Tận diệt hến trên phá Tam Giang

30/03/2009 18:29 GMT+7

(TNO) Thời gian gần đây, người dân ở xã Điền Hòa, huyện Phong Điền và cư dân sống ven phá Tam Giang, tỉnh Thừa Thiên - Huế đang đổ xô đi tận diệt hến hàng loạt bằng các dụng cụ tự chế khiến cho môi trường sống của thủy sản ở vùng đầm phá này đang bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Theo người địa phương, nguyên nhân dẫn đến việc ngày càng nhiều người đi tận diệt hến (còn gọi là đi cào hến) là do hến đang được các lái buôn mua với giá cao để bán ra các tỉnh phía Bắc, đặc biệt là Hà Nội. So với những năm trước, việc đi dậm hến (ngâm mình dưới nước để lượm hến) chỉ giúp những người dân sống tạm đủ qua ngày, thì hiện nay, việc tận thu hến bằng dụng cụ mới có thể giúp người dân có thu nhập rất cao, xấp xỉ 1 triệu đồng/ngày/gia đình. Bởi vậy, mặc dù chính quyền địa phương triển khai kiểm tra rất ráo riết, nhưng vì món lợi trước mắt người dân vẫn lén lút đi cào hến, kể cả ngày lẫn đêm. 

Dụng cụ để tận diệt hến được làm khá đơn giản. Một chiếc thuyền có công suất lớn với 2 cái cào (làm bằng sắt hình chữ nhật và được bao bằng lưới gắn vào một thanh gỗ to và dài, được cột chặt ở 2 mạn thuyền và đặt sâu dưới đáy nước. Khi thuyền chạy, những con hến nằm dưới cát sẽ bị cào vào trong lưới. Theo tìm hiểu của chúng tôi, chỉ trong số hơn 70 hộ ở Đội 9, xã Điền Hòa thì đã có gần phân nửa hộ gia đình đi cào hến, đó là chưa kể nhiều cư dân ở các huyện khác sống rải rác ven phá Tam Giang. Một người đi cào hến cho biết, lúc trước họ thường ngâm mình dưới nước suốt ngày để dậm hết (lượm hến), nhưng vẫn không đủ sống. Tuy nhiên, từ khi hến bắt đầu có giá, người dân đã nghĩ ra cách để tận thu hàng loạt. Trước đây, mỗi ngày một gia đình đi dậm hến chỉ thu được khoảng vài chục kg hến, nhưng hiện nay, con số đó đã lên đến vài tấn/ngày/thuyền. Hơn nữa, việc hến sinh sôi nảy nở nhanh nên việc tận diệt hến không theo mùa mà chỉ phụ thuộc vào thời gian kiểm tra của chính quyền địa phương.

 

Hến được chất đầy khi một chiếc thuyền cập bến ở xã Điền Hòa, huyện Phong Điền - Ảnh: T.Nguyên

Theo cơ quan chức năng, việc tận thu hến hàng loạt đang làm cho môi trường sống của thuỷ sản ở phá Tam Giang bị ô nhiễm nghiêm trọng, nhưng việc kiểm tra, bắt giữ các thuyền cào hến đang gặp rất nhiều khó khăn. Những người tận thu hến đều có điện thoại di động, nên mỗi khi cơ quan chức năng xuất hiện, những người này sẽ báo cho nhau để chạy trốn. Nếu tình trạng tận diệt hến ngày càng phát triển rộng sẽ dẫn đến việc con tôm, con cá trên vùng đầm phá sẽ đứng trước nguy cơ cạn kiệt.

Tây Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.