Chung tay chống dịch Covid-19
Cuối tháng 3 Vingroup tập trung toàn bộ viện nghiên cứu của tập đoàn tìm kiếm các phương án sản xuất máy thở. Chỉ sau vài ngày, tập đoàn này công bố kế hoạch sản xuất máy thở không xâm nhập và máy thở xâm nhập tại nhà máy ô tô VinFast và nhà máy sản xuất thiết bị điện tử VinSmart. Vừa hay hãng sản xuất thiết bị chăm sóc sức khỏe và y tế Medtronic của Mỹ cung cấp miễn phí toàn bộ thiết kế và hướng dẫn sản xuất máy thở Puritan Bennett 560 (PB 560), đặc biệt là mã nguồn phần mềm.
Vingroup cho biết, đã ký kết hợp đồng với Medtronic để sản xuất máy thở xâm nhập PB560 và nghiên cứu sản xuất máy thở không xâm nhập dựa trên thiết kế do trường Đại học MIT của Mỹ chia sẻ. Được biết, hiện tập đoàn này đã sản xuất thử nghiệm thành công máy đo thân nhiệt với chi phí linh kiện 16 triệu đồng, rẻ hơn hàng chục lần so với loại tương tự trên thị trường. Trong khi đó, giá linh kiện dự kiến cho máy thở không xâm nhập vào khoảng 22 triệu đồng, máy xâm nhập 160 triệu đồng.
|
Những máy thở sản xuất tại VinFast và VInSmart sẽ được cung cấp tới Bộ Y tế đúng với giá thành linh kiện không tính tất cả các phí còn lại, Vingroup cho biết. Công suất dự kiến 45.000 máy thở không xâm nhập, 10.000 máy thở xâm nhập mỗi tháng nếu tận dụng hết dây chuyền tại nhà máy VinFast và VinSmart. Trong bối cảnh có tiền cũng chưa chắc mua được máy thở xâm nhập như hiện nay chưa tính chi phí rất đắt đỏ việc VinFast và VinSmart tham gia sản xuất máy thở loại này là tín hiệu tốt trong việc hỗ trợ điều trị Covid-19, nhất là với những bệnh nhân nặng.
[VIDEO] Tỉ phú Phạm Nhật Vượng: Sẽ đầu tư 2 tỉ USD xuất khẩu ô tô điện VinFast sang Mỹ
|
Lợi thế đặc biệt của VinFast
Với lợi thế sẵn có từ công ty sản xuất ô tô và thiết bị điện tử, Vingroup tự tin có thể chế tạo đồng thời các chi tiết lớn, chi tiết cơ khí và các linh kiện khó và hiếm hàng ở thời điểm hiện tại như bo mạch điện tử. Tất nhiên, Vingroup không thể tự sản xuất 100% linh kiện của máy thở, đặc biệt là loại xâm nhập, vẫn có nhóm linh kiện phải mua trên thị trường. Máy thở xâm nhập là thiết bị rất phức tạp nhưng Vingroup rõ ràng có lý do để tự tin.
Không chỉ VinFast, khi đại dịch Covid-19 bùng phát tại châu Âu và Mỹ, nhiều nhà máy sản xuất xe hơi đã chuyển sang sản xuất vật dụng y tế, đặc biệt là các thiết bị tinh vi như máy thở trong đó có những cái tên như Ford, General Motors (GM), Tesla, Toyota, Mercedes-Benz, Ferrari…
|
Sở dĩ các nhà máy sản xuất xe hơi có thể “rẽ ngang” như vậy là do sự năng động trong ngành cũng như khả năng thiết kế, gia công các chi tiết phức tạp với độ chính xác cao trong thời gian ngắn. Tất cả là nhờ dây chuyền sản xuất hiện đại, nhân công lành nghề với đội ngũ kỹ sư chế tạo máy giỏi bậc nhất và nắm trong tay chuỗi cung ứng khổng lồ với nguồn nguyên liệu phong phú.
Hầu hết các nhà sản xuất xe hơi đều chọn sản xuất máy thở trên nguyên mẫu ổn định sẵn có để đảm bảo thời gian ra sản phẩm ngắn nhất có thể. Thậm chí với một thương hiệu đi lên từ công nghệ như Tesla, các kỹ sư đã phát triển được máy thở của riêng mình từ chính phụ tùng của mẫu xe Model 3 bên cạnh việc hợp tác cùng Medtronic sản xuất máy thở của hãng này tương tự như Vingroup.
[VIDEO] Cầm lái LUX A2.0, "sếp" phó Vingroup tiết lộ chiến lược của VinFast
|
Cơ hội cho Vingroup
Vingroup đã có bệnh viện Vinmec từ năm 2012, chính thức tham gia ngành Dược với VinFa từ tháng 4.2018. Với việc tận dụng được nguồn lực công nghệ cao, cơ sở hạ tầng của VinFast/VinSmart cùng với tinh thần sẵn sàng chia sẻ công nghệ các thiết bị y tế phục vụ cứu chữa bệnh nhân nhiễm Covid-19 từ các thương hiệu hàng đầu như Medtronic, Vingroup có nhiều thuận lợi để tham gia vào lĩnh vực sản xuất thiết bị y tế vốn giàu tiềm năng không kém ngành Dược.
Khi diễn biến dịch bệnh vẫn đang cực kỳ phức tạp chưa có dấu hiệu dừng lại đặc biệt là ở châu Âu và Mỹ nhu cầu về máy thở sẽ rất cao. Nếu thực sự VinFast và VinSmart có thể sản xuất được máy thở xâm nhập đạt chất lượng và đạt công suất 10.000 chiếc/tháng, ngoài phục vụ nhu cầu trong nước có thể được xuất khẩu sang nhiều thị trường, đặc biệt là những nước yêu cầu rất cao với các thiết bị y tế như Mỹ hay châu Âu.
|
Được biết, tài sản của “bộ sậu” công ty sản xuất máy thở Mindray đã tăng hàng tỉ USD sau khi máy thở của công ty này được chấp thuận tại Mỹ. Trước khi dịch bệnh diễn ra, máy thở Mindray không được tin dùng tại đây. Ngoài Mindray, hàng loạt nhà sản xuất Trung Quốc khác cũng được thị trường Mỹ chấp nhận như Beijing Aeonmed, Jiangsu…, điều chưa có tiền lệ trước đó.
Rõ ràng đây cũng là cơ hội đối với Vingroup. Sau đại dịch, Vingroup có thể dựa vào bàn đạp này tham gia vào lĩnh vực sản xuất thiết bị y tế dưới dạng gia công cho các thương hiệu khác như Medtronic hay tự phát triển sản phẩm mang thương hiệu riêng nhưng chí ít nếu thành công tập đoàn này sẽ giải quyết được nhu cầu máy thở trong nước đề phòng dịch bệnh diễn biến xấu.
Bình luận (0)