Tấm Cám thật là… trẻ trâu

12/02/2016 11:50 GMT+7

Vô tình mà tết năm nay nhóm kịch Buffalo lại ra mắt vở nhạc kịch Tấm Cám trùng với sân khấu Idecaf. Đã chuẩn bị từ hơn một năm qua, làm sao biết được sẽ trùng. Nhưng không sao, Tấm Cám này có màu sắc riêng, đặc biệt là thật… trẻ trâu!

Vô tình mà tết năm nay nhóm kịch Buffalo lại ra mắt vở nhạc kịch Tấm Cám trùng với sân khấu Idecaf. Đã chuẩn bị từ hơn một năm qua, làm sao biết được sẽ trùng. Nhưng không sao, Tấm Cám này có màu sắc riêng, đặc biệt là thật… trẻ trâu!

Cát Tường vai mẹ ghẻ, Thúy Hạnh vai CámCát Tường vai mẹ ghẻ, Thúy Hạnh vai Cám
Nói “trẻ trâu” bởi nó sinh ra từ nhóm… con trâu. Nhưng trẻ trâu cũng vì nó quá mạnh mẽ, năng động, vắt kiệt sức mình trên sân khấu. Nhìn những diễn viên rất trẻ, vắt sức ra mà ca hát, nhảy múa, thấy thương làm sao. Thương cái nét mặt, nét diễn đầy chân thành, chưa nhuốm kỹ xảo, kỹ thuật, cứ như những tình yêu đầu đời trong veo. Khán giả vỗ tay cho họ, bởi sự rung cảm trong veo ấy.
Và nói “trẻ trâu” cũng vì đạo diễn Khắc Duy lẫn nhà sản xuất Hoàng Quân rất… “lì”. Cả hai lẽ ra chỉ làm diễn viên bình thường thôi cũng đã kiếm được không ít tiền, nhất là đi đóng phim thêm. Nhưng không, họ làm gì thì làm, vẫn lặng lẽ nuôi một hoài bão lớn. Lặng lẽ nhưng kiên quyết. Đã từng thử sức với những sân khấu nho nhỏ như 5B, Nhà hát Thế Giới Trẻ, rạp Công Nhân, giờ đùng một cái bước ra Nhà hát Bến Thành rộng lớn. Không phải ai cũng có khả năng đứng trên sân khấu lớn, bởi diễn thì dễ bị chìm, dựng thì dễ hụt tay. Vậy mà họ đã làm tốt đến bất ngờ. Nhất là đạo diễn Khắc Duy, 4 trong 1, vừa viết kịch bản, dàn dựng, viết nhạc cho vở và diễn luôn khi cần. Trẻ trâu đấy, vì mới hai mươi mấy tuổi thôi. Rất cần những kiểu “trẻ trâu” như thế để cuộc đời có thêm sắc màu lấp lánh…
Hoàng Quân trong vai nhà vua, Hạnh Thảo trong vai Tấm
Tấm Cám đủ hoành tráng với cảnh trí và cách dựng. Đủ đẹp với trang phục sắc màu thanh nhã. Mấy chục bài hát để làm nên chất nhạc kịch mang hơi hướm giao hưởng, âu cũng là gu nhạc của Buffalo. Và Tấm Cám cũng đủ nhân văn để thay đổi chuyện ngày xưa. Cô Cám không đáng ghét, cô đôi lúc ngây thơ, cô biết thương chị, đặc biệt chi tiết dù trong lúc chìm thuyền vẫn giữ chặt con thoi dệt vải trong tay để mong cứu linh hồn của chị. Mẹ ghẻ cũng có lý do của bà, là bởi quá thương con, muốn mưu cầu hạnh phúc cho con nên phải tranh giành. Nhà vua cũng được lý giải tại sao lại đưa Cám vào cung thay cho Tấm, đó là do nọc độc của con rắn khiến xui vua nhầm lẫn. Và dĩ nhiên mẹ con Cám không chết, mà chỉ trả giá bằng việc Cám bị mù mắt. Nhưng ngay lúc bà mẹ buông tay thì Cám trở lại như xưa. Nhân quả đó. Vẫn còn kịp cứu chuộc nếu người ta hối lỗi. Mềm mại, nhân hậu thế thôi! Thêm hai nhân vật con rắn và con nghé làm câu chuyện thêm chất hồn nhiên nghịch ngợm.
Ấn tượng vui nhất đêm diễn là sự xuất hiện của ông Bụt do danh hài Tấn Beo đóng. Buffalo đã tăng cường ngôi sao một chút. Đúng là chỉ cần một ngôi sao như thế cũng đủ cười vui vẻ, mà không phá vỡ nét diễn tổng thể của nhóm. Tấn Beo quả không hổ danh “danh hài”. Anh thả nhẹ những câu thoại là khán giả đã cười no bụng. Chẳng cần lạm dụng hình thể, ngôn ngữ bậy bạ gì hết. Nhưng có một người nữa có năng khiếu hài bất ngờ. "Bà mẹ ghẻ" Cát Tường. Chị diễn bi, diễn độc lẳng đều giỏi, ca hát lại rất hay vì đã từng đoạt giải cao trong một cuộc thi tại TP.HCM. Không ngờ, chị lại bật lên nét hài thật duyên dáng. Thế là đủ cho một đêm mãn nhãn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.