Biết bé trai mắc căn bệnh thế kỷ nhưng vợ chồng ông Nguyễn Ngọc Chuộng (69 tuổi) và bà Nguyễn Thị Hoài (60 tuổi, ngụ ấp Phú Hiệp, xã An Bình, H.Thoại Sơn, An Giang) vẫn nhận cưu mang, chăm sóc như con đẻ.
Hằng tháng ông Chuộng chạy xe máy đưa Lạc đi lấy thuốc uống - Ảnh: Thanh Dũng |
Câu chuyện trên đang gây xúc động lòng người ở vùng quê lúa Thoại Sơn.
Giữ lời hứa với người xưa
Trải qua những tháng ngày buồn vui, đứa bé 3 tuổi ngày nào nay đã 14 tuổi, sống hạnh phúc trong căn nhà đơn sơ cùng với ba mẹ nuôi.
Ông Chuộng nhớ lại: Khoảng năm 2002, bà Huỳnh Thị Mai (lúc đó 46 tuổi, quê Sóc Trăng) lưu lạc đến xã An Bình làm thuê kiếm sống. Đến năm 2005, bà Mai bị phát bệnh nặng và lúc này bà mới nói thật đã bị bệnh AIDS do lây từ người chồng đã qua đời trước đó. Khi vợ chồng ông Chuộng tới thăm, như có cái duyên, con trai bà Mai tên Thái Ngọc cứ sà vào lòng bà Hoài đùa giỡn như gặp mẹ.Bà Hoài rất thích, rồi nựng nịu ẵm bồng Ngọc.
Vợ chồng ông Chuộng bèn nói với bà Mai, họ cũng có mấy đứa con nhưng thấy Ngọc tội nghiệp và đáng yêu nên đề nghị cho nhận cháu làm con nuôi. Bà Mai nghe xong mừng ứa nước mắt vì biết vợ chồng ông Chuộng tuy không giàu sang nhưng ăn ở hiền hậu, nên khóc cảm tạ và ký thác lại đứa con.
Vài ngày sau khi bà Mai mất, cháu Ngọc hay bị sốt và tiêu chảy liên tục. Vợ chồng ông Chuộng nghi cháu bị nhiễm HIV lây truyền từ mẹ nên đưa Ngọc đến gặp bác sĩ trình bày sự việc và nhấn mạnh dù cháu có bị nhiễm bệnh họ vẫn nhận làm con vì lời hứa với người quá cố. Kết quả, đúng như suy nghĩ của vợ chồng ông Chuộng, đứa con nuôi đã nhiễm HIV.
Ông Chuộng điềm tĩnh hỏi bác sĩ cách chăm sóc người bị nhiễm HIV, rồi cách phòng tránh lây nhiễm cho người khác…
Ông Chuộng nhớ lại: “Chăm sóc cháu cực gấp 3 lần trẻ bình thường vì cháu cứ đau ốm và sốt liên miên. Vợ chồng tôi cũng không để con chơi với trẻ trong xóm vì lỡ bị té chảy máu lây bệnh cho người khác thì khổ. Nhưng chúng tôi rất mừng vì tuy biết cháu bị bệnh thế kỷ nhưng người trong xóm không kỳ thị xa lánh, chính quyền địa phương nhiệt tình hướng dẫn làm thủ tục cho cháu đi học, lãnh trợ cấp, thuốc men”.
Nhờ tình yêu thương đùm bọc, Ngọc lớn khôn dần. Vợ chồng ông Chuộng đã cúng trước mộ bà Mai tạ lỗi và cải tên cho Ngọc thành Nguyễn Phương Tịnh Lạc với mong muốn sau này con sẽ có cuộc sống an lành.
Ước mơ làm thầy giáo
Ngồi trò chuyện với ông Chuộng thì Tịnh Lạc đi học về. Thấy khách lạ, em khoanh tay chào lễ phép. Do Lạc mang căn bệnh thế kỷ trong người nên mỗi tháng, ông Chuộng vẫn phải chở con ra Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh (cách nhà hơn 30 km) lấy thuốc uống định kỳ. Tuy bệnh, nhưng nhờ được chăm sóc tốt nên nhìn Lạc vẫn như những đứa trẻ bình thường khác.
Lạc rất lạc quan, miệng hay cười, em khoe những năm đi học luôn được nhà trường tặng giấy khen. Hiện Lạc đang học lớp 8, do nhà cách trường khoảng 10 km nên hằng ngày em tự đạp xe đi học…
Lạc không e ngại hay giấu giếm khi được hỏi về bệnh tình, bởi nơi đây ai cũng mở rộng vòng tay với em, chính tình thương ấy đã truyền cho em nhân cách lẫn nghị lực sống. Hỏi Lạc cách phòng HIV và nguyên nhân lây, em nói mạch lạc như bệnh lây từ đường máu, từ mẹ sang con và đường tình dục. Lạc nói em phải biết rành rẽ để ngăn ngừa không lây bệnh cho người xung quanh.
Lạc tâm sự em thích học môn mỹ thuật, làm văn và ước mong sau này làm thầy giáo. Ông Chuộng cho biết vợ chồng ông thương yêu vì Lạc ngoan hiền, hiếu thảo và luôn căn dặn Lạc cố gắng học tới đâu ông bà sẽ lo tới đó. Xuyên suốt câu chuyện, nhìn trong mắt ông Chuộng, chúng tôi thấy sâu thẳm một mơ ước rất đời thường là ngày nào đó, cơn bệnh thế kỷ sẽ không còn tồn tại trong người đứa con nuôi mà ông hết mực yêu thương.
Bình luận (0)