Trong phiên họp, Thủ tướng và các thành viên Chính phủ tập trung thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2009, kết quả kiểm tra tình hình thực hiện các biện pháp kích cầu của Chính phủ, nghe các báo cáo, tờ trình về phòng chống tham nhũng, cải cách hành chính, quy hoạch sử dụng đất đai, bồi thường hỗ trợ, tái định cư…
Qua tổng hợp báo cáo từ 20 đoàn công tác của các thành viên Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết hầu hết các nhóm giải pháp kích cầu đều đạt những kết quả bước đầu khả quan. Trong đó, việc miễn, giảm, giãn, hoàn thuế đã được các địa phương triển khai sâu rộng, giúp người dân cũng như các doanh nghiệp giảm bớt phần nào khó khăn, góp phần đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu, kích cầu đầu tư và tiêu dùng. Tương tự, các chính sách tiền tệ và hỗ trợ lãi suất cũng đang phát huy tác dụng. Đến nay, hầu hết các ngân hàng đã thực hiện nghiêm túc việc hỗ trợ lãi suất theo đúng quy định hiện hành. Tính đến cuối tháng 5, tổng dư nợ cho vay hỗ trợ lãi suất đạt 319 nghìn tỉ đồng.
Cũng theo đánh giá của các thành viên Chính phủ, nhóm giải pháp kích cầu đang tạo ra hiệu ứng tích cực đối với tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2009. Nếu như trong tháng 1, kinh tế rơi xuống "đáy" thì từ tháng 3 đến nay các chỉ tiêu kinh tế liên tục tăng trưởng, tháng sau cao hơn tháng trước. Trong đó, sản xuất công nghiệp, nông nghiệp... đều tăng ở mức cao. Đặc biệt, lĩnh vực dịch vụ đã đạt con số ấn tượng: tăng 21% so với cùng kỳ.
Kết luận tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng tình hình kinh tế - xã hội đang có chuyển biến tích cực, nhưng bên cạnh đó còn tiềm ẩn nhiều khó khăn. Do đó, các bộ, ngành, địa phương cần phải theo dõi sát tình hình, khắc phục những khó khăn cũng như những bất cập về chủ trương, chính sách để có điều chỉnh kịp thời. "Chúng ta lạc quan nhưng không được chủ quan", Thủ tướng nhấn mạnh.
Liên quan đến chất lượng hàng hóa, trong đó một số sản phẩm hàng hóa từ Trung Quốc gây độc hại đối với người tiêu dùng, tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Thành Biên cho biết Bộ đã nắm bắt và đang tiến hành các biện pháp xử lý, giải quyết. Theo ông Biên, ngày 1.6 vừa qua, Bộ Công thương đã có văn bản gửi các tỉnh vùng biên giới phía Bắc nhấn mạnh việc tăng cường giám sát, quản lý nhập khẩu hàng hóa, đặc biệt là đối với các mặt hàng quần áo, đồ chơi trẻ em. Ngoài ra, Bộ này cũng đang xem xét để đưa ra các quy định, chế tài kiểm tra chất lượng hàng hóa trước khi nhập khẩu.
Về giá sữa ở Việt Nam được cho là cao nhất thế giới và những vấn đề liên quan, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu cho biết Bộ Tài chính đã yêu cầu chi cục thuế các địa phương kiểm tra tất cả các doanh nghiệp kinh doanh sữa. Về lâu dài, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các cơ quan hữu quan xây dựng các chính sách quản lý về chất lượng cũng như giá cả mặt hàng này theo hướng: sữa là mặt hàng thiết yếu nên cần phải có can thiệp của Nhà nước để bình ổn về giá...
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc, đến chiều 3.6 đã có 171 câu hỏi chất vấn của đại biểu Quốc hội gửi các thành viên Chính phủ. Trong đó, Bộ Công thương nhận được nhiều nhất với 21 chất vấn, Bộ NN-PTNT 18 chất vấn, Bộ LĐ-TB-XH 16 chất vấn... Có 9 câu hỏi chất vấn Thủ tướng Chính phủ. Cũng theo Bộ trưởng Phúc, Chính phủ đã đề nghị 8 thành viên của Chính phủ trả lời các chất vấn này, bao gồm Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng, Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng LĐ-TB-XH Nguyễn Thị Kim Ngân, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Quốc Triệu, Bộ trưởng Tài nguyên - Môi trường Phạm Khôi Nguyên, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc, Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh. Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp Quốc hội thứ 5 dự kiến sẽ diễn ra từ 11-13.6.
Thái Sơn
Bình luận (0)