòng tắm hơi của người Hy Lạp cổ đại và kiểu tắm hơi từ thuở sơ sinh của người Phần Lan. Tất cả đều có chung ý kiến là việc đổ mồ hôi có lợi cho cơ thể và mang lại lợi ích cho sức khỏe con người, không ít thì nhiều.
Vào những năm 1990, một nhóm người ở nam Phần Lan, cụ thể là thị trấn Heinola, nghĩ đến chuyện thi thố trong phòng xông hơi, xem ai có thể chịu đựng lâu nhất trong điều kiện cực kỳ nóng bức. Đến năm 1999, theo website của Heinola, chuyện thi tài này trở thành sự kiện chính thức, thu hút các thí sinh quốc tế đến từ Hà Lan và Đức. Và từ đó đến nay, số thí sinh tăng liên tục mỗi năm và khiến giới truyền thông chú ý ngày càng nhiều. Luật lệ khá đơn giản: trong phòng xông hơi với nhiệt độ 1100C, những người tham gia cố gắng ngồi càng lâu càng tốt. Cứ mỗi 30 giây, người ta bỏ thêm nửa lít nước vào nồi nung. Ngôi vô địch luôn thuộc về quốc gia chủ nhà. Kỷ lục thế giới cũng do một người Phần Lan tên là Timo Kaukonen lập nên với 16 phút vào năm 2003.
Tuy nhiên, chỉ sau khoảng 6 phút trong vòng chung kết năm nay, Kaukonen và thí sinh người Nga Vladimir Ladyzhensky ngã quỵ. Cả hai bị bỏng nghiêm trọng và Ladyzhensky thiệt mạng. Trong khi cảnh sát vẫn tiếp tục điều tra, giới chuyên gia cho rằng bi kịch trên có thể là kết quả do sức nóng dữ dội kết hợp với hơi ẩm trong phòng xông hơi gây ra. Theo chuyên gia Chris Minson của Đại học Oregon (Mỹ), thông thường cơ thể người phản ứng lại sức nóng bằng cách giãn rộng các mạch máu, từ đó cung cấp nhiều máu hơn cho da khi da tỏa nhiệt. Đổi lại, mồ hôi bốc ra làm cơ thể mát lại, và việc này chỉ xảy ra khi nhiệt độ máu tăng khoảng 10C. Cùng lúc, huyết áp tụt, nhịp tim tăng và quả tim bơm một lượng máu nhiều gấp 3 lần bình thường. Hệ thống này thường hoạt động hiệu quả, cho đến khi một bộ phận gặp trục trặc.
Sau khi ngồi quá lâu trong phòng xông hơi, cơ thể mất quá nhiều nước, cản trở khả năng đổ mồ hôi của da cũng như ảnh hưởng đến hoạt động tim. Khi hơi nước trong phòng tiếp tục tăng, mồ hôi không bốc hơi được nữa, loại bỏ luôn khả năng làm mát cơ thể. Kết hợp với việc tụt huyết áp, mất nước và mệt mỏi dữ dội do quá nóng, con người sẽ bị ngất xỉu. Khi thí sinh ngất, da tiếp xúc với các bề mặt nóng gây bỏng toàn thân. Cơn đau tim cũng có thể đến liền sau đó. Và các protein có thể biến chất, gây nên tình trạng suy thận hoặc suy các cơ quan nội tạng khác. Bên cạnh đó, bộ não cũng rất nhạy cảm với nhiệt độ cao, khiến con người không còn minh mẫn.
Đây có thể là trường hợp tử vong đầu tiên trong khi thi đấu xông hơi, nhưng cũng có người chết trong tình trạng tương tự. Hồi năm ngoái có đến 3 người qua đời khi đang tắm hơi tại Arizona (Mỹ). Con người thỉnh thoảng cũng chết tại phòng tắm hơi, đặc biệt khi đã uống bia rượu, hoặc phòng xông không đảm bảo an toàn và bộ phận thông khí không hoạt động, theo chuyên gia Richard Livingston của Đại học Arkansas. Để an toàn, giới chuyên gia khuyên nên đến những phòng xông hơi có chất lượng tốt với nhiệt độ không quá 900C, khi tắm nên nghỉ ngơi, uống nước và rời khỏi phòng xông khi cảm thấy không khỏe. Những người được khuyên nên tránh xa phòng xông hơi là người già, trẻ em, thai phụ, người có tiền sử không chịu được nhiệt độ cao hoặc bị bất cứ căn bệnh nào có thể ảnh hưởng đến tim, như tiểu đường chẳng hạn.
Hạo Nhiên
Bình luận (0)