Tan nát rừng Phú Yên

06/10/2015 10:29 GMT+7

Rất nhiều cánh rừng ở Phú Yên bị đốn hạ, đốt sạch để khai thác trắng lấy gỗ, trồng keo khiến người dân bức xúc, gõ cửa các cơ quan chức năng để mong cứu lấy rừng.

Rất nhiều cánh rừng ở Phú Yên bị đốn hạ, đốt sạch để khai thác trắng lấy gỗ, trồng keo khiến người dân bức xúc, gõ cửa các cơ quan chức năng để mong cứu lấy rừng.

Rừng tiểu khu 310 bị đốt cháy để trồng mìRừng tiểu khu 310 bị đốt cháy để trồng mì
Cuối tháng 9.2015, hơn chục hộ dân đã dẫn PV Thanh Niên vào tận những khu rừng thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ (QLRPH) H.Sông Hinh bị đốn hạ, đốt cháy. Tại tiểu khu 310, những cánh rừng bạt ngàn trước đây giờ chỉ còn những cành cây cháy sém trơ trọi nằm trên những đống tro tàn. Ông Võ Đông Sang chỉ tay vào những gốc cây rừng to, rồi cúi xuống đất nhặt những lóng mì (sắn), nói: “Đây là họ phá rừng để trồng mì. Kiểu này rừng làm sao mà còn tồn tại được”. Ông Sang quả quyết: “Nếu không chặt đốt thì rừng này chừng 10 năm nữa là rừng tái sinh, sẽ có những cây đường kính từ 20-40 cm”. Theo ông Sang có khoảng 10 ha rừng ở tiểu khu 310 bị đốn hạ, đốt cháy để trồng mì.
 Cây gỗ lớn cũng bị khai thác
Rời tiểu khu 310, người dân dẫn PV đến tiểu khu 311. Ông Nguyễn Đình Phú than rằng, rừng của tiểu khu này thuộc rừng già nguyên sinh. “Kiểm lâm quản lý không chặt nên để người dân vào khai thác, làm cho rừng nghèo đi, rồi họ lấy lý do là rừng nghèo, phá rừng để trồng keo lá tràm. Nếu họ trồng dặm vào đó là những cây có giá trị như sao, dầu… thì người dân chẳng nói gì, đằng này họ khai thác trắng để trồng keo, rồi 5-6 năm sau họ lại khai thác trắng, đốt sạch để trồng lại. Trồng rừng như vậy ai gọi là trồng rừng”, ông Phú ngao ngán.
Theo ông Phú, rừng tiểu khu 311 là rừng đầu nguồn sông Thạch Thảo, ngành kiểm lâm đã gắn biển cấm xâm hại. Ông Phú bức xúc: “Họ gắn biển cấm dân xâm hại nhưng họ (Ban QLRPH H.Sông Hinh-PV) lại xâm hại. Vậy còn gì là giữ rừng”. Ông Phú ước lượng có khoảng 20 ha rừng ở khu vực này bị khai thác, đốt cháy.
Ông Phạm Ngọc Minh, Giám đốc Ban QLRPH H.Sông Hinh, thừa nhận là hiện đơn vị này đã thuê đơn vị tư vấn thiết kế một số diện tích rừng nghèo nằm trong 2 tiểu khu 311 và 310 để trồng lại rừng. Tuy nhiên, ông Minh cho rằng những diện tích rừng đã đốn hạ bị cháy do dân đốt. Theo ông Minh, những diện tích này là trồng rừng thay thế cho diện tích rừng đã mất khi làm thủy điện Sông Ba Hạ. Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Đặng Đình Toại, Chủ tịch UBND H.Sông Hinh, cho biết: “Chúng tôi sẽ chỉ đạo các cơ quan chức năng của huyện kiểm tra thực tế phản ánh của phóng viên”.
Tỉnh chỉ đạo công an vào cuộc
Trong khi đó, Sở NN-PTNT tỉnh Phú Yên cho biết đã xảy ra tình trạng phá rừng tại khu vực Hòn Đác, xã Sơn Nguyên, H.Sơn Hòa thuộc tiểu khu 192 với diện tích bị phá hơn 23 ha. Ông Lê Văn Trúc, Phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên đã giao Chủ tịch UBND H.Sơn Hòa chỉ đạo công an huyện này điều tra, làm rõ các đối tượng có hành vi vi phạm phá rừng trái phép tại tiểu khu 192 ở khu vực Hòn Đác để xử lý nghiêm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.