Bộ đội, công chức, thanh niên của huyện giúp dân dọn dẹp sau cơn lốc - ảnh: K.T.L |
Có mặt tại xóm Bấc, An Lư vào sáng 24.6, chúng tôi chứng kiến một khung cảnh hoang tàn đổ nát suốt từ đầu đến cuối xóm. Đâu đâu cũng thấy những bức tường đổ nham nhở, những ngôi nhà tốc hết mái, nhiều nhà chỉ còn là đống gạch vụn.
Ngoài trục đường chính, hàng loạt cột điện đổ, cây bật gốc và ngổn ngang những tấm biển hiệu bị gió giật đứt rơi xuống đường. Các lối đi trong ngõ như được đắp thêm một lớp gạch, ngói vỡ.
Bà Nguyễn Thị Vượng, 75 tuổi, cũng ở xóm Bấc buồn rầu nói: đêm qua lốc thổi bay toàn bộ 50 tấm tôn trên ngôi nhà 3 gian của bà; cả nhà mỗi người phải một nơi đi ở nhờ chờ trời sáng.
Chung số phận như xóm Bấc, xóm Sim cũng bị cơn lốc xoáy tàn phá nặng nề. Nhà nào khá thì còn chỗ trú mưa, nhà nào nặng thì chỉ còn cách che áo mưa, vải bạt lên sống tạm. Có mặt tại nhà ông Vũ Văn Thanh, 55 tuổi, chúng tôi chứng kiến cảnh ông ngồi thẫn thờ nơi thềm nhà, 3 gian nhà ngói, công sức bao nhiêu năm trời của cả nhà mới xây dựng được bỗng chốc sập đổ hoàn toàn.
An Lập là một trong những xóm thiệt hại nhiều nhất xã An Lư, ông Trần Văn Lầu, bố đẻ của em Trần Văn Cương, 19 tuổi, buồn bã nói: “Số con tôi thật không may, lốc xoáy ập đến làm cây me to ở góc sân đổ vào cổng và trụ cổng đổ vào đầu làm cháu bị chấn thương sọ não đang cấp cứu tại Bệnh viện Việt-Tiệp”.
Cũng ở An Lập, nhà bà Nguyễn Thị Luyến bị đổ sập hoàn toàn, bản thân bà đang bị thương phải nằm viện, trong khi chồng bà đã mất, con trai lại không được khỏe. Chị gái bà đành bỏ nhà cửa sang lo cho em.
Ấm áp tình người trong lốc dữ
Ngay sau khi cơn lốc đi qua, ở An Lư, đâu đâu người ta cũng thấy bóng dáng của các anh bộ đội, khi cõng một người già ra xe cứu thương, lúc lại thấy các anh khiêng tôn, khiêng cây đổ hoặc bốc xếp gạch cho thông đường…
Đêm 23.6, khi hàng ngàn người dân chấp nhận sống cơ cực trong mưa, trong gió vì không muốn rời ngôi nhà của mình thì các chiến sĩ công an đã có một đêm không ngủ để đảm bảo an ninh trật tự cho dân… Lãnh đạo huyện Thủy Nguyên, lãnh đạo UBND xã An Lư cũng không rời trụ sở để cập nhật thông tin và đưa ra biện pháp xử lý kịp thời.
Ngay sáng 24.6, một hình ảnh cũng được nhiều người dân cảm động là trong cơn mưa tầm tã, nhiều chiến sĩ quân đội vẫn đội mưa leo lên mái nhà, căng bạt che mưa, lợp lại từng viên ngói cho dân. Các đoàn viên thanh niên trong màu áo xanh cũng hăng hái xuống đường, dọn dẹp cây đổ để đảm bảo giao thông, giúp những bà con có hoàn cảnh khó khăn, nhà neo người… Bà Vũ Thị Nghiên, 69 tuổi ở xóm Sim xúc động nói: “Giữa cơn hoạn nạn mà có nhiều người quan tâm sẻ chia và đùm bọc như thế này, chúng tôi cũng thấy ấm lòng”.
Ông Nguyễn Trần Lanh, Chủ tịch UBND huyện Thủy Nguyên cho biết, ngay sau khi cơn lốc đi qua, ngay trong đêm, đã có gần một ngàn người thuộc lực lượng vũ trang, đoàn thanh niên, công an, công chức các ban ngành… tham gia cứu dân, khắc phục hậu quả. Ông Lanh ước tính mức thiệt hại vào khoảng 50 tỉ đồng.
Cũng theo ông Lanh, thành phố quyết định hỗ trợ người chết 10 triệu đồng/người, bị thương nặng 3 triệu đồng/người, các trường hợp bị thương đang điều trị tại bệnh viện 1 triệu đồng/người. Đối với nhà dân bị sập sẽ hỗ trợ 10 triệu đồng/hộ, nhà bị tốc mái hoàn toàn hỗ trợ 3 triệu đồng/hộ. Huyện sẽ tạm ứng tiền triển khai ngay trong ngày 25.6.
Bão số 2 suy yếu thành áp thấp nhiệt đới đi vào Đồng bằng Bắc Bộ Lúc 19 giờ tối qua 24.6, bão số 2 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới và đổ bộ vào đất liền vùng đồng bằng Bắc Bộ, tâm áp thấp nhiệt đới đi vào địa phận Nam Định. Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn T.Ư cho biết, bão đã gây gió mạnh cấp 8, giật cấp 9 trên vịnh Bắc Bộ; cấp 6, cấp 7, giật cấp 8, cấp 9 trên đất liền ven biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Ninh Bình. Ở Bắc Bộ và Thanh Hóa, Nghệ An đã có mưa to đến rất to với lượng phổ biến từ 50 - 150 mm, một số nơi lớn hơn như: Cúc Phương (Ninh Bình): 169 mm, TP Thanh Hóa: 166 mm... Lúc 20 giờ cùng ngày, tâm áp thấp nhiệt đới nằm trên địa phận Thái Bình - Nam Định với sức gió mạnh cấp 6, giật cấp 7, cấp 8. Sau đó, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng giữa tây và tây tây nam, mỗi giờ đi được khoảng 10 km, đi sâu vào đất liền và suy yếu thành vùng áp thấp trên lãnh thổ vùng thượng Lào. Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, hôm nay 25.6, trên vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7 - cấp 8, biển động mạnh. Trong 1-2 ngày tới, Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa nhiều nơi, rải rác có mưa vừa, mưa to; riêng ngày hôm nay 25.6, ở khu vực đồng bằng trung du Bắc Bộ, các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Thanh Hóa , Nghệ An có mưa rất to. Vùng núi cần đề phòng lũ quét, sạt lở đất, vùng trũng và thành phố cần đề phòng ngập úng. Quang Duẩn |
Phạm Hải Sâm
Bình luận (0)