Tăng cường chống hàng giả trong lĩnh vực y tế

23/12/2018 10:36 GMT+7

Ngày 21.12.2018 Cục Quản lý dược đã có công văn khẩn về việc báo cáo kết quả kiểm tra chất lượng thuốc, mỹ phẩm.

Trong công văn gửi các sở y tế, các viện và trung tâm kiểm nghiệm thuốc và mỹ phẩm; viện kiểm định, trung tâm kiểm định, Cục Quản lý dược yêu cầu, các đơn vị báo cáo về các thông tin: số mẫu đã kiểm nghiệm; số mẫu không đạt chất lượng, (mẫu lấy kiểm tra, mẫu gửi đến, thuốc trong nước, thuốc nước ngoài; tân dược, dựơc liệu, số mẫu thuốc giả được phát hiên. Với thuốc giả Cục quản lý dược đề nghị các đơn vị cung cấp thông tin chi tiết về số lô thuốc.
Thông tin từ Bộ Y tế cho biết, qua số liệu từ Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả - Bộ Y tế (Ban Chỉ đạo 389 Bộ Y tế), trong năm 2017, Bộ Y tế đã triển khai các Đoàn thanh - kiểm tra về việc thực hiện quy định pháp luật trong quá trình sản xuất, bảo quản, vận chuyển, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh các sản phẩm thực phẩm, mỹ phẩm, dược phẩm. Lực lượng thanh tra về dược, mỹ phẩm, ATTP đã kiểm tra và xử phạt 149 cơ sở vi phạm hành chính trong lĩnh vực dược mỹ phẩm, an toàn thực phẩm. Cụ thể, trong lĩnh vực dược phẩm, mỹ phẩm có 118 cơ sở thanh tra, kiểm tra đã xử phạt 70 cơ sở vi phạm với tổng số tiền hơn 3 tỉ đồng.
Trong năm 2018, Bộ Y tế cũng đã có văn bản đề nghị UBND các tỉnh/thành phố tăng cường công tác phối hợp chỉ đạo trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trong lĩnh vực y tế.
Tiêu hủy hàng hóa, mỹ phẩm lậu, quá hạn
Tiêu hủy hàng hóa, mỹ phẩm lậu, quá hạn Trung Nguyên
Theo BCĐ 389 của Bộ Y tế, dược phẩm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, dược liệu, vị thuốc cổ truyền giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc có xu hướng tăng, do đó đề nghị UBND các tỉnh, thành phố cần tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra tại các địa bàn trọng điểm về buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, bảo đảm phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ như: thực phẩm, mỹ phẩm, dược phẩm, dược liệu và vị thuốc cổ truyền… Đặc biệt, tăng cường công tác chỉ đạo Sở Y tế, Trung tâm kiểm nghiệm thuốc, thực phẩm, mỹ phẩm chủ động kiểm tra, giám sát chất lượng thuốc, thực phẩm và mỹ phẩm trên địa bàn để kịp thời phát hiện, xử lý theo quy định.
Bộ Y tế cũng đề nghị, UBND các tỉnh, thành phố cần tăng cường trao đổi thông tin về hàng giả, hàng kém chất lượng đến các lực lượng chức năng, địa bàn liên quan để phối hợp, kịp thời ngăn chặn, xử lý... Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ trên các phương tiện thông tin đại chúng để nâng cao nhận thức của người dân về hàng giả; thông tin các vi phạm về thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm, dược liệu...
Trong năm 2017-2018, tại Lâm Đồng, Đồng Nai, Hà Nội, TP.HCM cơ quan chức năng đã phát hiện mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, kém chất lượng. Trong đó, có một số vụ việc điển hình như: Công an Lâm Đồng phát hiện và niêm phong, tạm giữ 71 thùng mỹ phẩm, thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc với 10 loại sản phẩm gồm kem đánh răng, kem chống nắng, dầu gội đầu, dầu ô liu, sâm nước,… đều in chữ nước ngoài.
Đại diện Cục Quản lý dược cho biết thêm, dịp cuối năm cũng là thời điểm gia tăng tiêu thụ các sản phẩm, trong đó có mỹ phẩm, người tiêu dùng cần lưu ý khi lựa chọn sản phẩm đã được công bố chất lượng, lưu hành sản phẩm để bảo đảm an toàn cho sức khỏe. Cục Quản lý dược, hệ thống kiểm nghiệm, các sở y tế cũng tăng cường phối hợp các cơ quan chức năng chủ động kiểm soát chất lượng cũng như có cảnh báo kịp thời với các mỹ phẩm không đạt chất lượng, mỹ phẩm nhập lậu không được kiểm soát chất lượng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.