Hiện nay, ở Việt Nam có 3 phương pháp sàng lọc ung thư cổ tử cung phổ biến là sàng lọc bằng tế bào học (xét nghiệm PAP), quan sát cổ tử cung bằng mắt thường với dung dịch axit axetic (VIA) và tiên tiến hơn cả là xét nghiệm tìm sự hiện diện của vi rút HPV trong tế bào cổ tử cung hay còn gọi là xét nghiệm HPV DNA.
Xét nghiệm HPV DNA đang được Bộ Y tế Việt Nam khuyến khích sử dụng như một trong những xét nghiệm cơ bản ban đầu (xét nghiệm đầu tay) trong sàng lọc nguy cơ ung thư cổ tử cung ở phụ nữ từ 25 tuổi trở lên đã có quan hệ tình dục.
Các bác sĩ cho biết, nếu làm sàng lọc ung thư cổ tử cung bằng xét nghiệm PAP đơn thuần và có kết quả âm tính thì theo khuyến cáo của Bộ Y tế VN, 2 năm sau mới phải lặp lại xét nghiệm. Nhưng thực tế, phụ nữ được khuyên làm lại xét nghiệm này hằng năm.
Còn với xét nghiệm HPV DNA, Hiệp hội Thuốc và Thực phẩm của Hoa Kỳ (FDA) và Hiệp hội Sản phụ khoa Hoa Kỳ thì khuyên rằng khi kết quả của xét nghiệm HPV DNA là âm tính thì 3 năm sau mới cần làm lại xét nghiệm. Còn nếu làm xét nghiệm ‘cặp’ bao gồm cả PAP và HPV DNA đều cho kết quả âm tính thì bạn có thể yên tâm, 5 năm sau mới phải làm lại xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung.
Bình luận (0)