Tâm thư của phụ huynh: Hy vọng tân bộ trưởng nghĩ đến hạnh phúc cho người học

Mỹ Quyên
Mỹ Quyên
14/04/2021 09:31 GMT+7

'Phụ huynh không hy vọng giáo dục quốc gia lại có thêm một cuộc cách mạng mới mà chỉ hy vọng tân bộ trưởng nghĩ đến hạnh phúc cho người học'.

Đó là một phần bức thư gửi tân Bộ trưởng Bộ GD-ĐT của ông Hoàng Anh Tú, một phụ huynh ở Hà Nội hiện có 3 con đang học tiểu học và THCS.
Ông Hoàng Anh Tú là một nhà văn, nhà báo, một facebooker nổi tiếng với những câu chuyện tích cực về giáo dục, về hạnh phúc, về dạy con… thu hút lượng đọc và ủng hộ lớn.

Người học hạnh phúc

Ông Tú  viết: " Nói cho cùng, điều mà phụ huynh chúng tôi hy vọng và đặt hàng với tân bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn không phải là một cuộc chiến mới hay một cuộc đại cách mạng thay da đổi thịt cho giáo dục Việt Nam mà chỉ là bốn chữ: Người học hạnh phúc". Theo ông Tú,  đó là nơi mà mỗi đứa trẻ đều thấy hạnh phúc khi đến trường, hạnh phúc khi tiếp nhận kiến thức,  hạnh phúc trên con đường chinh phục mục tiêu, mục đích thành người trong tương lai.
Ông Tú cho rằng giáo dục Việt Nam đã có "Trường học hạnh phúc" phát triển từ trường học thân thiện, tích cực, nên giờ đây ông hy vọng ở tân Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn về "Người học hạnh phúc". “Đó là triệt để hơn mục tiêu lấy người học làm trung tâm bởi không có người học hạnh phúc chúng ta sẽ không có trường học hạnh phúc”, ông Tú nhìn nhận.

Trẻ cần được "đánh gia năng lực từ nhỏ thay vì chờ đến 18 tuổi"

NGUYỄN LOAN

 
Hạnh phúc là đến trường không sợ thầy cô, không sợ sao đỏ...
Ông Tú nhắn gửi tân bộ trưởng: “Người học hạnh phúc không phải là một triết lý giáo dục. Người học hạnh phúc chỉ là tinh thần giáo dục mà chúng ta hướng tới thông qua việc làm sao để mỗi người học đều không sợ học, không sợ đến trường, không sợ thầy cô, không sợ cả những bạn bè mình, những lớp trưởng, sao đỏ… Người học đầu tiên phải cảm thấy an toàn thì mới tiếp nhận được hạnh phúc. Sau đó, người học phải biết mình học để làm gì thì mới nói đến chuyện phải học thế nào. Hạnh phúc là khi người học biết mình đang học để đến được đâu trong mục tiêu đời mình, hạnh phúc khi đạt được mục tiêu ấy và thấy hạnh phúc khi đang trên con đường để đạt mục tiêu ấy...”.

Hạnh phúc là học sinh đến trường "không sợ thầy cô"

NGUYỄN LOAN

Ông Tú cho rằng thời gian qua, ở không ít nơi, cha mẹ, thầy cô gây sức ép lớn cho trẻ, khiến trẻ đến trường với tư tưởng đua tranh nhiều hơn là vui vẻ hạnh phúc.
Cùng quan điểm trên, chị Hoàng Tố Như có con học lớp 4 Trường Tiểu học Hồ Văn Cường, Q.Tân Phú, TP.HCM, nhìn nhận: "Tôi thấy có nhiều bậc cha mẹ cho con đi học thêm từ năm lớp 1 vì sơ con thua bạn kém bè, sợ cô giáo. Rồi bắt con phải viết chữ thật đẹp để tham gia cuộc thi chữ đẹp, ắt con học toán đến mụ mị đầu óc. Từ lớp 2 có phụ huynh đã cho con đi ôn thi để chạy đua vào trường chuyên... Những đứa trẻ đó có hạnh phúc hay không? Tôi nghĩ là chúng sợ hãi nhiều hơn".
Vì thế, chị Như mong muốn tân bộ trưởng sẽ thay đổi dần tâm lý này trong nhà trường và phụ huynh, bằng cách đừng đặt nặng thành tích, đừng quan trọng điểm số mặc dù điểm số cũng là một phần phản ánh chất lượng dạy và học. "Nhưng phải thay đổi để bằng cách nào đó điểm số đánh giá được năng lực thật sự, chứ không phải bằng cách đi học thêm, đi luyện thi, bằng cách nhồi nhét con em mình suốt ngày chỉ học và học không còn thời gian vui chơi, giải trí", chị Như chia sẻ.
Trong khi đó, anh Hoàng Thiện Kiên, ngụ tại Khang Phú, có con học lớp lớp 3 Trường Tiểu học Huỳnh Văn Chính, Q.Tân Phú, kể lại: "Con tôi sợ các anh chị sao đỏ còn hơn sợ ba mẹ. Chỉ cần mẹ cháu nói: dậy mau không đi học trễ bị chị sao đỏ ghi tên" là con bật dậy ngay lập tức. Có lần con dậy trễ, quá sợ bị ghi tên, vừa đánh răng con vừa mếu máo đề xuất mẹ "hay mẹ xin phép cho con nghỉ học vì bị bệnh". Nhìn con vậy thương lắm".
Anh Kiên bày tỏ hy vọng tân bộ trưởng Bộ GD-ĐT có cách thay đổi nào để giáo dục Việt Nam giảm bớt nỗi sợ cho trẻ, giảm bớt "sức nặng" trong chiếc ba lô mà trẻ phải gánh trên vai mỗi ngày đến trường.
Cần môi trường an toàn để tiếp nhận hạnh phúc
Ông Tú viết: “Người học hạnh phúc cần môi trường an toàn để tiếp nhận hạnh phúc.
Một môi trường an toàn là một môi trường không có quá nhiều tầng lớp giám sát. Một học sinh hiện nay ngoài giám sát của thầy cô còn đang phải chịu sự giám sát đầy quyền lực của lớp trưởng, sao đỏ.
Chúng ta đang tạo ra những phân cấp quyền lực ngay trong học trò bằng đủ thứ chức danh và quyền lực. Ở nền giáo dục Đức, không có lớp trưởng mà chỉ có “phát ngôn viên” của lớp.
Vấn đề dân chủ trong học đường vẫn mới dừng lại ở hình thức thay vì thực chất: Nói cho học sinh nghe và nghe học sinh nói. Không xây dựng được dân chủ trong học đường là triệt tiêu hạnh phúc. Vẫn còn bất công trong môi trường học đường thì vẫn còn nuôi dưỡng mầm mống của bạo lực học đường, bắt nạt học đường.
Người học hạnh phúc thế nào khi thầy cô dần mất đi cảm xúc hạnh phúc khi đứng trên bục giảng?
Bao nhiêu thầy cô tâm huyết với việc giảng dạy, truyền đạt kiến thức nhưng dần bị bào mòn bởi cơm áo gạo tiền, bởi các công việc ngoài chuyên môn? Thầy cô có bao nhiêu thời gian để được trò chuyện, lắng nghe học trò nữa khi khối lượng công việc đã chiếm hết thời gian của họ? Khi mà những giờ sinh hoạt lớp ngắn ngủi chỉ đủ trách phạt học sinh làm mất thi đua của lớp?  

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.