Không chỉ riêng Trương Ngọc Ánh, hay ê-kíp Áo lụa Hà Đông có thể "sốc" mà phần đông khán giả hẳn cũng thế. Một vai diễn được coi như để đời với cá nhân Ánh: tâm huyết, vất vả, cực nhọc, có cả sự hy sinh với những cảnh "nóng" lãng mạn trong phim... Quan trọng hơn, khán giả cũng đã ghi nhận những nỗ lực không nhỏ của Ánh trong vai diễn này.
Bà Hồng Ngát, Trưởng BGK phim truyện nhựa năm nay cho biết: "Khi đưa ra quyết định này, chúng tôi biết mình sẽ phải đối mặt với áp lực dư luận. Tuy nhiên, BGK đã làm việc rất nghiêm túc và công tâm. Điều chúng tôi suy nghĩ, phân vân nhiều nhất không chỉ là chuyện cá nhân diễn viên nào, Ngọc Ánh hay Can Đình Đình đoạt giải mà chính là ở chỗ, liệu chúng tôi có dám đưa ra một tiền lệ là diễn viên "ngoại" trong phim "made in Vietnam" sẽ có cơ hội được nhận giải thưởng của Hội Nghề nghiệp điện ảnh nước nhà không. Sự tranh cãi trong BGK cũng nhiều, và chúng tôi đã đi đến quyết định cuối cùng".
Quả thật, nếu những khán giả đã ủng hộ nhiều cho Trương Ngọc Ánh, cho Áo lụa Hà Đông mà có cơ hội xem Hà Nội, Hà Nội chắc chắn cũng phải suy xét lại quyết định của mình. Can Đình Đình, tốt nghiệp Học viện Hý kịch Bắc Kinh, là một ngôi sao đang lên, được giới điện ảnh Trung Quốc và Hồng Kông chú ý. Khi đóng phim Hà Nội, Hà Nội, cô 20 tuổi. Đó cũng là phim nhựa đầu tay của cô. Đến nay, Đình Đình đã tham gia thêm 4, 5 phim nhựa nữa. Trong Hà Nội, Hà Nội, vẻ đẹp khả ái và tài năng diễn xuất của Can Đình Đình đã thuyết phục mạnh mẽ BGK. Một Can Đình Đình đằm thắm, dịu dàng của nét đẹp người phụ nữ Trung Quốc xưa (vai bà ngoại của Tô Tô lúc trẻ), và một Can Đình Đình mang vẻ đẹp trong sáng, nhưng lại rất năng động, quyết liệt của thế hệ thanh niên Trung Quốc hiện đại.
Bà Hồng Ngát nhận xét: "Với một phong cách diễn "có lửa", Can Đình Đình không chỉ thành công với vai diễn của mình mà còn tỏa "sức nóng" tới dàn diễn viên của Việt Nam. Ở phim này, Minh Tiệp, Hoàng Hải... đã trưởng thành hơn rất nhiều trong diễn xuất. Tuy nhiên, vẫn nhận thấy rõ độ "vênh" khá lớn về đẳng cấp giữa diễn viên nội và ngoại. Nói đến điều này có nghĩa là chúng ta đang động chạm đến một trong những tồn tại lớn của điện ảnh Việt Nam: công tác đào tạo diễn viên. Hiện, chúng ta thiếu vắng trầm trọng một thế hệ diễn viên điện ảnh chuyên nghiệp. Không phải ai cũng may mắn như Hải Yến khi có cơ hội tham gia và được đào tạo, trưởng thành từ phim của Hollywood". Và bà cũng cho rằng: “Tôi vẫn đánh giá cao diễn xuất của Ánh trong Áo lụa Hà Đông. Chắc chắn Ánh sẽ đạt được những thành công lớn hơn nếu cô còn tâm huyết với điện ảnh".
Lan Dung
Bình luận (0)