Tấm bản đồ xâm lăng của Trung Quốc

30/06/2014 03:00 GMT+7

Giới chuyên gia quốc tế cảnh báo Trung Quốc có thể xâm chiếm thêm các đảo trên biển Đông để khống chế toàn bộ khu vực chiến lược này.


Một công nhân kiểm tra bản đồ dọc mới phi pháp của Trung Quốc được in tại Hồ Nam ngày 27.6 - Ảnh: Reuters 

Ngày 28.6, Chủ tịch Trung Quốc (TQ) Tập Cận Bình tuyên bố nước này sẽ “tiếp tục con đường phát triển hòa bình” và “sẽ không bao giờ tìm kiếm bá quyền”, theo Tân Hoa xã. Cách đây gần một tháng, chính ông Tập cũng tuyên bố “trong máu người TQ không có gien xâm lược hoặc thống trị thế giới”. Thế nhưng đi kèm với những tuyên bố mang tính trấn an đó là giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981) ngang ngược cắm trong vùng biển Việt Nam, là giàn khoan Nam Hải-09 hiện diện trong vùng chưa phân định ở cửa vịnh Bắc bộ, là tấm bản đồ dọc với đường lưỡi bò 10 đoạn (thêm một đoạn gần Đài Loan) trắng trợn ôm gần trọn biển Đông.

Tờ The Philippine Star dẫn lời cựu cố vấn an ninh quốc gia Philippines Roilo Golez cảnh báo nếu các bên không phản ứng mạnh với tấm bản đồ dọc mới, TQ có thể vin vào nó để đẩy mạnh lấn chiếm, xâm phạm trên biển Đông. Theo ông, nước này đang tiếp tục thực thi tuyên bố mang tính bành trướng lãnh thổ bằng cách vẽ ra bản đồ mới. “Các chỉ huy hải quân TQ sẽ dựa vào bản đồ mới để tự cho mình có quyền xâm phạm”, ông Golez cảnh báo. Ông còn dự đoán Malaysia và Indonesia sẽ phản đối tấm bản đồ ngang ngược của TQ vì đường 10 đoạn cũng “liếm” sát bờ biển thuộc bang Sabah của Malaysia và lấn sâu vào biển Natuna của Indonesia. Đến nay, Việt Nam và Philippines đều đã lên án mạnh mẽ bản đồ này.

Cựu cố vấn an ninh Golez còn chỉ trích rằng dù không chính thức đưa lên LHQ nhưng việc TQ phát hành bản đồ không có cơ sở pháp lý và lịch sử này là “hành động vô trách nhiệm làm tổn hại hòa bình và an ninh khu vực”.

Nguy cơ leo thang

Trong bài phân tích đăng trên website của Viện Nghiên cứu SAAG (Ấn Độ), tiến sĩ Subhash Kapila cảnh báo tình hình căng thẳng biển Đông có khuynh hướng leo thang vì TQ sẽ tiếp tục hoàn tất mưu đồ kiểm soát toàn bộ vùng biển này. Ông lập luận dùng vũ lực xâm chiếm Hoàng Sa và nhiều đảo, bãi đá ở Trường Sa chỉ là bước đầu cho tham vọng của TQ đối với biển Đông. Ý đồ này đang được TQ hiện thực hóa bằng hình thức cho hải quân, không quân tuần tra trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu và tiến hành các cuộc tập trận lớn. Chuyên gia Kapila cho rằng bước kế tiếp của Trung Quốc có thể là sẽ tiến chiếm thêm nhiều đảo, bãi đá tại đây cũng như lập vùng nhận diện phòng không ở biển Đông và đơn phương ban hành các quy định hạn chế hàng hải khác do hải quân giám sát. 

Bản đồ dọc ôm cả vùng do Ấn Độ quản lý

Ngày 28.6, Bộ Ngoại giao Ấn Độ cực lực phản đối bản đồ khổ dọc mới của Trung Quốc ôm gần trọn bang Arunachal Pradesh do New Delhi quản lý. Hãng tin PTI dẫn lời một phát ngôn viên của cơ quan này nhấn mạnh: “Những mô tả trên bản đồ không thay đổi được thực tế. Arunachal Pradesh nằm trong phần thống nhất và không thể tách rời của Ấn Độ và điều này đã được khẳng định với giới chức Trung Quốc trong nhiều cuộc gặp, kể cả ở cấp cao nhất”.

Thủ hiến bang Arunachal Pradesh Nabam Tuki cũng đã lên án bản đồ mới của Trung Quốc, theo hãng tin ANI. Arunachal Pradesh vẫn được New Delhi quản lý hoàn toàn sau cuộc chiến tranh biên giới giữa hai nước năm 1962, nhưng Bắc Kinh vẫn tuyên bố chủ quyền và xem vùng này thuộc Khu tự trị Tây Tạng.

Minh Trung

Văn Khoa

>> Trung Quốc thử nghiệm tàu ngầm mini không người lái ở biển Đông
>> Hướng về biển Đông
>> Giàn khoan thứ 2 của Trung Quốc đã đi vào hoạt động tại biển Đông
>> Báo Pháp chỉ trích hành động của Trung Quốc ở biển Đông
>> Bạn đọc tiếp tục 'Chung tay góp sức bảo vệ biển Đông
>> Lãnh đạo Mỹ, Singapore bàn về ‘hành vi gây bất ổn’ của Trung Quốc trên biển Đông
>> Đại học Luật TP.HCM trao tiền ủng hộ lực lượng bảo vệ biển Đông
>> Mưu đồ tạo tiền lệ ở biển Đông

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.