NƯỚC CHỦ NHÀ CHI khoảng 80 TỈ ĐỒNG KINH PHÍ ĂN Ở CHO CÁC ĐOÀN
23 giờ ngày 18.4, đoàn thể thao Việt Nam nhận được thông tin chính thức bằng văn bản từ nước chủ nhà Campuchia với nội dung có đoạn: "Dưới sự chỉ đạo sáng suốt của Thủ tướng Vương quốc Campuchia Hun Sen, ban tổ chức SEA Games 32 sẽ không thu phí thực phẩm và phí ăn ở đối với các đoàn tham dự SEA Games 32. Nói cách khác, tất cả 11 đoàn dự đại hội sẽ không phải chịu bất kỳ khoản phí nào liên quan đến ăn ở và vận chuyển".
Chia sẻ với Thanh Niên, một lãnh đạo đoàn cho biết: "Campuchia tính chi phí ăn ở của 11 đoàn tương đương khoảng gần 80 tỉ đồng (khoảng 3,5 triệu USD) và nước chủ nhà sẽ chi toàn bộ. Ban tổ chức đã tạo ra dấu ấn quá đặc biệt, lấy thể thao để làm đòn bẩy kinh tế bởi chắc chắn điều họ nhận được sẽ lớn hơn rất nhiều. Chưa bao giờ trong lịch sử các kỳ SEA Games có được sự miễn phí như vậy".
Một lãnh đạo ngành thể thao cũng cho hay, vì nước bạn miễn phí ăn ở nên đoàn Việt Nam sẽ tiết kiệm được khoảng 500.000 USD (hơn 11,6 tỉ đồng). Và khoản tiền này sẽ không trả lại cho ngân sách nhà nước mà được dùng để thể thao Việt Nam chi cho các hoạt động hữu ích khác. Như đưa VĐV đi tập huấn nước ngoài, đầu tư cho vòng loại Olympic...
Vì nước bạn miễn phí ăn ở nên đoàn Việt Nam sẽ tiết kiệm được khoảng 500.000 USD (hơn 11,6 tỉ đồng). Và khoản tiền này sẽ không trả lại cho ngân sách nhà nước mà được dùng để thể thao Việt Nam chi cho các hoạt động hữu ích khác. Như đưa VĐV đi tập huấn nước ngoài, đầu tư cho vòng loại Olympic...
TẬP TRUNG VÀO CÁC MÔN OLYMPIC
Liên quan đến vấn đề chuyên môn, Campuchia sẽ tổ chức SEA Games 32 với 608 nội dung của 48 môn và phân môn. Thể thao Việt Nam tham dự 31 môn với 446 nội dung. Tại cuộc họp báo ngày 18.4, ông Hoàng Quốc Vinh, Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao 1 Tổng cục TDTT, cho biết: "Theo điều lệ SEA Games 32 do Campuchia công bố, ở các môn võ - vật, các nước chỉ được đăng ký khoảng 70% nội dung của mỗi môn. Riêng Campuchia được phép đăng ký đầy đủ 100% nội dung. Vì thế chúng ta phải cân đo đong đếm kỹ lưỡng, thận trọng và chuẩn xác nhất có thể về việc lựa chọn nhân sự tham dự các môn này". Ước tính ở các môn võ và vật, VN mất khoảng 15 - 17 HCV. Campuchia cũng không tổ chức bắn súng, bắn cung, đua thuyền (canoeing, rowing) nên tính ra Việt Nam thiệt khoảng 15 HCV nữa.
Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Đặng Hà Việt, Trưởng đoàn thể thao Việt Nam, nói: "Tại SEA Games 31, đoàn chủ nhà Việt Nam giành được 205 HCV, đứng nhất khu vực. Chính vì điều này mà áp lực thành tích của đoàn Việt Nam tại SEA Games 32 là rất lớn. Chỉ tiêu của Việt Nam sẽ cố gắng giành từ 89 - 120 HCV, đứng tốp 3 toàn đoàn. Và sẽ nỗ lực tập trung vào các môn Olympic, ASIAD".
MÔN NÀO ĐƯỢC GIAO CHỈ TIÊU CAO NHẤT ?
Có số lượng VĐV đông nhất tại SEA Games 32 (với 55 VĐV), đội tuyển điền kinh Việt Nam cũng được giao chỉ tiêu cao nhất, khoảng 15 - 16 HCV. Một lãnh đạo ngành thể thao chia sẻ: "Tại SEA Games 31, điền kinh Việt Nam giành 22 HCV, đứng nhất Đông Nam Á. Nhưng không may một số VĐV chủ chốt của đội lại dính đến sự cố doping nên thành tích của đội cũng sẽ bị ảnh hưởng ở kỳ SEA Games này. Tuy nhiên, căn cứ vào chất lượng những VĐV hiện có, đội đã mạnh dạn đặt chỉ tiêu cao và được lãnh đạo đoàn thống nhất thông qua".
Môn bơi đặt chỉ tiêu giành từ 8 - 10 HCV (tại SEA Games 31, đội bơi Việt Nam giành 11 HCV). Một trong những lý do mà đội bơi giảm chỉ tiêu so với đại hội trước là nội dung 800 m tự do nam mà Nguyễn Huy Hoàng từng giành HCV ở SEA Games 31 năm nay Campuchia không tổ chức. Các đối thủ của Việt Nam có sự chuẩn bị rất kỹ sau giai đoạn bị ảnh hưởng Covid-19; trong đó một số quốc gia sử dụng VĐV mang hai quốc tịch, có trình độ chuyên môn rất cao.
Môn vật cũng đặt chỉ tiêu giành 3 - 4 HCV, thấp hơn SEA Games 31 (năm ngoái Việt Nam giành 17 HCV môn này nhưng năm nay Campuchia cắt giảm nhiều nội dung thế mạnh của Việt Nam và chúng ta chỉ được đăng ký 6/10 nội dung). Đấu kiếm phấn đấu giành 3 HCV, thấp hơn 1 HCV so với SEA Games 31. Thể dục dụng cụ đăng ký 2 HCV; xe đạp: 2 HCV. Taekwondo, boxing, katate, cử tạ cùng đăng ký 1 - 2 HCV. Đua thuyền truyền thống: 1 - 2 HCV; bóng bàn: 1 HCV; quần vợt: 1 HCV; billiard: 1 HCV; bi sắt: 1 HCV; cầu mây: 1 HCV; pencak silat: 3 HCV; cờ tướng: 2 - 3 HCV; cờ Khmer: 1 - 2 HCV. Đội lặn đăng ký 8 - 10 HCV. Bóng đá nam (U.22 Việt Nam) và bóng đá nữ cùng được giao chỉ tiêu giành HCV. Bóng chuyền, bóng rổ, cầu lông, thể thao điện tử không được giao chỉ tiêu HCV.
Thiếu bác sĩ
Đoàn Việt Nam có 1.003 thành viên, trong đó có 702 VĐV, 31 bác sĩ (5 bác sĩ của hai đội bóng đá, 26 bác sĩ còn lại phục vụ các đội tuyển khác của đoàn). Theo ông Đặng Hà Việt, số lượng bác sĩ như vậy là không đủ. Ngoài việc điều trị chấn thương, đau ốm, bác sĩ của đoàn còn phải giúp VĐV phục hồi sau thi đấu. Nhưng bác sĩ thể thao rất chuyên biệt nên không thể mời bác sĩ ở các bệnh viện vì họ không thể làm được công tác phục hồi cho VĐV.
Bình luận (0)