Cựu thủ môn huyền thoại người Argentina Sergio Goycochea được mệnh danh là “ông vua bắt phạt đền” tại World Cup và còn nổi tiếng với một niềm tin rất kỳ dị: đi tiểu ngay trước các cú đá phạt đền của đối phương.
Thủ thành Sergio Goycochea - Ảnh: www.sportskeeda.com
|
Goycochea cùng Jose Luis Chilavert (Paraguay) là 2 thủ thành của Nam Mỹ được lọt vào danh sách 10 người “gác đền” xuất sắc nhất lịch sử World Cup.
Trong sự nghiệp, ngoại trừ chức vô địch World Cup, thủ môn người Argentina sở hữu tất cả những danh hiệu danh giá nhất: Copa America, Confederations Cup, Copa Libertadores cùng nhiều lần đăng quang các giải VĐQG Argentina, Colombia, Paraguay.
Tài năng của Goycochea là không thể bàn cãi, đặc biệt trong kỹ năng cản phá đá phạt 11 m. Nhưng nếu nói đến thế giới tâm linh trong thể thao, người hùng của tuyển Argentina tại World Cup 1990 cũng chẳng thua kém ai.
Người hùng... bất lịch sự
Argentina hành quân đến World Cup 1990 tại Ý với tâm thế của nhà ĐKVĐ và mọi con mắt đều hướng theo đôi chân của “Cậu bé vàng” Diego Maradona. Tuy nhiên, khi đội quân xứ sở tango càng đi sâu vào giải thì sự chú ý của dư luận lại được san sẻ cho một cầu thủ khác trong đội hình Argentina: thủ thành Sergio Goycochea. Điều đáng nói là tại World Cup năm ấy, Goycochea chỉ được xếp là dự bị dưới thời của nhà cầm quân huyền thoại Carlos Bilardo, người đưa Argentina đăng quang World Cup 1986.
Sau thất bại 0-1 trước Cameroon ở trận khai màn vòng bảng, Argentina bước vào lượt trận thứ hai đối đầu với Liên Xô. Trận đấu mới trôi đi 11 phút, Goycochea có cơ hội “ngàn vàng” được vào sân do thủ thành số 1 Nery Pumpido dính chấn thương nặng.
Khoảnh khắc thay người bất đắc dĩ ấy đã giúp lịch sử bóng đá Argentina có thêm người hùng mới sau màn trình diễn chói sáng của Goycochea. El Vasco (biệt danh của Goycochea) không những vững chãi trong khung thành mà còn sở hữu kỹ năng cản phá đá phạt 11 m xuất chúng giúp Argentina đánh bại Nam Tư (tứ kết) và chủ nhà Ý (bán kết) để vào đến trận chung kết.
Nhưng trước khoảnh khắc thành “ông vua bắt phạt đền”, Goycochea lại khiến sân vận động và khán giả truyền hình dậy sóng với một hành động mê tín hết sức kỳ quặc. Đó là trước mỗi loạt đá phạt 11 m, thủ thành môn này lại... đi tiểu ngay trên sân.
Ở trận tứ kết, sau khi hòa 0-0 trong 120 phút thi đấu (hiệp chính và phụ), Argentina và Nam Tư phải quyết định thắng - thua trên chấm 11 m. Trước thời điểm đá phạt, trái với không khí căng thẳng, khán đài sân Stadio Comunale rộn rã với tiếng cười nghiêng ngả khi chứng kiến một số cầu thủ Argentina khoanh tròn để che cho Goycochea tè luôn trên sân.
Điều đáng nói là sau đó thủ thành này cản phá thành công 2 quả phạt 11 m của Dragoljub Brnovic và Faruk Hadzibegic giúp đại diện của Nam Mỹ chiến thắng với tỷ số 3-2. Argentina vào bán kết đụng độ chủ nhà Ý và trận đấu cũng được quyết định ở loạt đá 11 m sau khi hòa 1-1 trong 120 phút.
Lần này, gần 60.000 CĐV trên sân Stadio San Paolo lại trố mắt nhìn Goycochea tỉnh bơ kéo quần tè luôn xuống mặt cỏ khung thành. Kinh ngạc hơn, sau khi thực hiện hành động bất lịch sự, Goycochea lại phá được 2 pha đá phạt của Robert Donadoni và Aldo Serena (Ý) để khép lại loạt đá cân não với phần thắng 4-3 nghiêng về Argentina. Như một sự ngẫu nhiên, trong trận chung kết gặp Đức, Goycochea lại có cơ hội được... tè trên sân. Ở phút 85, Đức được hưởng một quả phạt 11 m do Roberto Sensini phạm lỗi với Rudi Voller trong vòng cấm địa. Hậu vệ Andreas Brehme bước lên chấm đá phạt, còn Goycochea lúi húi “tưới nước tiểu” ở khung thành. Tuy nhiên, lần này thủ thành tuyển Argentina bất lực dẫn đến đội nhà nhìn Đức lên ngôi với chiến thắng 1-0.
Sự mê tín ngẫu nhiên
Sau World Cup 1990, Goycochea mới thú nhận rằng ông thường xuyên đi tè trước mỗi cú đá hay loạt đá 11 m vì mang lại sự may mắn và niềm tin kỳ dị ấy đến rất ngẫu nhiên.
Số là trước loạt đá 11 m trận gặp Nam Tư, Goycochea muốn đi “trút nước trong người” do không thể chịu đựng nổi nhưng lại không tiện để chạy vào phòng thay đồ hoặc nhà vệ sinh. Ông bèn nhờ đồng đội đứng vòng tròn che để “giải quyết nỗi buồn”.
Trùng hợp thay sau đó Goycochea đoán đúng hướng cản phá thành công 2 pha đá phạt 11 m. Kể từ đó, Goycochea biến chuyện phóng uế trên sân thành một niềm tin tâm linh ở các trận đấu tiếp theo. “Đó là bùa may mắn của tôi (ý nói đến việc phóng uế). Tôi rất tinh tế và chẳng ai phàn nàn cả”, Goycochea giải thích vì sao ông lặp đi lặp lại hành động bất lịch sự ở một đấu trường lớn như World Cup.
Bình luận (0)