Mới đây, một trường đại học ở Q.Bình Thạnh tổ chức lễ trao bằng tốt nghiệp cho sinh viên tại tại Nhà hát Hòa Bình, Q.10, TP.HCM. Một tân cử nhân phấn khởi vì phụ huynh ở quê (tỉnh thuộc vùng Bắc Trung bộ - PV) vào TP.HCM tham dự ngày đáng nhớ của mình.
Ngồi dưới những hàng ghế dành cho phụ huynh, bố mẹ của nam sinh không khỏi tự hào vì con trai tốt nghiệp loại giỏi với điểm GPA 3.55. Thế nhưng, không lâu sau đó, những nụ cười hãnh diện chợt tắt. Thay vào đấy là những tiếng thở dài bày tỏ sự thất vọng.
Lý do là bởi bố mẹ của nam sinh đã chứng kiến nhiều người bạn cùng trường con mình được vinh danh trên sân khấu với các thành tích: thủ khoa của trường, khoa; tốt nghiệp loại xuất sắc (điểm GPA từ 3.6 – 4.0); đạt chứng chỉ ngoại ngữ TOEIC, IELTS với điểm số cao. Còn con họ, chỉ tốt nghiệp loại giỏi.
Kết thúc buổi lễ nhận bằng tốt nghiệp, vừa ra khỏi sân khấu, nam sinh không khỏi bất ngờ khi bị phụ huynh chì chiết, quát tháo với những câu hỏi tại sao.
"Tại sao không nỗ lực, phấn đấu để thêm 0,45 điểm?", "Tại sao không thể đạt 700 điểm TOEIC?", "Tại sao học không bằng người ta?", "Tại sao chỉ là bằng giỏi mà không được xuất sắc?"… Chính những câu hỏi tại sao ấy đã nhanh chóng "đánh cắp" niềm vui của chàng tân cử nhân.
Ít người biết, chàng tân cử nhân này đã học vượt và hoàn thành chương trình để tốt nghiệp đại học chỉ sau 3 năm học. Khi mà những đồng môn vẫn đang ngồi trên giảng đường để nỗ lực trong năm cuối đại học, hay có nhiều người bạn vẫn đang miệt mài để bổ túc chứng chỉ Anh văn, tin học nhằm đủ điều kiện tốt nghiệp. Và ngay trong sân khấu sáng hôm ấy vẫn có nhiều tân cử nhân tốt nghiệp loại khá, trung bình… thì chàng trai ấy đã đi làm được 1 năm và ra trường với tấm bằng loại giỏi.
Nhưng gạt bỏ tất cả những điều đó, hai vị phụ huynh vẫn không tiếc lời mắng nhiếc, chỉ trích. Để rồi, bữa tiệc liên hoan tốt nghiệp đã được lên sẵn kế hoạch ngay trưa hôm ấy phải hủy bỏ. Hai vị phụ huynh ra về cùng với bó hoa dự định trao cho con trai.
Hình ảnh chàng tân cử nhân liên tục cúi đầu để kìm nén cảm xúc cũng như trốn tránh sự ngại ngùng, bẽ mặt với bạn bè đồng nghiệp đến chung vui đã khiến người viết không khỏi suy nghĩ.
Làm bố mẹ, ai cũng mong con mình học giỏi. Và con trai của hai vị phụ huynh vừa kể đã làm được điều đó. Thậm chí trong 3 năm đại học, như lời kể của chàng tân cử nhân, luôn nỗ lực để học vượt, kiên trì bươn qua hàng loạt áp lực, gian truân để có thể tiết kiệm chi phí học tập, ra trường sớm đi làm phụ giúp gia đình. Nhưng hai vị phụ huynh chẳng thể thấu hiểu được những khó khăn mà con trai họ đã trải qua, chỉ trút mọi sự bực dọc vì tấm bằng tốt nghiệp đại học chỉ đạt loại giỏi.
Buổi lễ tốt nghiệp ấy sẽ thật trọn vẹn với chàng trai nếu như nhận được bó hoa với lời chúc đã hoàn thành một nấc thang của cuộc đời, hãy vững vàng bước tiếp trong hành trình còn lại. Càng ý nghĩa hơn nếu hai vị phụ huynh nhận ra được một điều là con họ giỏi và lẽ ra nên tự hào.
Nhưng chính vì kỳ vọng quá lớn, luôn so sánh con mình với "con nhà người ta", chỉ muốn thỏa mãn được nở mày nở mặt với người khác đã khiến hai phụ huynh có những hành xử khiến con trai bị tổn thương, không được công nhận, tôn trọng.
Có thể câu chuyện vừa kể không phải là hiện tượng phổ quát, nhưng cho thấy trong suy nghĩ của một bộ phận phụ huynh vẫn luôn so sánh với "con nhà người ta".
Chàng tân cử nhân có nói với người viết: "Bố mẹ luôn muốn mình phải là người giỏi nhất. Đó là sự áp đặt và là áp lực vô hình khiến mình không thoải mái, luôn cảm thấy ngột ngạt, bí bách trong học tập lẫn cuộc sống. Đã từng có lúc nghĩ, phải chăng vì bố mẹ quá thương nên muốn mình học giỏi? Hay là chỉ muốn mình sống thay cuộc đời của bố mẹ?".
Hy vọng rằng những người làm bố mẹ, hãy đặt mình vào vị trí của con. Biết cách động viên, khuyến khích con ngày càng giỏi. Chứ đừng để con bị tổn thương, mất tự tin chỉ vì sự so sánh độc hại mang tên "con nhà người ta".
Bình luận (0)