Tăng giá sách giáo khoa - những bất cập cần làm rõ

06/05/2008 10:51 GMT+7

Mặc dù NXB Giáo dục đưa ra nguyên nhân tăng giá SGK 10% trong năm học tới là do giá giấy tăng đột biến và động thái thu mua sách cũ phải chăng chỉ để đánh lạc hướng dư luận, thì việc tăng giá sách tuỳ tiện cho thấy hệ lụy của quá trình độc quyền xuất bản SGK 51 năm qua vẫn còn kéo dài.

Việc Nhà xuất bản Giáo dục (NXBGD) đưa ra tuyên bố sẽ tăng giá SGK lên gần 10% đã làm dư luận thật sự sững sờ. Bởi lẽ, năm trước Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ GDĐT phải yêu cầu NXBGD nghiên cứu, xây dựng cơ chế bán hợp lý để giảm giá bán SGK, vậy mà... Việc biên soạn SGK, in ấn SGK có gì không ổn? Đã đến lúc bỏ độc quyền trong in ấn SGK?

Công ty con bỏ túi 10% phí phát hành

Nhiều chuyên gia cho rằng, có lẽ VN là một trong những quốc gia cuối cùng trên thế giới còn độc quyền in ấn SGK. Bởi ở mỗi nước đều cho phép nhiều nhóm tham gia viết SGK theo khung chuẩn của bộ GDĐT.

Toàn bộ nội dung SGK hiện nay là do Bộ GDĐT cử ban biên soạn riêng, còn NXBGD chỉ việc biên tập khâu kỹ thuật, sau đó thuê nhà in gia công và phát hành chỉ thông qua đơn vị trung gian duy nhất là hệ thống các công ty cổ phần sách và thiết bị trường học.

Hai khâu chiếm chi phí lớn nhất trong việc xuất bản SGK chính là giấy và công in. Hiện giá giấy có tăng, nhưng vấn đề đặt ra là một đối tác "khổng lồ", tiêu thụ số lượng giấy lớn nhất VN như NXBGD lại không có động thái nào để buộc đối tác chấp nhận giảm giá giấy ở mức có thể, bởi nếu ký được hợp đồng lớn với NXB này thì coi như yên tâm về đầu ra?

Các NXB khác tuy nhỏ hơn, nhưng hiện nay vẫn gồng mình chịu được, chưa tăng giá sách, thì cớ sao một "đại gia" lớn như NXBGD nóng vội tăng giá sách đến thế? Thậm chí những loại sách bài tập đang được NXB thông báo đến các đại lý tăng tới 20%.

Thứ hai, các hợp đồng in gia công chỉ việc thực hiện khâu in, chứ không có việc nhà máy in tự mua giấy. Ở khâu in, chưa có dấu hiệu tăng giá (như giá điện, giá in ấn, mực in...). NXBGD chỉ có 4 nhà in trực thuộc, còn lại thuê 86 nhà khác in gia công (90%), vẫn còn non nửa lượng sách in là chỉ định thầu.

Để được chỉ định thầu đã khó, huống gì là nắm được một khách hàng lớn như thế, không ai muốn để vuột khỏi tay, bằng mọi giá. Thế nên khi ông phó tổng giám đốc NXBGD tuyên bố "hàng chục nhà in trúng thầu ngừng in trong quý I  và đề nghị điều chỉnh các giá thầu", thì cũng nên xem lại thông tin này.

Thứ ba, ở khâu phát hành, đến bây giờ vẫn còn một cơ chế độc quyền kỳ lạ: Chỉ Cty sách và thiết bị trường học (S&TBTH) mới được nhận hàng trực tiếp từ NXBGD, với mức chiết khấu phí phát hành là 22-24%, riêng các Cty vùng xa, miền núi được hưởng 32%, lại được ưu đãi là NXB chở sách tới tận nơi.

Các Cty, đại gia phát hành khác như Fahasa, Phương Nam... cũng chỉ được mua lại SGK thông qua Cty con này với giá chiết khấu chỉ 12%, bắt buộc trả tiền trước, đăng ký và sắp hàng dài cho đến lượt, mới hy vọng có SGK về bán. Các Cty này than phiền rằng bán SGK chỉ có lời chút đỉnh, chẳng qua bán kèm với văn phòng phẩm và có đủ mặt hàng để thu hút phụ huynh, học sinh mà thôi.

Như vậy, chỉ cần nhận sách và phân phối cho các tỉnh và các nhà sách, Cty S&TBTH đã lời 10%. Trong khi đó, Cty này được ưu đãi là trả tiền sau 1 tháng khi mua qua NXBGD, nhưng các đối tác khác thì phải trả tiền trước và phải ký hợp đồng với khâu trung gian này.


Giá sách giáo khoa sắp tăng lên gần 10% - Ảnh: Báo Lao Động

Cắt bỏ khâu trung gian

Chính vì thế, giải pháp cần thiết hiện nay chính là cắt bỏ khâu trung gian - Cty S&TBTH, phân phối thẳng SGK đến tất cả những đại lý, hệ thống phát hành có nhu cầu.

Hiện NXBGD có 4 chi nhánh đại diện ở Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng và Cần Thơ. Bốn đại diện này đủ sức phân phối SGK tới từng vùng, miền. Tránh trường hợp nhiều Cty S&TBTH ở địa phương được nhận sách với giá chiết khấu 24% rồi bán ngay SGK tại các TP lớn và chỉ mang vừa đủ "chỉ tiêu thật" về tỉnh mình, lại được hỗ trợ tiền xe vận chuyển. Theo giám đốc một DN tại TPHCM, nếu được mua trực tiếp SGK từ NXBGD thì đơn vị này sẽ không cần tăng giá sách, một khi biết tiết kiệm nhiều khoản phí vô bổ kiểu như trên.

Bỏ độc quyền phát hành là khâu dễ làm nhất, bởi thực tế đã chứng minh hoạt động không hiệu quả của một số công ty S&TBTH trên cả nước. Điển hình là nguyên giám đốc Cty in, S&TBTH Quảng Trị và Quảng Ngãi bị đi tù vì rút ruột tiền nhà nước, làm ăn gian lận. Không cần công ty trung gian này, sách vẫn đến tận nơi cần phân phối.

Ở đây, cần đặt vấn đề là vì sao Cty trung gian làm việc không hiệu quả, mà NXBGD vẫn ưu tiên độc quyền phát hành SGK? Phải chăng bởi đây là nơi tiêu thụ, phát hành sách tham khảo cho NXBGD, bởi các kênh phát hành tư nhân thường từ chối khoản này, vì lý do không phù hợp cơ chế thị trường, phải mua đứt, bán đoạn, không được ký gửi.

Đây cũng là nơi thường "găm" hàng lại (đặc biệt là SGK mới, như SGK lớp 12 năm nay) để bán tại chỗ khoảng 1 tháng, sau đó mới phân cho các nơi, với lý do "đơn giản" - thiếu hàng.

Tăng giá 10% là không nhiều?

Ông Nguyễn Quang Long - Hiệu trưởng Trường THPT Trần Phú, Đà Nẵng nói: "Trong thời điểm hiện nay, đừng nói tăng giá sách giáo khoa lên 10%, chỉ cần tăng từ 1-2% cũng đã khiến dư luận không đồng tình. Đừng để giá sách giáo khoa trở thành một cơn "bão" khác cho các gia đình lao động.

Một quan chức của nhà xuất bản nói, tăng giá sách 10% là tăng không nhiều thì cần phải suy nghĩ lại. Nếu NXB Giáo dục vẫn giữ quan điểm tăng giá sách giáo khoa thì phải cân nhắc, tính toán đến giá bán ở các vùng thành thị, nông thôn, các TP, các tỉnh để người dân không bị thiệt. Nếu tăng theo kiểu cào bằng ở các vùng, miền thì không hợp lý".

Phó Hiệu trưởng Trường THPT Tầm Vu 2 (huyện Châu Thành A, Hậu Giang) Hoàng Đăng Đức cho biết: Tuy chưa phải là trường vùng sâu, nhưng năm học này Tầm Vu 2 cũng đã có gần 110 HS bỏ học. Giá SGK tăng 10%, với số HS là con em gia đình nghèo là số tiền không nhỏ; nhất là trong bối cảnh giá cả sinh hoạt nhiều mặt hàng thiết yếu đồng loạt tăng.

Để "đối phó" với tình trạng năm học tới có thể một bộ phận HS không có SGK, những ngày này, một số trường ở ĐBSCL đã tổ chức vận động HS sau khi học ủng hộ SGK cho các bạn gia đình nghèo; kể cả trong và ngoài trường.

Theo Phó Hiệu trưởng Huỳnh Hữu Lục (Trường Tiểu học Tân Phú Thạnh 2, Châu Thành A, Hậu Giang), năm học này mỗi lớp của trường có vài HS không có SGK nên nhà trường giải quyết được bằng nguồn SGK của thư viện. Đáng lo là số HS ở các trường vùng sâu, vùng xa.

Báo Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.