Có mặt từ sáng sớm tại khu vực trạm thu phí (dưới chân cầu Rạch Chiếc, TP.Thủ Đức), phóng viên Thanh Niên ghi nhận tình hình phương tiện lưu thông qua trạm trong ngày đầu thu phí.
Theo quan sát, từ 5 - 6 giờ 30, xe cộ di chuyển qua trạm thu phí bình thường, không ùn tắc. Tuy nhiên từ khoảng 7 giờ trở đi, lượng phương tiện tăng cao, bắt đầu xếp hàng dài chờ qua trạm.
Hàng xe nối đuôi nhau khoảng 500 m, từ dưới chân cầu Rạch Chiếc, kéo tới trạm thu phí
|
Giờ cao điểm, phương tiện tăng cao nên việc thu phí bắt đầu gây cản trở dòng xe cộ
|
Trước đó, CII đã lắp đặt 8 làn thu phí tự động không dừng ở trạm thu phí cho các xe sử dụng thẻ ETC nhằm giảm tình trạng ùn ứ xe trên tuyến đường cửa ngõ huyết mạch phía đông của thành phố. Tuy nhiên hầu hết xe lưu thông qua trạm đều mua vé bằng tiền mặt.
Đa số tài xế mua vé trực tiếp tại quầy bằng tiền mặt
|
Các tài xế cho biết trước đó, trạm BOT Xa lộ Hà Nội tổ chức thu phí thử nghiệm nhưng các xe di chuyển qua không phải trả phí nên không gây ùn tắc.
"Thu phí thế này thì chắc chắn kẹt hơn ngày thường rồi. Tuy có làn thu phí tự động nhưng có cài thẻ ETC thì đi qua vẫn kẹt, cài làm gì", anh Trần Tuấn Anh, tài xế di chuyển thường xuyên qua khu vực này, chia sẻ.
Có mặt trực tiếp chỉ huy phân làn trong ngày đầu thu phí, đại diện CII cho biết các phương tiện chưa gắn thẻ ETC vẫn di chuyển qua làn thu phí tự động nên gây xáo trộn, ùn ứ trong giờ cao điểm. CII đã huy động nhiều lực lượng công nhân viên ra điều tiết, phân loại các phương tiện, giúp tình hình dần ổn định hơn.
Lực lượng thanh niên xung phong cũng được điều động tới để hỗ trợ phân luồng, hướng dẫn tài xế trong ngày đầu thu phí
|
Bên cạnh việc thu phí, trên tuyến đường có 1 xe container bị hỏng, cùng 1 xe đứng đợi kích hoạt thẻ ETC cũng khiến tình trạng ùn ứ thêm nghiêm trọng hơn.
Trong khi đó, phía làn xe ngược lại hướng từ TP.Thủ Đức đi về trung tâm thành phố khá thông thoáng
|
Dự án mở rộng Xa lộ Hà Nội có chiều dài 15,7 km, từ chân cầu Sài Gòn (quận 2 cũ) đến nút giao thông Tân Vạn (tiếp giáp dự án xây dựng cầu Đồng Nai mới) khởi công vào năm 2010. Theo quy hoạch, mặt cắt ngang của tuyến được UBND TP.HCM quy hoạch rộng 113,5 m và 153,51 m; quy mô từ 14 - 20 làn xe. Dự án gồm 3 đoạn: Từ cầu Sài Gòn đến nút giao Bình Thái (dài 6,2 km); Từ nút Bình Thái đến nút giao Trạm 2 (dài 5,3 km) và từ nút giao Trạm 2 đến nút giao Tân Vạn (dài 4,2 km).
Theo quy định trong Phụ lục Hợp đồng BOT, dự án bắt đầu thu phí từ ngày 1.10.2008. Thế nhưng đã 14 năm trôi qua, đến nay doanh nghiệp mới chính thức được thu phí hoàn vốn dù đã hoàn thành 100% trục đường chính, nâng cấp, rải nhựa toàn bộ đoạn Dĩ An (Bình Dương) cho xe lưu thông, hoàn thành 93% trục đường song hành bên phải và 74% trục đường song hành bên trái, tạo ra một tuyến đường rộng, đẹp, có dải phân cách và cây xanh dọc tuyến.
Theo Quyết định mới nhất của UBND TP, mức giá dịch vụ sử dụng đường bộ đối với phương tiện lưu thông qua trạm BOT Xa lộ Hà Nội như sau: Xe dưới 12 ghế ngồi, xe tải có tải trọng dưới 2 tấn giá vé là 28.000 đồng/vé/lượt; xe từ 12 - 30 ghế ngồi, xe tải có tải trọng từ 2 - dưới 4 tấn: 42.000 đồng/vé/lượt; xe từ 31 ghế ngồi trở lên, xe tải có tải trọng từ 4 - dưới 10 tấn: 55.000 đồng/vé/lượt; xe tải có tải trọng từ 10 - dưới 18 tấn, xe chở hàng bằng container 20 ft: giá vé 110.000 đồng/vé/lượt; đối với xe tải có tải trọng trên 18 tấn, xe chở hàng bằng container 40 ft: giá vé là 155.000 đồng/vé/lượt.
Nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn do dịch bệnh Covid-19, giá vé đã được UBND TP.HCM điều chỉnh giảm 10% trong năm đầu tiên (từ 0 giờ ngày 1.4.2021 - 24 giờ ngày 31.3.2022), tức từ 25.000 đồng - 140.000 đồng tương ứng với từng loại phương tiện.
|
Bình luận (0)