Những ngày này, hoa tam giác mạch đang nở rộ khắp núi đồi Đồng Văn (Hà Giang), góp thêm cho miền di sản nhiều hình ảnh ngoạn mục và đang là điểm đến cuốn hút nơi địa đầu tổ quốc.
Khắp núi rừng Đông - Tây Bắc, có nhiều kỳ hoa dị thảo, trong số ấy, tam giác mạch là loài hoa giản dị bậc nhất, chỉ cần bỏ công gieo hạt, rồi phó mặc cho đất trời dung dưỡng, nhưng vẻ đẹp của nó khi hoa vào mùa đã tạo sức hấp dẫn, trở thành một hiện tượng, một mùa chơi đầy mong đợi của người miền xuôi mỗi khi đông về. Tam giác mạch cũng là loài hoa hiếm hoi khi mùa về, được tôn vinh thành lễ hội. Năm 2022, lễ hội hoa tam giác mạch được khai mạc chính thức vào ngày 26.11, với chủ đề “Sức sống cao nguyên đá”.
Ra đời từ 2015 và trở thành sự kiện thường niên, lễ hội hoa tam giác mạch khai mở, không chỉ là cơ hội để ngắm nhìn một cao nguyên đá Đồng Văn, hay những Quản Bạ, Yên Minh, cho đến Mèo Vạc… ở một vẻ đẹp khác biệt.
Cái chớm đông khiến đất trời se lạnh, thậm chí là rét mướt nếu gặp phải mưa phùn. Trong cái xám xịt của đất trời, tam giác mạch mới bắt đầu phô diễn sắc trắng, hồng, cùng nền xanh của lá, mong manh thôi nhưng khi vẻ đẹp ấy khoác lên cả vạt núi, hay trải dọc đường đèo, tạo nên hình ảnh thực sự khác nếu so với những mùa vàng của lúa, mùa của hoa đào, hoa mơ, hoa mận.
Có thể khẳng định sức hấp dẫn, độ cuốn hút và lợi ích từ kinh tế, văn hóa, du lịch, ẩm thực là những điểm mạnh của tam giác mạch. Theo thống kê, năm 2022 này tỉnh Hà Giang đã dành hơn 400 ha để trồng giống hoa này, và cũng là tỉnh có diện tích trồng hoa tam giác mạch lớn nhất cả nước. Ông Matsuo Tomoyuki, người Nhật Bản, cũng là một chuyên gia về tam giác mạch ở VN, nhận định: “Tam giác mạch ở Hà Giang là giống nguyên bản, thuần khiết, chưa hề qua lai tạo hay biến đổi nên giữ được hương vị đặc biệt so với tất cả các giống tam giác mạch khác từ Trung Quốc, Nhật Bản mà tôi từng được tiếp cận và nghiên cứu”.
Hạt tam giác mạch trước kia chỉ là thứ bỏ đi, dành cho trâu bò ăn; hoặc chỉ khi đói kém, mất mùa ngô khoai, người bản địa mới dùng đến. Hiện nay, ngoài vẻ đẹp hấp dẫn về hình ảnh, phát triển du lịch, hạt tam giác mạch còn tạo nguồn sinh kế dồi dào từ nấu rượu, làm bánh nướng, bánh rán, đặc biệt dùng xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản làm món mì soba trứ danh. Nhờ giống nguyên bản, cùng với khí hậu trong lành, độ cao lớn so với mực nước biển, nguồn nước tinh khiết, sương gió nhiều… nên tam giác mạch ở Hà Giang mang hương thơm, vị ngọt, độ béo ngậy trội hơn hẳn những dòng sản phẩm cùng loại trên thế giới.
Một mùa hoa nữa lại về. Vẻ đẹp và sức hút của tam giác mạch ở góc độ khai thác du lịch là hiển nhiên, nhưng những giá trị về văn hóa, kinh tế, xuất khẩu của loài hoa tự nhiên này sẽ dần trở thành một mũi nhọn đi đầu trong phát triển kinh tế - xã hội cho người miền cao nơi địa đầu tổ quốc.
Cuối tháng 11 hằng năm là mùa hoa tam giác mạch, núi đồi khoác lên một lớp áo phớt hồng mong manh |
Du khách dạo chơi nơi cánh đồng tam giác mạch đang nở rộ trên cung đường Đồng Văn - Mèo Vạc |
Vẻ đẹp hoa tam giác mạch được trẻ em H’mông bản địa tận dụng, tự tạo nên các vòng hoa bán cho du khách |
Du khách chụp ảnh cùng hoa tam giác mạch trước dinh thự họ Vương ở cao nguyên đá Đồng Văn |
Mùa hoa tam giác mạch cũng là mùa chơi của trẻ em người H’mông |
Cuộc sống người miền cao nguyên đá nay đã cải thiện thêm nhiều nhờ mùa hoa tam giác mạch |
Các loại sợi mì soba làm từ hạt tam giác mạch do Matsuo Tomoyuki thực hiện và giới thiệu trong dịp lễ hội tam giác mạch ở Hà Giang |
Bánh bột nướng từ hạt tam giác mạch ăn kèm thịt xiên nướng bày bán dưới chân cột cờ Lũng Cú. Một món ăn hấp dẫn của mùa đông ở Hà Giang |
Bình luận (0)