Tại sao Tây Tạng - Kỳ 2: Chốn linh thiêng

18/08/2012 03:18 GMT+7

Thủ phủ Lhasa của Tây Tạng có 2 công trình kiến trúc đặc sắc, được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới: cung điện Potala và chùa Đại Chiêu (Jokhang Temple).

>> Tại sao Tây Tạng ?

 Tại sao Tây Tạng - Chốn linh thiêng 1
Kiểm tra nghiêm nhặt giấy tờ những người “có dấu hiệu khả nghi” ở chùa Đại Chiêu - Ảnh: Đoàn Xuân Hải

 Tại sao Tây Tạng - Chốn linh thiêng 2
Chính diện chùa Đại Chiêu, cảnh sát chống bạo động (ngồi trong lều) luôn hiện diện với vũ khí và bình chữa cháy - Ảnh: Đoàn Xuân Hải

Đại Chiêu là ngôi chùa linh thiêng và nổi tiếng bậc nhất ở Tây Tạng, cũng là địa điểm thu hút đông đảo người hành hương và khách du lịch giống như Potala. Chỉ có điểm khác nhau cơ bản về địa lý: cung điện Potala nằm tách biệt trên một ngọn đồi, trong khi chùa Đại Chiêu lại nằm lọt thỏm giữa phố phường đông vui, nhộn nhịp. Trước chính diện của chùa là một quảng trường tấp nập người qua kẻ lại.

Đến những thành phố du lịch trên thế giới thỉnh thoảng bạn thấy có cảnh sát, sự hiện diện của họ là nhằm kịp thời can thiệp, giải quyết những tình huống xấu xảy ra cho du khách. Ở chùa Đại Chiêu không chỉ công an “nổi”, công an “chìm” mà còn có cả sự hiện diện của lực lượng cảnh sát tinh nhuệ chống khủng bố, bạo động và quân đội nữa, tất cả đều là người Hán với súng tiểu liên trên vai và súng đại liên trên xe. Ngoài súng ống đạn dược, binh lính làm nhiệm vụ ở khu vực này còn được trang bị… bình chữa cháy màu đỏ như ta thường thấy và những cái mền đã được nhúng nước. Tại sao? Ở Lhasa, nếu ai đó có ý định tự thiêu vì lý do chính trị, thì quảng trường chùa Đại Chiêu là một nơi thích hợp cho việc ấy do có đông người chứng kiến. Lúc ấy, bình chữa lửa và mền nhúng nước sẽ dùng vào việc cứu hỏa. Và dĩ nhiên du khách nước ngoài sẽ không bỏ lỡ cơ hội ghi hình cảnh đau thương nhưng sống động ấy. Đó là lý do giải thích vì sao nhân viên an ninh làm nhiệm vụ ở đây có quyền kiểm tra camera của bất kỳ du khách nào nếu nghi ngờ người đó cố ý (hoặc vô tình) ghi lại những hình ảnh “không đẹp”. Khi đến tham quan chùa Đại Chiêu, du khách nước ngoài luôn được dặn dò là không nên chụp hình, quay phim cảnh sát và quân đội hiện diện nơi đây. Nếu bị phát hiện, người ta sẽ buộc bạn phải xóa đi những hình ảnh “nhạy cảm” ấy.

Ở quảng trường chùa Đại Chiêu, tôi đã chứng kiến cảnh công an kiểm tra chứng minh thư mấy anh chàng người Tạng “có dấu hiệu khả nghi”. Ở Tây Tạng ngày nay, nhìn trang phục bạn sẽ dễ dàng phân biệt được ai là du khách nước ngoài, ai là người Tạng, người Hồi hoặc người Hán. Một chiều đến tham quan chùa Đại Chiêu, tôi bắt gặp một gia đình Tạng gồm 1 người đàn ông lớn tuổi đi cùng 2 phụ nữ trung niên và 1 bé trai khoảng 5 tuổi. Đến giữa quảng trường, chắc do mỏi chân, người đàn ông ngồi xếp bằng dưới nền gạch làm bằng đá hoa cương, gương mặt đăm chiêu hướng về chùa Đại Chiêu. Ngay lập tức một anh cảnh sát trẻ người Hán mặc đồng phục đen đến nắm tay kéo ông ta đứng lên và ra hiệu đi chỗ khác. Lực lượng an ninh ở Lhasa buộc phải hành xử như vậy, theo suy nghĩ bất chợt ngay lúc ấy của cá nhân tôi, là nhằm tránh diễn ra sự kiện tương tự như từng xảy ra ở miền Nam Việt Nam năm 1963: hòa thượng Thích Quảng Đức ngồi xếp bằng tự thiêu giữa Sài Gòn nhằm phản đối chính sách đàn áp Phật giáo dưới thời Tổng thống Ngô Đình Diệm. Không riêng gì chùa Đại Chiêu, ngay trong cung điện Potala nhân viên an ninh cũng có cách hành xử tương tự với bất kỳ ai nếu thấy người đó có biểu hiện “khả nghi”.

Bạn sẽ nghĩ gì khi đến tham quan một thành phố mà đi đâu cũng thấy lính tráng mặc đồ rằn ri tay lăm lăm súng tiểu liên? Lhasa là một thành phố như vậy. Để tăng cường sự kiểm soát và phản ứng nhanh một khi có biến cố xảy ra, chính quyền ở Tây Tạng đã tiến hành xây dựng khá nhiều đồn lính (một dạng như lô cốt) khắp các trục đường ở Lhasa. Những đồn lính ấy được làm bằng đá xanh khá vững chắc, rộng khoảng 30 m2, bên trong có bếp, nhà vệ sinh, phòng ngủ… Ngoài vô số những lô cốt hiện diện ở mặt tiền phố phường, còn có nhiều doanh trại quân đội chính quy khá quy mô nằm ngay trong nội thị của Lhasa. Phi trường quốc tế Lhasa cũng là một “điểm nhấn”. Ở đó, bạn sẽ thấy chiến đấu cơ còn nhiều hơn máy bay thương mại. Phi trường ấy có thể nhanh chóng biến thành căn cứ không quân ngay lập tức một khi cần phải như thế.

Đến Lhasa, du khách nào cũng tò mò muốn biết cuộc sống bên trong các tu viện, nơi đào tạo Lạt Ma Tây Tạng. Thế nhưng các tu viện ấy hiện nay chỉ mở cửa hạn chế và du khách buộc phải trình giấy phép cho đồn cảnh sát ở đầu ngõ thì mới được vào. Vào đến bên trong, bạn đừng ngạc nhiên khi thấy lính tráng hiện diện khắp nơi. Có nghĩa là, những tu viện trên toàn lãnh thổ Tây Tạng đều được cảnh sát và quân đội Trung Quốc “chăm sóc tận tình”. Tại sao? Vì tu viện ở Tây Tạng thực chất là trường đại học đào tạo Lạt Ma có trình độ cử nhân và tiến sĩ Phật học. Đó là nơi đại đa số gia đình người Tạng muốn con trai của mình được nhận vào.

Đoàn Xuân Hải

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.