Một nông dân bên cây cần sa tại tỉnh Kandahar ở Afghanistan |
afp |
Đài RT ngày 8.1 đưa tin Công ty Nghiên cứu và Phát triển CPharm International (ECI-Đức) đang dự định đầu tư hàng trăm triệu USD vào Afghanistan dưới chính quyền do Taliban kiểm soát, nhằm cung cấp cần sa dùng trong y tế.
Vào cuối năm ngoái, hãng truyền thông Vice đã lần ra thông tin ECI đã ký thỏa thuận với Taliban.
Thỏa thuận âm thầm
Năm ngoái, Bộ Nội vụ Afghanistan tiết lộ rằng một công ty có tên là “Cpharm” đã cử đại diện gặp gỡ giới lãnh đạo Taliban và sẽ đầu tư 450 triệu USD vào Afghanistan trong lĩnh vực nhựa cần sa.
Hãng Vice khi đó đưa tin sai sót khi cho rằng đây là một công ty tư vấn y khoa Úc cũng có tên là Cpharm, khiến công ty này cực lực bác bỏ thông tin có liên quan Taliban. Điều này cũng góp phần khiến thỏa thuận trên được nhiều người biết đến.
Các thành viên Taliban trong mùa đông tại Afghanistan |
AFP |
Trong khi đó, chủ sở hữu kiêm giám đốc điều hành công ty ECI là ông Werner Zimmermann tỏ ra không vui khi thông tin về thỏa thuận trên bị công khai. Ông khẳng định rằng quy mô thỏa thuận đã bị hiểu sai.
Công ty của ông hoạt động tại nhiều nước như Lesotho, Morocco, Kyrgyzstan, Bắc Macedonia và Đảo Cyprus, còn Kazakhstan và Afghanistan sẽ sớm được thêm vào danh sách.
ECI xây các nhà máy xử lý cần sa và tư vấn về các vấn đề pháp lý như sự khả thi trong xuất khẩu cần sa y tế ra nước ngoài. Dự án ở Afghanistan dự kiến sẽ triển khai sau khi xây một nhà máy với vốn đầu tư hơn 565.800 USD ở Kazakhstan.
Công ty dự định sản xuất cần sa y tế tại Afghanistan cho cả thị trường nội địa lẫn quốc tế, nhưng nếu các nước như Đức hợp pháp hóa thì họ sẽ bắt đầu trồng cho mục đích giải trí.
Xem cửa hàng tiếc rẻ cắt đầu ma-nơ-canh nữ sau lệnh của Taliban |
Nguồn thu của Taliban
Dù bị cấm từ thập niên 1970, cây cần sa vẫn được trồng phổ biến ở Afghanistan và ít nhất cho đến khi Taliban cầm quyền vào tháng 5, chủ yếu được tiêu thụ bởi những người ở vùng xa xôi tại nước này.
Thuốc phiện từng là một trong những nguồn thu chính của Taliban, theo ông Mullah Yaqoob, con trai của cố lãnh đạo Taliban Mullah Mohammad Omar.
Vào cuối tài khóa kết thúc tháng 3.2020, bên cạnh khai khoáng, Taliban còn thu được 416 triệu từ kinh doanh thuốc phiệm và 240 triệu từ nguồn quyên góp.
Afghanistan chiếm gần 84% sản xuất thuốc phiện trên toàn cầu trong giai đoạn 5 năm kết thúc vào năm ngoái, phần lớn lợi nhuận chảy vào túi Taliban và nhóm này áp thuế 10% đối với từng khâu trong chuỗi sản xuất.
Theo chuyên gia Charles Miller tại Đại học quốc gia Úc, một trong những lý do Taliban rất thành công là nhờ lĩnh vực thuốc phiện. Theo ông, nhiều chuyên gia cho rằng Taliban sẵn sàng bảo vệ kinh doanh, dù hợp pháp hay không.
Trẻ em Afghanistan chơi đùa tại Ghazni |
afp |
Người dân Afghanistan ngày càng nghèo đói
Lực lượng Taliban ngày 7.1 kêu gọi viện trợ nhân đạo khẩn cấp mà không có “thiên kiến chính trị”, đồng thời cho hay lũ lụt và tuyết rơi khiến người dân ngày càng khó khăn. Kể từ khi Taliban kiểm soát Afghanistan vào ngày 15.8, nước này đã rơi vào xáo trộn lớn về tài chính, lạm phát và thất nghiệp tăng vọt. Hàng tỉ USD tài sản của nước này bị Mỹ phong tỏa, trong khi viện trợ bị cắt giảm nghiêm trọng. Phương Tây muốn gây áp lực để Taliban có chính phủ bao hàm và tôn trọng nữ quyền, trước khi dỡ bỏ phong tỏa. Các cơ quan viện trợ quốc tế cảnh báo rằng hơn phân nửa trong số 38 triệu dân Afghanistan sẽ bị đói vào mùa đông này. Phó Thủ tướng Afghanistan Abdul Ghani Baradar cho rằng thế giới buộc phải hỗ trợ. “Giờ đây tại nhiều nơi, nhiều người không có thức ăn, chỗ ở, quần áo ấm hay tiền bạc. Thế giới phải hỗ trợ người dân Afghanistan mà không có bất cứ sự thiên kiến chính trị nào và tuân thủ về nhân đạo”, ông kêu gọi.
Bình luận (0)