Mà nói thế cũng tội cho me, cho giấm, cho chanh, bởi dù đều chua cả, nhưng mỗi thứ có một hương vị riêng, chẳng thể so sánh được. Chỉ biết rằng nồi canh chua làm dịu cả cái nắng cháy khô cổ họng của Huế dứt khoát phải có măng, như thể Huế không thể thiếu đền đài lăng tẩm vậy.
|
Từ dạo đọc báo về “công nghệ” tẩy trắng măng chua, tôi hết dám rớ tới măng. Nồi canh chua kể từ đó cũng buồn hiu hắt, chẳng còn tí hấp dẫn nào. Canh chua mà không có măng vô duyên chẳng khác gì con gái mặc áo dài với quần tây. Thôi thì đành phải chia tay với món canh chua khoái khẩu.
Mấy tuần nay, ngày nào ra chợ tôi cũng thấy cơ man nào là mụt măng điền trúc, mạnh tông, tre Tàu (những loại được dùng để làm măng chua). Một mụt măng to đùng ngày thường 50.000 - 60.000, có khi cả 100.000 đồng bây giờ vô mùa chỉ còn chừng 20.000 đồng. Tần ngần mãi trước hàng măng, cuối cùng tôi quyết định “vác” về nhà một mụt măng to tròn chắc nịch. “Mạ ơi, mần răng ngâm măng chua?” - cú điện thoại cầu cứu của cô con gái thành phố khiến mạ cười vang: “Cha mi, ăn mòn cả răng ni mới hỏi. Có chi đơn giản bằng”. Câu trả lời của mạ làm tôi thở phào nhẹ nhõm.
Thế là theo lời mạ bày, tôi bóc hết lớp vỏ bên ngoài, bào mụt măng thành từng miếng mỏng rồi ngâm trong nước muối nửa ngày để xả hết vị đắng. Công đoạn tiếp theo là hòa một tí giấm, đường và muối vào nước, đổ vào hũ rồi cho măng vào ngâm, đậy nắp hũ lại. Đúng là không có chi đơn giản bằng! Một tuần trôi qua, nếm thử miếng măng chua giòn tan giữa nồi canh cá điêu hồng thơm phức, con gái tôi reo lên: “A, đây rồi!”. Đúng, chính là nó, chính cái vị chua thanh tao, cái màu trắng nõn nà, cái vị ngọt lạ lùng của măng mới làm nên linh hồn của nồi canh chua.
Mạ tôi bảo, măng để trong tủ lạnh ăn vài ba tháng vẫn giòn, vẫn ngon. Tôi đem cất hũ măng vào tủ lạnh, trong lòng vẫn không thôi thắc mắc tại sao người ta lại phải tẩy trắng khi vốn dĩ măng đã trắng nõn, tại sao lại phải dùng hàn the khi vốn dĩ miếng măng đã giòn tan…
Đoan Nhật
Bình luận (0)