Tăng giá bán lẻ điện

20/12/2011 00:44 GMT+7

Bộ Công thương vừa cho phép Tập đoàn điện lực VN (EVN) điều chỉnh giá điện tăng thêm 5%, từ mức 1.242 đồng/kWh lên 1.304 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng), áp dụng từ hôm nay (20.12).

Bộ Công thương vừa cho phép Tập đoàn điện lực VN (EVN) điều chỉnh giá điện tăng thêm 5%, từ mức 1.242 đồng/kWh lên 1.304 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng), áp dụng từ hôm nay (20.12).

 
Từ hôm nay giá điện sẽ tăng lên 1.304 đồng/kWh - Ảnh: Ngọc Thắng

Tăng giá bù lỗ

Với lần tăng giá này, năm 2011, giá điện đã tăng 20,28%. Theo thông tin từ EVN, đối với giá bán điện sinh hoạt bậc thang 0 - 50 kWh cho hộ nghèo và bậc thang 0 - 100 kWh vẫn giữ nguyên mức 1.242 đồng/kWh, tạm thời không tăng trong lần điều chỉnh giá điện này. Với các bậc thang còn lại, từ 100 kWh trở lên sẽ áp mức giá 1.304 đồng/kWh với các mức tăng dần. 

Lương bình quân của khối văn phòng tập đoàn gần 30 triệu đồng

Theo Kiểm toán Nhà nước, thu nhập bình quân toàn công ty mẹ EVN bao gồm cả tiền thưởng vận hành an toàn điện năm 2010 là 13,7 triệu đồng/tháng. Việc phân phối tiền lương theo đơn giá cho các đơn vị trực thuộc công ty mẹ tập đoàn chưa đảm bảo hài hòa về lợi ích, bởi thu nhập bình quân cơ quan văn phòng (công ty mẹ) cao gấp hơn 2 lần thu nhập bình quân chung của công ty mẹ.

Ngày 13.12.2011, EVN có văn bản báo cáo Bộ Công thương cho phép được điều chỉnh tăng giá bán điện bình quân 5% so với giá hiện hành. EVN cho biết, đã xây dựng phương án điều chỉnh giá bán điện năm 2012, trong đó có tính tới biến động các yếu tố đầu vào của hoạt động sản xuất kinh doanh điện và thu hồi một phần khoản lỗ do phát điện giá cao trong năm 2010. Phương án điều chỉnh giá bán điện đã được trình Bộ Công thương, Bộ Tài chính thẩm định để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong lúc chờ Chính phủ phê duyệt phương án tăng này, trước mắt Bộ Công thương cho phép EVN điều chỉnh mức tăng giá lên 1.304 đồng/kWh.

Trước đó, trả lời báo chí bên lề kỳ họp QH vừa qua, Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ cho biết giá thành điện sẽ được hạch toán thêm 4 khoản lỗ chính của EVN, gồm: lỗ hơn 8.000 tỉ đồng của năm 2010, chênh lệch tỷ giá, điều chỉnh giá than (tăng thêm 2.000 tỉ đồng) và hơn 365 tỉ đồng việc tiếp nhận điện hạ áp nông thôn. Các khoản  lỗ này sẽ được hạch toán dần, trong đó năm 2012, theo ông Huệ, Chính phủ sẽ cân nhắc cho EVN được tăng trong mức 15,6%.

Theo một chuyên gia, việc tăng “vội” vào những ngày cuối năm 2011 là cách để EVN “lách” mức trần 15,6% trên. Việc cho phép tăng nhỏ giọt 5% cũng có lợi cho DN, bởi theo Thông tư 31, nếu tăng 5% giá điện, doanh nghiệp chỉ cần báo cáo với Bộ Công thương.

Lỗ do EVN quản lý yếu kém

Sức ép giá điện đè lên doanh nghiệp sản xuất

Ông Cao Tiến Vị, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty giấy Sài Gòn, cho biết giá thành điện chiếm 10% trong cơ cấu giá thành sản phẩm của doanh nghiệp, giá điện tăng 5% sẽ đẩy giá thành sản xuất giấy tăng thêm hơn 10% so với hiện tại. “Các doanh nghiệp sản xuất đang chịu nhiều sức ép, đặc biệt là lãi suất. Việc tăng giá điện vào thời điểm cuối năm là không hợp lý, đáng lẽ cơ quan quản lý phải tính toán đến cả tác động và sức chịu đựng chung của các DN sản xuất cũng như mặt bằng giá cả nói chung”, ông Vị nói. Còn ông Trần Tuấn Dương, Tổng giám đốc Tập đoàn Hòa Phát, cho biết nếu tăng giá điện 5% tương đương giá thành sản xuất thép sẽ tăng khoảng 15.000 - 20.000 đồng/tấn.

Mai Thị Thu

Theo kết quả kiểm toán báo cáo tài chính EVN năm 2010 của Kiểm toán Nhà nước, tỷ suất lợi nhuận/giá trị đầu tư của EVN rất thấp, chỉ đạt 1,08%. Cụ thể, tập đoàn này tính đến 31.12.2010 bỏ ra 49.996 tỉ đồng đầu tư tài chính nhưng lợi nhuận chỉ thu được 541,5 tỉ đồng. Riêng sản xuất kinh doanh điện, lợi nhuận đạt cao nhất so với các khối kinh doanh ngoài ngành khác của EVN, nhưng cũng chỉ đạt 366,5 tỉ đồng, đạt 0,81% so với giá trị đầu tư (hơn 45.000 tỉ đồng).

EVN đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, bảo hiểm, ngân hàng, tài chính với giá trị 2.108,8 tỉ đồng, tương đương 3,27% vốn chủ sở hữu, nhưng do giá trị cổ phiếu giảm mạnh, hiệu quả đầu tư vào các đơn vị trên có xu hướng giảm thấp. Với lĩnh vực viễn thông, EVN đã đầu tư 2.442 tỉ đồng vào EVN Telecom, nhưng riêng năm 2010 EVN Telecom đã lỗ tới 1.057,7 tỉ đồng, còn các năm 2008, 2009 có lãi là nhờ việc san lỗ sang các tổng công ty điện lực tới 1.026 tỉ đồng.

Cũng theo Kiểm toán Nhà nước, EVN hoạt động chủ yếu bằng nguồn vốn vay và vốn chiếm dụng (79,3%), tỷ lệ nợ phải trả cao gấp 4,22 lần nguồn vốn chủ sở hữu, vượt quá mức giới hạn an toàn theo quy định của Chính phủ (không quá 3 lần). Một số đơn vị thành viên có hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu cao hơn 3 lần như Công ty nhiệt điện Uông Bí có hệ số 7,75 lần, nhiệt điện Hải Phòng là 4 lần. Kiểm toán kết luận, tình hình tài chính của EVN khó khăn, không đảm bảo độ an toàn. Chưa kể, tính đến tháng 6.2011, EVN còn nợ tiền mua điện của Tập đoàn dầu khí 8.861 tỉ đồng, nợ của Tập đoàn than - khoáng sản 1.211 tỉ đồng.

Cân đối đầu tư dự án không hợp lý cũng là một nguyên nhân khiến EVN “lạm chi”, điển hình như dự án nhiệt điện Uông Bí mở rộng, dự toán gói thầu EPC được duyệt là 243 triệu USD nhưng EVN ký hợp đồng với tổng thầu Lilama trị giá 267 triệu USD, lớn hơn dự toán được duyệt 23 triệu USD.

Kiểm toán cho rằng, tỷ lệ tổn thất điện năng của VN cao hơn các nước trong khu vực và thế giới, nên giá thành điện có thể giảm nếu EVN có biện pháp tiếp tục giảm tỷ lệ tổn thất điện năng. EVN cũng có thể giảm chi phí mua điện ngoài ngành (năm 2010 lỗ do mua điện giá cao ngoài ngành hơn 9.400 tỉ đồng) bằng cách kiểm soát chặt chẽ chi phí, đàm phán giá mua điện trên cơ sở tiết giảm chi phí tối đa. Ngoài ra, doanh thu của EVN có thể tăng nếu nhiều khoản hoạt động khác được EVN tính đúng, tính đủ và tiết giảm chi phí nhân công hợp lý.

Mai Hà

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.