Trong giới bóng đá, không chỉ các đội bóng đá nam mà cả đội nữ cũng giữ cho mình những nguyên tắc về phong thủy, tâm linh nhằm tránh xui rủi một cách tối đa và cầu cho chiến thắng đến với đội của mình.
Các cầu thủ bóng đá nam kiêng ăn thịt chó, mắm tôm vì sợ thua - Ảnh: Nhật Duy
|
Kiêng cả tắm
Hôm nọ chúng tôi đặt chung một câu hỏi cho HLV đội tuyển VN Nguyễn Hữu Thắng, HLV đội U.19 Hoàng Anh Tuấn và trung vệ Quế Ngọc Hải là “cầu thủ thường kiêng gì trước khi thi đấu”. Đáp án rất giống nhau: “À, thường kiêng cắt tóc, cạo râu và có người còn kiêng cả... tắm!”.
Ngọc Hải nói: “Bản thân tôi cũng không quá nặng nề về chuyện kiêng kỵ vì nếu làm quá, sẽ giống với mê tín. Nhưng chẳng phải vô tình mà các cụ đã có câu “có thờ có thiêng, có kiêng có lành”. Khoảng 1 tuần hay 10 ngày trước giải đấu lớn nào đó, anh em chúng tôi thường không cắt tóc, cạo râu. Nom dung nhan cũng không đến mức tệ lắm đâu. Có lẽ điều này tạo nên tâm lý tốt hơn lúc thi đấu”.
Một cầu thủ thuộc một CLB đang thua liểng xiểng tại V-League lại bật mí: “Ăn thịt chó hay mực trước trận cực kỳ đen nên chúng tôi cũng tránh những món này. Vì thịt chó phải ăn với mắm tôm mà mắm tôm vẫn bị mang tiếng là không đem lại may mắn nếu ăn vào đầu tháng. Trước hôm khởi tranh V-League 2016, tôi không ăn thịt chó nhưng lại khá… dại dột là ăn miếng lòng lợn chấm mắm tôm. Chả hiểu có phải vì lý do ấy không mà đội thua vỡ mặt”. Nhiều đội còn kiêng cả ăn trứng vì “trứng là hình tượng của số 0. Ăn trứng đồng nghĩa với 0 điểm, với lấy rổ đựng bàn thua”.
Cúng heo, gà ở sân
Nhân nói về giải vô địch bóng đá quốc gia, gần như 100% các đội kể cả nam hay nữ đều tiến hành lễ cúng sân. Tùy theo túi tiền mà mâm lễ của các đội cũng có sự chênh lệch về độ hoành tráng. Tôi nhớ một lần về Hải Phòng làm tin bài về một vòng đấu tại V-League. Một ngày trước trận, ra sân Lạch Tray phỏng vấn cầu thủ thì thấy lãnh đạo đội bê từ trên ô tô xuống một con heo quay cỡ vài chục cân. Tưởng có liên hoan nhưng hóa ra không phải. HLV trưởng, lãnh đội và cầu thủ đội trưởng đặt heo lên mâm, rồi rút ra từ trong túi đồ mang theo nhiều vật phẩm phục vụ chuyện cúng bái như vàng mã, hương, hoa. Sau khi bày biện hoàn tất, mọi người đưa vào khu vực đường piste, đặt mâm heo lên bàn rồi thành kính khấn vái.
PV Thanh Niên cũng đã hỏi nhiều đội khác và được cung cấp thêm thông tin từ một đội bóng phía bắc: “Chúng tôi thường mời cả thầy cúng về xem ngày giờ đặt lễ. Không nhất thiết phải trước trận một ngày mà có thể vài ngày, miễn sao ngày đẹp, giờ tốt. Kể cả thầy phán vào đêm cũng phải đến lễ. Và không phải muốn đặt mâm ở đâu cũng được. Thầy xem sổ, xem la bàn rồi tính toán hướng và khu vực đặt mâm. Có đội đặt sau khung thành, có đội đặt ở đường piste nhưng có đội phải đặt ở giữa sân mới linh. Nếu chơi trên sân nhà thì việc vào sân lúc nào cũng khá dễ dàng. Nhưng khi thi đấu sân khách, sân là của người ta, có phải muốn vào cúng lễ tùy ý được đâu. Nhiều trận, chúng tôi phải... hối lộ bảo vệ sân để được vào cúng, chỉ khoảng 15 phút là phải ra ngay”.
Một nữ giám sát kể rằng, các đội tham dự giải vô địch bóng đá nữ quốc gia cũng tiến hành lễ sân. Khác với giải vô địch bóng đá nam thi đấu sân nhà - sân khách, giải nữ diễn ra tại sân nhất định (lượt đi, lượt về tổng cộng hai sân). Vì thế các đội thường phải xếp hàng lần lượt, chờ đến lượt mình. “Buổi tối trước khi giải khởi tranh, đội Than khoáng sản VN, Hà Nam, Thái Nguyên... ra vào sân tấp nập. Đội nọ vừa lễ xong thì đến đội kia xếp lễ, không tranh giành nhau. Đông vui như trẩy hội. Các đội thành tâm thắp hương ở giữa sân rồi đi một vòng quanh sân, khi đi qua cầu môn dừng lại thì thầm khấn vái khá lâu. Có đội còn kiêng việc người lên xe đầu tiên là nữ mà bắt buộc phải đàn ông. Có đội nếu thua thì sai trợ lý, bí mật “lẻn” vào sân... đốt vía đối phương. Có đội nếu hiệp 1 chưa thắng thì giờ nghỉ, cắt cử người đi qua khu kỹ thuật của đối phương ba vòng”, giám sát nữ tường thuật.
Bình luận (0)