Chạy đua với thời gian
Từ tin báo có một bệnh nhân nam, 55 tuổi, ngụ tại tổ 2, ấp 6, xã Vĩnh Lộc A, H.Bình Chánh, TP.HCM bị khó thở, đau vùng trước ngực cần cấp cứu, nhóm bác sĩ - điều dưỡng khoa Cấp cứu ngoại viện, Bệnh viện Trưng Vương lập tức chuẩn bị thuốc, thiết bị phù hợp để mang đi cứu người. Tài xế Nguyễn Văn Hùng (B) nhảy ngay lên xe cứu thương, nổ máy, hụ còi và trong đầu không quên suy nghĩ, tìm đoạn đường đi ngắn nhất để sớm đến với bệnh nhân. Rời bệnh viện khoảng 16 giờ 30, thời điểm tan trường, tan sở, mặc dù được quyền ưu tiên chạy nhanh nhưng xe cứu thương của bác tài Hùng (B) gặp không ít khó khăn, chỉ cần một sơ suất nhỏ cũng có thể gây tai nạn. Trong khi đó ở trong xe bác sĩ Nguyễn Thị Thu Vân luôn miệng thúc: "Bệnh nhân có biểu hiện của bệnh tim mạch, càng can thiệp sớm càng tốt"... Sau 20 phút, xe chở nhóm thầy thuốc cũng đã đến được chỗ bệnh nhân. Qua thăm khám, phát hiện bệnh nhân bị tụt huyết áp, nhồi máu cơ tim, nhóm thầy thuốc nhanh chóng sơ cứu rồi quyết định chuyển nhanh bệnh nhân về Bệnh viện Trưng Vương để tiếp tục điều trị. Trên xe, trong khi các bác sĩ - điều dưỡng xử lý tình trạng rối loạn nhịp tim của bệnh nhân thì bác tài Hùng lại phải tiếp tục điều khiển xe với áp lực "làm sao chuyển bệnh nhân đến bệnh viện an toàn trong thời gian sớm nhất"...
Ở một hướng khác, qua số 115, Trung tâm y tế H.Củ Chi (TP.HCM) yêu cầu Bệnh viện Trưng Vương chi viện y - bác sĩ để phẫu thuật gan cho một thanh niên bị tai nạn giao thông đang trong tình trạng nguy kịch. Tài xế Nguyễn Văn Hùng (A) nhận nhiệm vụ. Khi đến Trung tâm y tế H.Củ Chi, trong lúc các y - bác sĩ có nhiệm vụ tiếp sức với bệnh viện phẫu thuật cho bệnh nhân thì bác tài Hùng (A) có nhiệm vụ... bảo vệ trang thiết bị cấp cứu trên xe. Do được phẫu thuật kịp thời nên bệnh nhân được cứu sống trong gang tấc. Người đã đưa thầy thuốc đến kịp với bệnh nhân thở phào, nhẹ nhõm. Trên đường quay về, khi xe gần đến cổng bệnh viện, máy bộ đàm lại nhận tín hiệu thông báo: "Có bà cụ ở số..., đường Tú Xương, Q.3, TP.HCM bị mệt...". Bác tài Hùng (A) lại quay đầu xe, tiếp tục cuộc hành trình cứu người.
Trong một ca trực (24 giờ), trung bình mỗi bác tài ở khoa Cấp cứu ngoại viện Bệnh viện Trưng Vương có hơn 15 lần đưa thầy thuốc đến cứu bệnh nhân trong tình trạng như vậy. Do đặc thù của công việc là cấp cứu ngoại viện nên khi bệnh nhân có yêu cầu bất kể lúc đó là ban ngày hay ban đêm, bệnh nhân ở nội hay ngoại thành, bác tài và nhóm thầy thuốc cấp cứu vẫn phải lên đường...
Vui buồn chuyện nghề
Tài xế Hùng (A) kể rằng trong thời điểm nước ta xảy ra dịch SARS, anh nhận được nhiệm vụ chuyển một bệnh nhân nghi nhiễm SARS từ sân bay Tân Sơn Nhất đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM. Trước khi đi, anh hết sức lo lắng... nhưng rồi khi gặp bệnh nhân, mọi lo lắng tan biến, anh liền xắn tay vào phụ chuyển bệnh nhân lên băng ca. Khi xe đến bệnh viện, anh cũng không ngần ngại phụ đưa bệnh nhân vào phòng bệnh. Có những lúc, bệnh nhân là người già neo đơn lại ở tận trên tầng cao cần chuyển đi bệnh viện, trong khi nhóm thầy thuốc lại toàn là nữ, khi đó bác tài kiêm luôn nhiệm vụ "kiệu" bệnh nhân xuống đất, chuyển lên băng ca. Mặc dù không phải là thầy thuốc nhưng được tham gia huấn luyện cấp cứu nên các bác tài có thể hỗ trợ thầy thuốc trong mọi tình huống, đồng thời khi chuyển bệnh, nghi bệnh lao, vết thương có chảy máu... các bác tài cũng tự bảo vệ mình bằng cách đeo khẩu trang, găng tay... Bác tài Trần Đình Nhật cho biết: "Bỏ cơm, bỏ ngủ, thậm chí bỏ cả chuyện đi vệ sinh để cấp cứu là chuyện thường ngày của chúng tôi". Còn anh Hùng (A) tiết lộ: "Tụi tôi hầu như ai cũng hớt tóc cao để không phải mất thời gian chải tóc khi có cấp cứu".
Nhiệt tình trong công việc là vậy nhưng không phải mọi chuyện lúc nào cũng suôn sẻ. Mới đây, lúc 20 giờ, tổng đài 115 nhận tin báo có một bệnh nhân bị u não đang lên cơn đau đầu ở số nhà..., đường 29, P.Tân Quý, Q.Tân Phú, TP.HCM cần cấp cứu, người báo cho biết tên là Hồ và cho số điện thoại liên lạc. Nhóm thầy thuốc cấp tốc lên đường. Thế nhưng khi đến khu vực được báo, nhóm cấp cứu tìm mãi vẫn không thấy số nhà trên, gọi đến số điện thoại mà người báo cung cấp, cũng không có ai nhấc máy. Nhóm cấp cứu đành phải quay về và sau đó phát hiện ra đó chỉ là tin báo giả. Trường hợp khác, có một giọng nữ gọi đến tổng đài 115 với giọng nói đứt quãng yêu cầu xe cứu thương đến chuyển chị đi cấp cứu vì chị bị tai nạn giao thông rất nặng. Bác tài cho xe cứu thương hú còi, nhanh chóng lên đường, tránh tối đa va quẹt xe cộ. Đến đúng địa chỉ được báo trên đường Hoàng Văn Thụ, P.8, Q.Phú Nhuận, TP.HCM, nhóm cấp cứu mang băng ca, dụng cụ sơ cứu lao nhanh vào nhà, nhưng thật bất ngờ, đã được đón tiếp bằng một trận... mắng xối xả. Chủ nhà cho biết: "Ở đây chẳng có ai cần cấp cứu cả!". Nhóm thầy thuốc gọi lại số điện thoại di động mà người phụ nữ đã gọi chỉ nghe báo: "Không liên lạc được". Không chỉ tổng đài cấp cứu 115 mới bị báo tin giả, tổng đài cấp cứu số 8550895 của Trung tâm y tế Q.5, TP.HCM cũng thường bị gạt như vậy. Tài xế Võ Bá Hùng cho biết mới đây khoảng 22 giờ, tổng đài cấp cứu của trung tâm nhận được tin báo có một vụ tai nạn giao thông vừa xảy ra tại ngã tư đường Trần Phú - Trần Bình Trọng, Q.5 nên cử nhóm cấp cứu ngoại viện cấp tốc lên đường cứu người. Đoàn xe cứu thương đến nơi nhưng người dân cho biết không có vụ tai nạn nào cả. Trên đường về ngang ngã tư đường Nguyễn Trãi - An Bình, Q.5, nhóm thầy thuốc phát hiện... có một vụ tai nạn giao thông thật đang xảy ra tại đây khiến một người bị thương nặng. Thế là cả nhóm nhảy xuống sơ cứu và đưa bệnh nhân đang bị chấn thương sọ não thẳng đường đến Bệnh viện Chợ Rẫy. Tất nhiên trong tình huống như vậy, việc cứu người và chuyển bệnh là hoàn toàn miễn phí.
Tài xế Phạm Hồng Trung, Bệnh viện phụ sản Từ Dũ TP.HCM bùi ngùi nhớ lại: cách đây không lâu, có một nữ bệnh nhân vì bệnh quá nặng nên đã tử vong tại Bệnh viện Từ Dũ. Người thân của bệnh nhân có mặt tại bệnh viện là bà mẹ già hơn 60 tuổi. Thấy hoàn cảnh bệnh nhân quá neo đơn, ban giám đốc bệnh viện yêu cầu tài xế của bệnh viện lái xe cứu thương sớm đưa xác bệnh nhân về nhà ở H.Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước dù lúc đó là giữa khuya. Khi xe đến H.Đồng Xoài, bà mẹ vì quá đau lòng và bối rối đã không còn nhớ đường về nhà khiến bác tài phải chạy xe lòng vòng mãi mới tìm được địa chỉ của bệnh nhân. "Lúc đó dù rất mệt nhưng sự mệt mỏi đó làm sao sánh bằng nỗi mất mát của người mẹ già ..." - anh Trung bảo.
Trách nhiệm tương đương bác sĩ
Hầu hết bệnh nhân khi gọi cấp cứu là họ đã đặt hết lòng tin và tính mạng của mình cho thầy thuốc, vì vậy người làm cấp cứu không thể chậm trễ hay nề hà "đó là tin giả hay tin thật", bệnh nhân nặng hay nhẹ. Nhất là với những trường hợp bệnh nhân bị chấn thương sọ não hay bệnh tim mạch, tính mạng phụ thuộc vào việc có được chữa trị kịp thời hay không. Trách nhiệm "thời gian" được trao cho các bác tài. Lúc này, các bác tài phải chọn đường đi ngắn nhất để đưa bác sĩ sớm đến gặp bệnh nhân, đảm bảo "thời gian vàng" cho bệnh nhân. Để hoàn thành nhiệm vụ của tài xế xe cứu thương, các bác tài không những phải vững tay lái, rành đường sá (gần như thuộc lòng vị trí các con đường trên địa bàn thành phố) mà tâm lý còn phải rất ổn định. Bởi khi có lệnh vận chuyển cấp cứu, cũng là lúc họ phải đối mặt với "cái chết trước mặt và cái chết sau lưng". Bác tài Phạm Hồng Trung có lần đã gặp một trường hợp hy hữu: trên đường lái xe cứu thương chở đoàn y - bác sĩ của Bệnh viện Từ Dũ đến Trung tâm y tế H.Bù Đăng, tỉnh Bình Phước hỗ trợ xử lý một trường hợp mổ lấy thai, bệnh nhân đang bị rối loạn đông máu. Khi gần đến trung tâm, do trời mưa, đường trơn trượt lại chạy với tốc độ nhanh nên xe cứu thương bị lật. Rất may là mọi người trên xe đều bình an, cùng nhau xử lý chiếc xe rồi tiếp tục lên đường... Phó giáo sư - bác sĩ Vũ Lê Chuyên, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Bình Dân TP.HCM nhận định: "Người lái xe cứu thương cũng giống như người thầy thuốc. Bác sĩ dùng hết chuyên môn để điều trị cho bệnh còn họ thì tìm mọi cách để đưa bác sĩ đến với bệnh nhân nhanh nhất, đấy cũng là cứu người".
Ngọc Trang
Bình luận (0)