img
BÀI 1: TẤM DANH THIẾP BỊ MỜ VÀ CHUỖI NGỌC ĐỨT DÂY - Ảnh 1.

TS - KTS Vũ Hoài Đức (Khoa Các khoa học liên ngành, Đại học Quốc gia Hà Nội) đã nhiều năm nghiên cứu quy hoạch Hà Nội, cả vì đam mê nghề, cả vì anh chính là một người Hà Nội. Những quy hoạch công viên mặt nước cây xanh Hà Nội anh đã đọc đi đọc lại nhiều lần, để rồi ấn tượng nhất với bản quy hoạch do chuyên gia Liên Xô giúp Hà Nội xây dựng hồi 1981 mang tên TEO. "Quy hoạch thời Liên Xô có tên TEO năm 1981 là một quy hoạch cực kỳ lãng mạn với hệ thống công viên cây xanh tuyệt vời. Từ sông Hồng, tuyến đường vành đai 1, từ Trần Khát Chân đi Xã Đàn, La Thành như một sợi dây sâu chuỗi các công viên nội đô, như một chuỗi ngọc thiên nhiên quý báu", TS - KTS Vũ Hoài Đức nói.

BÀI 1: TẤM DANH THIẾP BỊ MỜ VÀ CHUỖI NGỌC ĐỨT DÂY - Ảnh 2.

Công viên Thống Nhất với hàng dừa tượng trưng cho ước muốn Bắc - Nam sum họp

TL

Theo bản quy hoạch đó, tại Trần Khát Chân (Q.Hai Bà Trưng) có công viên Võ Thị Sáu rất rộng, sau đó là công viên Đống Đa (Q.Đống Đa) mà chuyên gia Liên Xô vẽ còn lên tận đường đê La Thành (Q.Đống Đa). Điểm công viên tiếp theo là hồ Ngọc Khánh (Q.Ba Đình) cũng có công viên mặt nước tới tận đê La Thành. Điểm công viên nối tiếp là công viên Thủ Lệ (Q.Ba Đình). Cũng nối với đường chéo đó, "chuỗi ngọc" công viên cây xanh còn kết nối với công viên Nghĩa Tân (Q.Cầu Giấy). "Nhưng đến 1986, mọi thứ thay đổi nên ý tưởng đó đã không thực hiện được", TS - KTS Vũ Hoài Đức nhớ lại.

TS - KTS Vũ Hoài Đức cũng không giấu nổi nỗi buồn khi nhiều công viên trong "chuỗi ngọc" đó đã bị lấn chiếm đến mức chưa biết đến bao giờ mới có thể có đúng vóc dáng xưa kia. Một trong những công viên như thế là chính là công viên Tuổi trẻ ở Trần Khát Chân. Theo quy hoạch xưa, công viên này sẽ có mặt tiền ở trên phố Trần Khát Chân, phố Võ Thị Sáu, phố Thanh Nhàn và cả đường Kim Ngưu. Tuy nhiên, HTX Ba Nhất và Tổng công ty Chè sau đó đã được phân phần mặt tiền trên phố Trần Khát Chân, rồi lại nhiều biến động tiếp theo. Phía đường Kim Ngưu diện tích làm chợ tạm cho chợ Mơ khi xây dựng cũng chính là phần được quy hoạch cho công viên Tuổi trẻ này… Hay công viên Đống Đa cũng bị thu hẹp lại và phần đất quy hoạch đó ở Hoàng Cầu sau này được phân lô…

Một quy hoạch nữa được TS - KTS Vũ Hoài Đức nhắc tới là Quy hoạch 108, một quy hoạch cũng rất xanh và rất hay. "Nhưng Quy hoạch đó sau lại mắc về giải phóng mặt bằng. Công viên Thủ Lệ ở phần diện tích Đào Tấn trước đó vẽ đất cây xanh công viên nhưng làm sao có thể di dân được. Đất trồng cây xanh công viên luôn là phần đất dễ bị tổn thương nhất, dễ bị chuyển đổi mục đích sử dụng", TS - KTS Vũ Hoài Đức nói.

BÀI 1: TẤM DANH THIẾP BỊ MỜ VÀ CHUỖI NGỌC ĐỨT DÂY - Ảnh 3.

Theo TS - KTS Vũ Hoài Đức, Hà Nội vốn có đặc thù là thành phố sông hồ, mặt nước hồ cũng thường gắn với công viên cây xanh. Có thể thấy điều này trong lịch sử phát triển những hồ nước đều gắn với công viên cây xanh. Ít nhất, từ thời Pháp chúng ta đã có hồ Hoàn Kiếm và hồ Hale (nay là hồ Thiền Quang). Người Pháp xây dựng cấu trúc đô thị với các ô phố cũng đã "cài" vào những diện tích xanh nhỏ hơn. Họ có quan điểm Hà Nội như thành phố vườn nên các biệt thự Pháp cũng có nhiều cây. Bên cạnh đó, người Pháp quy hoạch hai vùng cây lớn. Vườn Bách Thảo với hàng trăm cây, kế thừa truyền thống của vườn thượng uyển. Một khu "công viên" nữa chính là khu ven hồ Tây, chỗ gần xưởng Phim truyện Việt Nam bây giờ. Ở đó, hiện vẫn còn một chòi là nhà để thủy phi cơ ngày xưa. Nó cho thấy khu đó được định hướng như một công viên gắn với hồ để vui chơi giải trí.

BÀI 1: TẤM DANH THIẾP BỊ MỜ VÀ CHUỖI NGỌC ĐỨT DÂY - Ảnh 4.

Ảnh trên: Công viên Tuổi trẻ bị hàng quán vây quanh cổng, diện tích dễ thu hút tầm nhìn nhất cho trung tâm tiệc cưới. Ảnh dưới, bên trái: Tập yoga ở công viên Yên Sở. Ảnh dưới, bên phải: Công viên Thủ lệ đông nghịt vào cuối tuần.

TRINH NGUYỄN - NAM NGUYỄN

Sau này, Hà Nội có đầu tư lớn nhất là công viên Thống Nhất như một biểu tượng chính trị. Công viên gắn với câu chuyện hướng về miền Nam, sát với đường Nam Bộ. Lúc đó, quanh hồ trồng dừa - một loại cây rất miền Nam - thể hiện niềm khát khao thế hệ ấy. Được làm bằng công sức người dân thủ đô với những ngày công xây dựng đất nước, công viên này được sự ủng hộ của nhiều nước qua các công trình như Nhà Gương, đu quay… Thủ Lệ, công viên Đống Đa cũng ra đời sau đó.

Nhưng rồi có những thời gian khó khăn, chúng ta ít phát triển công viên cây xanh, hay nói cách khác công viên cây xanh không phát triển được. Việc phát triển công viên cây xanh trở lại trong những năm gần đây cũng chỉ là diện tích trồng cây xanh đơn thuần ở vành đai 3 thôi, đó là trường hợp của công viên Hòa Bình, công viên Nhân Chính, công viên Yên Sở…

Theo TS - KTS Vũ Hoài Đức: "Nói chung, việc phát triển công viên là không đem lại nhiều lợi ích kinh tế. Vì thế, có thể thấy rõ việc công viên bị xẻ thịt. Nó cứ bị xẻ ra làm các công trình đem lại lợi nhuận. Chủ trương xã hội hóa để phát triển công viên đang đi theo hướng xẻ thịt đó. Các công viên được lồng ghép tiện ích dịch vụ để đem lại nguồn thu cho ngân sách".

BÀI 1: TẤM DANH THIẾP BỊ MỜ VÀ CHUỖI NGỌC ĐỨT DÂY - Ảnh 5.

Công viên Thiên văn học xây xong bỏ đó trong khi người dân cần công viên

TÙNG DƯƠNG

Hậu quả của những việc này có thể thấy rất rõ. Tại công viên Tuổi trẻ, hàng quán giăng đầy trên mặt tiền phố Võ Thị Sáu, các tòa nhà lớn tổ chức dịch vụ tiệc cưới cũng ăn sâu vào diện tích có vị trí đẹp nhất trong công viên. "Nhìn vào hàng quán choán cả biển tên công viên Tuổi trẻ, chạy dọc mặt đường, rồi còn xe ô tô đỗ cả vỉa hè lòng đường thì ai muốn vào công viên. Chưa kể, không ai muốn đi tắt qua công viên từ mặt đường Võ Thị Sáu sang Thanh Nhàn vì công viên bị xẻ nhiều quá. Trong khi công viên sinh ra là để đi tắt từ khu này sang khu kia. Nhìn Công viên Tao Đàn ở TP.HCM, người dân vẫn thích đi xuyên qua đó vì họ thích không gian xanh", KTS Nguyễn Hoàng Phương, người được nhiều giải thưởng kiến trúc quốc tế, nói.

Cũng vì bài toán kinh tế, nhiều hồ đáng lẽ gắn với công viên, cũng để điều tiết nước đã bị "chuyển đổi" thành tòa ngang dãy dọc. TS - KTS Vũ Hoài Đức nhắc tới trường hợp công viên tại khu vực Trung tâm Hội nghị quốc gia. "Một vấn đề là nhiều khu vực được quy hoạch công viên gắn với hồ nước thì hồ đã không có chức năng điều tiết. Ví dụ, khu vực Trung tâm Hội nghị quốc gia trước có hồ thoát nước cho phía Tây Nam đã bị bỏ đi để xây trung tâm này", TS - KTS Vũ Hoài Đức cho biết.

BÀI 1: TẤM DANH THIẾP BỊ MỜ VÀ CHUỖI NGỌC ĐỨT DÂY - Ảnh 6.

Khi các quy hoạch công viên mặt nước cây xanh của Hà Nội lần lượt thay thế nhau, công viên đã phải… lùi lại nhường chỗ cho những công trình khác. Nhưng, điều đó có thể sẽ không sao nếu công viên vẫn đủ cho mọi người. Chỉ có điều, công viên hiện tại đang thiếu. TS - KTS Vũ Hoài Đức cho biết: "Tỷ lệ 1,7- 1,8 m2 đất cây xanh/người ở Hà Nội thuộc loại nhỏ bé so với các đô thị trên thế giới. Chủ yếu chỉ tập trung ở các quận nội thành trước đây. Mà đây là đất cây xanh, đất này còn tính cả cây xanh không trong công viên. Rõ ràng chỉ số này cho thấy chúng ta thiếu công viên trầm trọng".

Nghiên cứu của Khoa Quy hoạch đô thị và nông thôn (Trường đại học Kiến trúc Hà Nội), cũng cho thấy công viên ở Hà Nội rất thiếu. Điều này thể hiện qua tỷ lệ con người, mật độ con người và mật độ không gian. Chỉ tính riêng chỉ tiêu cây xanh, chưa nói đến công viên, Hà Nội đã rất thiếu. Thậm chí, chiều quận nội thành chỉ đạt 0,5 m2 cây xanh/người. Điều đó, theo nghiên cứu này, hoàn toàn không đảm bảo quy chuẩn. Trong khi đó, quy hoạch hướng tới chỉ tiêu 5 - 7m2/người.

BÀI 1: TẤM DANH THIẾP BỊ MỜ VÀ CHUỖI NGỌC ĐỨT DÂY - Ảnh 7.

Đi dạo trong công viên giúp giữ sức khỏe và thư giãn

NAM NGUYỄN

Chính vì thế, ở các công viên đã đưa vào hoạt động, nhất là các công viên hoạt động nhiều năm, thường xuyên có tình trạng người nêm như cối. Những người thường xuyên đi tập thể dục ở công viên Thống Nhất có thể thấy có những thời điểm, đúng là phải đi thế nào để tránh "va vào nhau" vì lượng người trong công viên quá đông. Tại công viên Thủ Lệ vào những ngày cuối tuần, đường đi đông nghịt. Ở nhiều khu vực, như chuồng voi, rất khó có thể chụp một kiểu ảnh mà không bị "dính" người…

Cũng theo nghiên cứu của Khoa Quy hoạch đô thị và nông thôn, một quy hoạch công viên tốt đều được cân đối, phân bổ theo hệ thống. Theo đó, các công viên chuyên sâu (công viên về thực vật, công viên về động vật…), công viên trung tâm, công viên giải trí… sẽ được phân bổ cho phù hợp mật độ. Nhưng phân bổ mạng lưới công viên của Hà Nội hiện chưa ổn về điều này.

BÀI 1: TẤM DANH THIẾP BỊ MỜ VÀ CHUỖI NGỌC ĐỨT DÂY - Ảnh 8.

Đã đến lúc cần xóa tư duy không cho chơi trên bãi cỏ

TRỌNG CHÍNH

Một tiến sĩ về quy hoạch đô thị cho biết, có thể "rà soát" để thấy sự thiếu thốn công việc về chức năng, chủ đề theo "các ý mà công viên cần có". Tiến sĩ này cho biết, công viên cần có đủ 4 ý. Thứ nhất là phải chia theo độ tuổi: có công viên cho người già, cho trẻ em, cho người trẻ… Thứ hai, công viên phải tính đến giới tính, không thiên lệch cho giới tính nào. Thứ ba, phải dành cho đối tượng yếu thế, nhân văn trong xã hội như người khuyết tật, trẻ tự kỷ... Thứ tư, phải có các tiện tích cho những người chưa được quan tâm, chẳng hạn vòi nước miễn phí cho những người không có khả năng chi trẻ cho những điều kiện cơ bản nhất. "Nhìn vào có thể thấy công viên với các chức năng của nó chưa hề chú trọng giới tính, ví dụ bé trai chơi trò gì, bé gái chơi trò gì, cụ ông cụ bà cần trò chơi khác nhau ra sao…", vị tiến sĩ cho biết.

Về "tấm danh thiếp" công viên còn mờ vì thiếu cả số lượng và chất lượng, TS - KTS Vũ Hoài Đức nói giọng buồn buồn: "Khi chúng ta còn nghèo thì chúng ta có thể làm ra những quy hoạch lãng mạn đầy ắp công viên, nhưng khi kinh tế đi lên thì lâu lắm rồi không có thêm công viên gì cho người dân cả…".

BÀI 1: TẤM DANH THIẾP BỊ MỜ VÀ CHUỖI NGỌC ĐỨT DÂY - Ảnh 8.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.