Sống cùng mẹ tại Q.3, TP.HCM, từ nhỏ, Nguyễn Phương Tú đã là cậu con trai ngoan hiền, hiếu học, vì thế việc Tú trúng tuyển vào Đại học Y dược TP.HCM không quá bất ngờ.
|
Thế nhưng, những ngày đầu trở thành sinh viên y khoa để học về bệnh và phương cách cứu người cũng là lúc Tú phát hiện mình bị suy thận mãn. Đau đớn với bệnh tật, luôn bị ngất đi khi học hành căng thẳng nhưng Tú vẫn cố gắng hoàn thành việc học, mong chờ ngày ra trường đi làm để chữa bệnh cho người cũng là có điều kiện chữa bệnh cho chính mình.
Về công tác tại Bệnh viện Q.10 gần một năm qua, dù mỗi ngày phải lọc thận bằng phương pháp thẩm phân phúc mạc đến 4 lần nhưng Tú luôn hoàn thành nhiệm vụ. Hết lòng với công việc cộng với tính cách hiền lành nên Tú rất được mọi người yêu mến. Bác sĩ Vĩnh Thành - Phó giám đốc Bệnh viện Q.10 - cho biết: “Bác sĩ Tú là điển hình của gương vượt khó, vượt qua bệnh tật để phục vụ cộng đồng, hoàn thành tốt công việc. Vì lẽ đó mà y bác sĩ, bệnh nhân, ai cũng thương yêu bác sĩ Tú”.
Những tưởng khổ đau với bác sĩ Tú đến thế là quá đủ, nào ngờ vào tối 26.3, lúc mẹ đang khử dầu để pha màu nấu bún bán vào sáng hôm sau thì dầu bắt lửa, nghe tiếng mẹ la, Tú vội vã chạy xuống bếp, trong lúc hoảng loạn, mẹ Tú hất chảo dầu ra ngoài cũng là lúc Tú vừa chạy đến nên hứng nguyên chảo dầu sùng sục sôi.
Phỏng độ 3, 32%, nhiễm trùng huyết, nhiễm trùng dịch báng, suy thận giai đoạn cuối, sốt, hôn mê, liên tục tiêm kháng sinh, truyền máu, dùng giảm đau loại an thần... là những gì Tú phải chịu đựng hiện nay. Hôm chúng tôi đến thăm tại khu chăm sóc bệnh nặng khoa Bỏng Bệnh viện Chợ Rẫy, Tú liên tục bị những cơn đau hành hạ. Bà Trần Thị Dung - mẹ Tú - chỉ biết khóc thương xót con và khóc vì nỗi ân hận giày vò, bà liên tục nói “tại mẹ mà con ra nông nỗi này!”.
Xót xa cho nỗi đau của bác sĩ Tú bao nhiêu, càng cám cảnh cho hoàn cảnh khó khăn của gia đình anh bấy nhiêu. Mỗi tháng, do phải chạy thận nên tiền lương của anh chỉ vừa đủ để anh trang trải chi phí, mọi chi tiêu trong nhà đều trông chờ vào hàng bún mỗi sáng của mẹ. Từ ngày Tú nhập viện, tiền đóng ban đầu đã lên đến 20 triệu đồng trong khi nhà chẳng có tiền, mẹ anh bỏ hết buôn bán vào viện chăm sóc con. Công đoàn, nhân viên Bệnh viện Q.10 đã vận động quyên góp 2 đợt mới được gần 15 triệu đồng, trong khi số tiền viện phí mà Tú phải chi trả sẽ rất cao do dùng nhiều thuốc đặc trị và việc chữa trị sẽ còn kéo dài. Rất mong các nhà hảo tâm giúp đỡ.
Thanh Đông
Bình luận (0)