Tân Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhận hoa chúc mừng từ người tiền nhiệm - ảnh: TTXVN |
Chiều 25.7, QH đã họp phiên toàn thể tại hội trường để nghe báo cáo tổng hợp ý kiến thảo luận của các đoàn ĐBQH về nhân sự được Ủy ban TVQH khóa XIII đề cử bầu Chủ tịch nước là ông Trương Tấn Sang, thường trực Ban Bí thư Trung ương đương nhiệm.
Theo kết quả kiểm phiếu, ông Trương Tấn Sang đã trúng cử chức Chủ tịch nước nhiệm kỳ QH khóa XIII với 487 phiếu đồng ý/496 phiếu phát ra (chiếm 97,40% tổng số ĐBQH); số phiếu không đồng ý là 9 (chiếm 1,8% tổng số ĐBQH).
Ngay sau khi công bố kết quả kiểm phiếu, tân Chủ tịch nước đã có bài phát biểu nhậm chức. Ông Trương Tấn Sang nói: “Tôi nhận thức sâu sắc rằng đây là vinh dự lớn, đồng thời cũng là trách nhiệm nặng nề mà Đảng, Nhà nước và nhân dân tin cậy giao phó. Tôi xin hứa với Quốc hội, đồng bào, đồng chí nguyện đem hết sức mình phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân, thực hiện nghiêm túc, đầy đủ nhiệm vụ và quyền hạn của Chủ tịch nước được Hiến pháp và pháp luật quy định; không ngừng học tập nâng cao trình độ, thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư theo tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh”.
Chủ tịch nước khẳng định trên cương vị công tác mới, sẽ cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, các tổ chức trong hệ thống chính trị nỗ lực phấn đấu quyết tâm thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội, tập trung vào 5 nhiệm vụ lớn, trong đó có nhiệm vụ xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCNVN trong sạch, vững mạnh, thật sự của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, quản lý có hiệu lực, hiệu quả cao; sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992; nâng cao chất lượng xây dựng và thực thi pháp luật.
Đồng thời, “phát huy dân chủ, thực hiện đầy đủ quyền làm chủ của nhân dân trong mọi lĩnh vực của đất nước; tăng cường giám sát, thanh tra, kiểm tra, giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương trong bộ máy nhà nước và xã hội; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có năng lực và phẩm chất đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới; đẩy mạnh hơn nữa cải cách hành chính, cải cách tư pháp, đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí; bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức và công dân”.
Nhiệm vụ khác không kém phần quan trọng được Chủ tịch nước nhấn mạnh là chăm lo củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Chiều qua, tân Chủ tịch nước đã giới thiệu các nhân sự để QH bầu Phó chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Viện trưởng Viện KSNDTC, Chánh án TANDTC. Theo đó, Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan tiếp tục được đề cử giữ chức Phó chủ tịch nước; Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng được đề cử tiếp tục giữ chức Thủ tướng nhiệm kỳ mới; Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình được đề cử tiếp tục giữ chức Chánh án TANDTC và ông Nguyễn Hòa Bình, Bí thư tỉnh Quảng Ngãi, được đề cử giữ chức Viện trưởng Viện KSNDTC, thay ông Trần Quốc Vượng.
Chiều nay 26.7, QH sẽ bỏ phiếu bầu các chức danh này.
Tiểu sử Chủ tịch nước Trương Tấn Sang Họ và tên khai sinh: TRƯƠNG TẤN SANG Họ và tên thường gọi: Trương Tấn Sang Sinh ngày 21.1.1949 Quê quán: xã Mỹ Hạnh, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An Trình độ chuyên môn: Cử nhân luật Nghề nghiệp, chức vụ: Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng Ngày vào Đảng Cộng sản Việt Nam: 20.12.1969; Ngày chính thức: 20.12.1970 Trình độ học vấn: Cử nhân Lý luận chính trị: Cao cấp Ngoại ngữ: Tiếng Anh Khen thưởng: Huân chương Kháng chiến hạng ba Ủy viên BCH Trung ương Đảng các khóa 7, 8, 9, 10, 11 Đại biểu Quốc hội khóa: 9, 10, 11, 13. TÓM TẮT QUÁ TRÌNH CÔNG TÁC - 1966 - 1968: Tổ trưởng thanh niên, xây dựng cơ sở mật trong sinh viên, học sinh (PK2) - 1969 - 1971: Đảng ủy viên, Bí thư đoàn thanh niên, phụ trách Đội Võ trang mật thị trấn Đức Hòa (Long An) - 1971 - 1973: Bị địch bắt, bị giam giữ ở nhà tù Biên Hòa, Phú Quốc. Đến năm 1973, được trao trả theo Hiệp định Paris - 1973 - 4.1975: Cán bộ tổ chức Ban T.72 thuộc Ủy ban Thống nhất trung ương - 4.1975 - 10.1978: Cán bộ Công đoàn Gia Định, Phó ban Xây dựng kinh tế mới thành phố, Bí thư Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh các nông trường và khu kinh tế mới TP.HCM - 1979 - 8.1983: Huyện ủy viên, Giám đốc Nông trường Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh, TP.HCM, Thành ủy viên dự khuyết - 1983 - 1986: Giám đốc Sở Lâm nghiệp, Thành ủy viên phụ trách lực lượng thanh niên xung phong và Ban Kinh tế mới TP.HCM - 1986 - 1988: Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Bí thư Huyện ủy Bình Chánh, TP.HCM. - 1988 - 1990: Đi học trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc Trung ương (Hà Nội) - 1990 - 1991: Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Giám đốc Sở Nông nghiệp - 1991 - 1992: Ủy viên Trung ương Đảng, Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM - 1992 - 1996: Ủy viên Trung ương Đảng, Phó bí thư Thành ủy, Phó chủ tịch rồi Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM - 1996 - 1.2000: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM - 1.2000 - 2006: Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương - 2006 đến nay: Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư. |
Kiên quyết chống tham nhũng, giữ vững chủ quyền biển đảo Ngay sau khi đắc cử, tân Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có cuộc trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội. Nhân dân hãy kiểm tra, giám sát chúng tôi Chủ tịch nói rất quan tâm tới vấn đề phòng chống tham nhũng. Vậy trong nhiệm kỳ mới Chủ tịch sẽ làm gì để đẩy lùi tệ nạn này? Tham nhũng là vấn đề bức xúc của cử tri cả nước trong kỳ chúng tôi tiếp xúc cử tri bầu cử khóa 13. Lòng dân muốn gì, về cơ bản chúng tôi đều đã hiểu rất rõ. Đảng và Nhà nước cũng có nghị quyết, luật pháp rồi, vấn đề chỉ là hành động. Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 11 cũng đã có một số kết quả nhất định. Theo tôi, chắc chắn Đảng và Nhà nước phải có trách nhiệm rất lớn trong lãnh đạo, điều hành đất nước, đặc biệt là mặt trận phòng chống tham nhũng để đáp ứng nguyện vọng của cử tri, đồng bào cả nước đã gửi gắm hy vọng rất lớn, niềm tin rất lớn tới Quốc hội khóa 13 này. Và tôi chắc rằng từng đại biểu Quốc hội cũng có nhiều hứa hẹn với nhân dân. Trong đó có nhiều đại biểu hứa hẹn phòng chống tham nhũng. Và tôi hy vọng lời hứa của các vị trước nhân dân là không bao giờ quên và nhân dân hãy kiểm tra, giám sát chúng tôi, các vị đại biểu cũng như cá nhân tôi để góp phần thúc đẩy công việc này ít ra cũng tốt hơn khóa vừa rồi. Về công tác phòng chống tham nhũng, Chủ tịch nước có nói là chúng ta sẽ phấn đấu tốt hơn. Vậy xin chủ tịch cho biết cụ thể là luật pháp phải nghiêm minh hơn hay là về người thực thi phải tốt hơn? Nghị quyết Trung ương 3 khóa X là quyết sách lớn của Đảng. Trước đó có Luật Phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm phòng chống lãng phí hết sức đầy đủ, mấy chục điều hết sức rõ ràng. Tôi nghĩ không thiếu gì. Sau đó, Quốc hội cũng cho phép thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng cấp tỉnh và trung ương... So với mục tiêu, yêu cầu của nghị quyết và Quốc hội giao thì chưa đạt mục tiêu là ngăn chặn và từng bước đẩy lùi. Còn để thực hiện điều đó thì không có gì khác hơn là phải nghiêm túc thực hiện nghị quyết của Đảng và luật pháp của Quốc hội; Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng phải tích cực hơn trong việc thực hiện chức năng của mình. Tôi cũng nói với báo chí trong lần ra mắt cử tri: cần rà soát chính sách, chế độ xem có gì sơ hở không để mà chỉnh sửa; thứ hai là tổ chức bộ máy Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng có những khâu nào còn yếu, không phù hợp thì chấn chỉnh. Cũng có ý kiến về việc nhất thể hóa Chủ tịch nước kiêm Tổng bí thư. Vấn đề này chắc là sẽ được đưa ra khi bàn đến việc sửa đổi Hiến pháp 1992. Ý kiến của Chủ tịch nước về vấn đề này như thế nào? Các kỳ Đại hội Đảng đều bàn chuyện có nhất thể hóa hai chức danh Chủ tịch nước và Tổng bí thư hay không, kể cả đại hội vừa rồi các cấp từ xã phường tới trung ương cũng bàn. Nhưng chưa có sự nhất trí cao nên hiện hai chức danh này vẫn là hai người. |
Nguyệt Minh
Bình luận (0)