Tăng cường hiệu quả hoạt động, quản lý phóng viên thường trú

16/11/2023 20:48 GMT+7

Theo Hội Nhà báo Việt Nam, trong 5 năm qua, hội nhà báo các tỉnh, thành phố đã làm thủ tục tiếp nhận hơn 1.000 hội viên là phóng viên thường trú. Ban chấp hành các liên chi hội nhà báo trực thuộc Hội Nhà báo Việt Nam đã triển khai thực hiện nghiêm túc Quyết định số 979/QĐ-HNBVN.

Tiếp nhận 1.021 hội viên sau 5 năm

Chiều 16.11, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Hội nghị sơ kết 1 năm phong trào thi đua xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí; tổng kết công tác quản lý hội viên là phóng viên cơ quan báo chí thường trú tại địa phương…

Tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý phóng viên thường trú tại địa phương - Ảnh 1.

Bà Vũ Thị Hà, Trưởng ban Công tác hội (Hội Nhà báo Việt Nam), trình bày báo cáo tại hội nghị

NGUYỄN TRƯỜNG

Dự hội nghị có Phó trưởng Ban tuyên giáo T.Ư, Tổng biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh và đại diện lãnh đạo hội nhà báo 25 tỉnh, thành phố khu vực phía bắc; 20 liên chi hội và 100 chi hội nhà báo trực thuộc.

Sau 1 năm thực hiện phong trào thi đua xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí, nhiều cơ quan báo chí, các cấp hội đã có chuyển biến tích cực cả về nhận thức và hành động. Nhiều cơ quan báo chí đã xác định được vấn đề nổi cộm, cấp thiết để tập trung giải quyết như: việc chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương tác nghiệp, đạo đức nghề nghiệp, kịp thời chấn chỉnh việc phát ngôn không phù hợp trên mạng xã hội của một số nhà báo.

Cấp ủy, người đứng đầu cơ quan báo chí tiếp tục đẩy mạnh công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng, triển khai thực hiện nội quy, quy chế hoạt động của cơ quan báo chí đảm bảo dân chủ, đoàn kết, minh bạch; chú trọng xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí cùng văn hóa người làm báo, xây dựng môi trường làm việc tích cực, năng động, sáng tạo, tòa soạn xanh - sạch - đẹp.

Tại hội nghị, các đại biểu tham luận, tập trung làm rõ các giải pháp để tiếp tục phát huy hiệu quả phong trào thi đua xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí trong thời gian tới, đưa việc thi đua trở thành nền nếp trong hoạt động báo chí cũng như phong trào thi đua thực sự lan tỏa, đi vào chiều sâu trong hoạt động của các cơ quan báo chí và hoạt động của tổ chức Hội Nhà báo Việt Nam; trách nhiệm, giải pháp của hội trong xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí.

Trong phần tổng kết công tác quản lý hội viên là phóng viên cơ quan báo chí thường trú tại địa phương, bà Vũ Thị Hà, Trưởng ban Công tác hội (Hội Nhà báo Việt Nam), cho biết sau 5 năm thực hiện Quyết định số 979/QĐ-HNBVN của Hội Nhà báo Việt Nam về sinh hoạt của hội viên là phóng viên thường trú (PVTT) tại địa phương, nhìn chung, các văn phòng đại diện, hội viên là PVTT đã bám sát định hướng của cơ quan chỉ đạo, cơ quan quản lý báo chí địa phương.

Đồng thời, thực hiện tốt luật Báo chí, tôn chỉ mục đích cơ quan báo chí; triển khai hiệu quả các nội dung tuyên truyền, đáp ứng nhu cầu thông tin của đại đa số công chúng báo chí. Trong 5 năm qua, hội nhà báo các tỉnh, thành phố đã làm thủ tục tiếp nhận 1.021 hội viên PVTT; chủ động phối hợp với cơ quan có thẩm quyền rà soát, nắm số lượng…

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện Quyết định số 979/QĐ-HNBVN của tổ chức hội các cấp vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần sớm khắc phục.

Tại hội nghị, các đại biểu đã phát biểu, tham luận, nêu lên những kinh nghiệm trong việc phối hợp quản lý hoạt động của các văn phòng đại diện, PVTT tại địa phương; xử lý hội viên vi phạm điều lệ, vi phạm đạo đức nghề nghiệp; vai trò giám sát của hội nhà báo địa phương…

Báo Thanh Niên luôn chăm lo công tác đào tạo phóng viên thường trú

Trình bày tham luận, nhà báo Trần Việt Hưng, Phó tổng biên tập Báo Thanh Niên, cho biết trong những năm qua, Ban Biên tập Báo Thanh Niên luôn quan tâm, chăm lo công tác đào tạo, bồi dưỡng nhằm xây dựng đội ngũ PVTT giỏi nghề, có thể tác nghiệp đa phương tiện, đa nền tảng, bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức tốt, đảm bảo tác phong chuẩn mực của người làm báo.

Tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý phóng viên thường trú tại địa phương - Ảnh 2.

Nhà báo Trần Việt Hưng, Phó tổng biên tập Báo Thanh Niên, trình bày tham luận tại hội nghị

NGUYỄN TRƯỜNG

Đặc biệt, đã xây dựng, ban hành và thường xuyên cập nhật, bổ sung hoàn thiện các quy định, quy chế hoạt động của văn phòng đại diện và PVTT để tăng cường hiệu quả hoạt động, quản lý, phù hợp với các quy định của pháp luật và thực tiễn của cơ quan ở mỗi giai đoạn.

"Các thành viên Ban Biên tập đều được phân công phụ trách các văn phòng đại diện nhằm tăng cường kết nối, giám sát cũng như hỗ trợ mọi mặt hoạt động của các văn phòng, từ công tác nội dung đến tổ chức các sự kiện sau mặt báo", nhà báo Việt Hưng nói.

Tính đến tháng 6, Liên chi hội Nhà báo Báo Thanh Niên đã làm thủ tục giới thiệu sinh hoạt về địa phương cho 34 hội viên thường trú đang tham gia sinh hoạt tại các chi hội trực thuộc liên chi hội ở các địa phương trên toàn quốc.

Để triển khai thực hiện hiệu quả Công văn số 4854/BTTTT-CBC ngày 26.11.2021 của Bộ TT-TT về tăng cường quản lý hoạt động PVTT tại các địa phương, Báo Thanh Niên đã tổ chức Hội nghị PVTT toàn quốc lần đầu vào năm 2022 tại tỉnh Bình Dương, lần thứ hai vào năm 2023 tại tỉnh Quảng Ninh.

Hội nghị là dịp để đội ngũ PVTT được lĩnh hội các chỉ đạo về công tác thông tin, tuyên truyền từ Ban Tuyên giáo T.Ư cũng như các quy định pháp lý liên quan đến PVTT từ Bộ TT-TT; những định hướng từ cơ quan chủ quản - Ban Bí thư T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và các quy định mới liên quan đến nghề nghiệp từ T.Ư Hội Nhà báo Việt Nam.

Theo Phó tổng biên tập Báo Thanh Niên, đa số PVTT đều có mối quan hệ tốt với địa phương, được tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận, cung cấp thông tin. Các thông tin phản ánh tiêu cực cơ bản được ghi nhận và xử lý, đồng thời các vấn đề tuyên truyền, thông tin thời sự tại địa bàn cũng được phản ánh kịp thời trên các nền tảng của báo.

Trong khi những thông tin mang tính tuyên truyền, tốt đẹp được cung cấp kịp thời, thì những thông tin phản ánh tiêu cực, nhạy cảm thường rất khó tiếp cận do tâm lý chung là ngại tiếp xúc, né tránh báo chí của các cơ quan chức năng, sở, ngành địa phương.

Mặt khác, vẫn có tình trạng các cuộc họp giao ban báo chí định kỳ hoặc những sự kiện diễn ra tại địa phương, các cơ quan chức năng chỉ tập trung thông tin cho báo chí địa phương và một số báo T.Ư. Báo Thanh Niên và các cơ quan báo chí khác ít khi được mời dự, nắm thông tin; hoặc địa phương chỉ tổ chức họp báo mỗi năm 1 - 2 lần, thời gian họp trên dưới 2 giờ nên nhiều vấn đề đặt ra của PVTT chưa được giải đáp thỏa đáng.

Phó tổng biên tập Báo Thanh Niên Trần Việt Hưng cũng đã nêu một số đề xuất, kiến nghị cơ quan quản lý báo chí, Hội Nhà báo Việt Nam và các địa phương để tăng cường kết nối, quản lý hội viên là PVTT theo Quyết định số 979/QĐ-HNBVN.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.