Tạm dừng xuất cảnh người nợ thuế đã thỏa đáng?: Cấm tràn lan sẽ gây hệ lụy nghiêm trọng

16/10/2024 05:58 GMT+7

Các chuyên gia cho rằng cần nhanh chóng bổ sung quy định phân loại đối tượng cần hạn chế xuất cảnh để cưỡng chế thuế. Nếu áp dụng đại trà, không thỏa đáng sẽ ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động của doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung.

Càng siết chặt, doanh nghiệp càng khó trả nợ

Trong khi Tổng cục Thuế đang chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ tăng cường nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành nhằm đảm bảo vừa nâng cao hiệu quả thu hồi tiền nợ thuế, vừa tạo điều kiện cho doanh nghiệp (DN) và người nộp thuế phát triển sản xuất kinh doanh ổn định cũng như các hoạt động đi lại giao thương được thuận lợi thì trên thực tế, lệnh hoãn xuất cảnh với lãnh đạo DN tại các địa phương tiếp tục gia tăng.

 Tạm dừng xuất cảnh người nợ thuế đã thỏa đáng?: Cấm tràn lan sẽ gây hệ lụy nghiêm trọng- Ảnh 1.

Nhiều doanh nhân khốn khổ vì bị cấm xuất cảnh do doanh nghiệp chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế

Ảnh: NGỌC DƯƠNG

Đơn cử Cục Thuế TP.Cần Thơ vừa gửi văn bản đến Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an) thông báo về việc tạm hoãn xuất cảnh đối với 4 người đại diện theo pháp luật của DN trên địa bàn thành phố.

Theo Cục Thuế Cần Thơ, có một số trường hợp cơ quan thuế đã gửi các thông báo, quyết định về nợ thuế, cưỡng chế nợ thuế, tạm hoãn xuất cảnh… để đôn đốc người nộp thuế nộp tiền thuế nợ vào ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, người nộp thuế phản ánh không biết về nghĩa vụ trả nợ thuế của mình và thông tin bị tạm hoãn xuất cảnh cho đến khi ra sân bay.

Trong số hơn 24.000 doanh nhân bị cấm xuất cảnh, chỉ có duy nhất trường hợp của hãng hàng không Bamboo Airways được Thủ tướng chỉ đạo trực tiếp bằng văn bản yêu cầu tái cơ cấu để tiếp tục hoạt động và phát triển sau những biến cố rất lớn của người sáng lập.

Cũng vì hoàn cảnh đặc thù như vậy, nên sau khi CEO Bamboo Airways là ông Lương Hoài Nam bị tạm hoãn xuất cảnh, DN này đã liên tục trao đổi với Cục Thuế tỉnh Bình Định để tìm giải pháp phù hợp nhất. Bamboo Airways đề nghị các cơ quan xem xét, ủng hộ nỗ lực tái cơ cấu, khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty bằng cách tháo gỡ các biện pháp hạn chế cưỡng chế thuế, đặc biệt là việc tạm hoãn xuất nhập cảnh đối với ông Lương Hoài Nam. Việc này sẽ giúp công ty hoạt động bình thường trở lại, đảm bảo nguồn doanh thu liên tục, ổn định nguồn tài chính, nhanh chóng hoàn thành việc thanh toán các khoản nợ thuế và tiếp tục đóng góp vào ngân sách địa phương.

Đồng thời, Bamboo Airways cũng đề nghị được nộp dần tiền thuế nợ theo từng tháng với số tiền cam kết là 10 tỉ đồng/tháng. Số tiền nộp dần theo tháng có thể sẽ được điều chỉnh trên mức đề xuất khi doanh thu của Bamboo Airways dần ổn định. Theo nguồn tin của Thanh Niên, Sacombank đã có thư bảo lãnh cho Bamboo theo quy định của pháp luật về số tiền thuế nợ đề nghị nộp dần và cam kết tiến độ thực hiện nộp dần tiền thuế nợ, tiền chậm nộp vào ngân sách nhà nước.

Chuyên gia nói gì về cấm xuất cảnh khi nợ thuế

Phúc đáp các kiến nghị nêu trên của Bamboo Airways, Cục Thuế tỉnh Bình Định cho biết Bamboo Airways cần phải lập đầy đủ hồ sơ theo quy định và gửi đến cơ quan thuế quản lý trực tiếp để được xem xét xử lý nộp dần tiền thuế nợ. Trường hợp không hoàn thiện được hồ sơ nộp dần tiền thuế nợ thì cơ quan thuế sẽ áp dụng các biện pháp cưỡng chế.

Đối với việc tạm hoãn xuất cảnh CEO Lương Hoài Nam, Cục Thuế tỉnh Bình Định nêu: "Đã nhiều lần đôn đốc, thông báo tiền thuế nợ, mời làm việc... bằng nhiều hình thức khác nhau, nhưng công ty vẫn chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế nên không có cơ sở để thông báo hủy bỏ tạm hoãn xuất cảnh đối với người đại diện theo pháp luật của công ty".

Ông Nguyễn Ngọc Tú, giảng viên Trường đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, cho rằng trong trường hợp này, phía DN đã bày tỏ rõ thiện chí trả nợ thuế cho ngân sách và đưa ra lộ trình cụ thể đảm bảo nghĩa vụ. Đây là tín hiệu tích cực thể hiện rõ họ không phải đối tượng có ý định trốn thuế để phải sử dụng tới biện pháp cưỡng chế mạnh tay là cấm xuất cảnh.

"Mất tiền còn kiếm lại được, chứ mất uy tín là có thể mất hết. Những DN đã niêm yết trên sàn chứng khoán, hôm nay có tin lãnh đạo bị cấm xuất cảnh là ngay hôm sau cổ phiếu bị bán tháo liền. Hàng triệu nhà đầu tư cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi những quyết định hành chính như vậy. Cuối cùng, DN bết bát thì làm sao có tiền mà trả nợ thuế? Như trường hợp Bamboo Airways, giờ cứ ai ngồi vào ghế Tổng giám đốc là bị cấm xuất cảnh, vậy ai dám vào điều hành để vực dậy công ty nữa? Tôi cho rằng cần phải lập tức sửa đổi, bổ sung các quy định sao cho phù hợp với thực tiễn, theo hướng hỗ trợ, giải tỏa khó khăn cho DN tiếp tục hoạt động, hồi phục và phát triển", ông Nguyễn Ngọc Tú đề xuất.

"Đòi nợ" cũng cần có lộ trình

Theo ông Nguyễn Ngọc Tú, điều 124, luật Quản lý thuế quy định: "Cá nhân là người đại diện theo pháp luật của người nộp thuế phải hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế của DN đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế trước khi xuất cảnh và có thể bị tạm hoãn xuất cảnh theo quy định của pháp luật về xuất cảnh, nhập cảnh". Từ "có thể" ở đây để chỉ phạm vi rất hẹp, chỉ mang tính răn đe với số ít trường hợp đặc biệt. Rất tiếc là Nghị định 126 không hướng dẫn cụ thể trường hợp nào, văn bản pháp luật không đồng bộ gây khó khăn cho công tác thực thi. Do đó, cơ quan có thẩm quyền cần nhanh chóng bổ sung quy định phân loại từng trường hợp, ngưỡng nợ thuế bao nhiêu, trường hợp nào thì áp dụng lệnh cấm xuất cảnh. Đồng thời, quy định này liên quan trực tiếp quyền công dân nên lệnh cấm xuất cảnh cá nhân cần phải được thông qua Viện Kiểm soát phê chuẩn, không thể do cơ quan thuế đơn phương quyết định. Chính sách nhà nước phải có lộ trình, tránh làm đột ngột, giật cục, gây sốc cho nền kinh tế.

Trong thực tế, ngành thuế có nhiều biện pháp để thu hồi nợ thuế quá hạn. Luật sư Nguyễn Quốc Toản, Giám đốc Hãng luật IAM, dẫn luật Quản lý thuế quy định với khoản tiền thuế nợ trên 90 ngày hay có tiền thuế nợ thuộc trường hợp phải cưỡng chế thì cơ quan thuế có thể áp dụng 7 biện pháp để thu hồi nợ thuế quá hạn.

"Như vậy, có rất nhiều quy định để áp dụng trước khi áp lệnh tạm hoãn xuất cảnh. Việc áp dụng cưỡng chế cần tập trung vào DN hơn là doanh nhân. Tạm hoãn xuất cảnh của người đứng đầu coi như DN có nhiều vấn đề, thậm chí phá sản đến nơi, ảnh hưởng rất lớn. Thế nên, phải hết sức cân nhắc biện pháp phong tỏa, tạm hoãn xuất cảnh… trong bối cảnh DN đang nỗ lực tái cấu trúc để hoạt động…", luật sư Nguyễn Quốc Toản nhấn mạnh.

Ủng hộ biện pháp cứng rắn với những hành vi chây ỳ nghĩa vụ thuế, song chuyên gia thương mại Nguyễn Lý Trường An lưu ý việc cấm xuất cảnh người đứng đầu DN chỉ là giải pháp tạm thời, cần tạo cơ hội cho DN giải trình, có sự trao đổi thấu tình đạt lý. Trường hợp DN đưa ra được biện pháp trả thuế thì cần coi đó là hành động thiện chí, là cơ sở để dỡ bỏ lệnh hoãn xuất cảnh. Trường hợp xấu nhất phải cấm xuất cảnh thì cũng cần thanh tra hoạt động kinh doanh, khả năng trả nợ của DN, từ đó cân nhắc phương án tái cơ cấu hoặc tuyên bố phá sản để không tổn hại đến nguồn thu ngân sách về thuế. 

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, hoạt động kinh doanh của các DN chưa kịp phục hồi sau đại dịch lại tiếp tục bị bão số 3 càn quét, tàn phá thì việc nợ thuế, chậm trễ hoàn thành nghĩa vụ thuế là điều khó tránh khỏi. Đặc biệt, điều kiện các DN Việt chủ yếu quy mô vừa và nhỏ, vốn mỏng, năng lực cạnh tranh còn hạn chế, nếu áp dụng việc cấm xuất cảnh người đại diện một cách tràn làn sẽ ảnh hưởng rất lớn tới DN, khiến họ mất cơ hội kinh doanh, mất uy tín.

Ông Nguyễn Ngọc Tú

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.