TNO

Tăng giá xăng dầu - sức ép lên đời sống

06/11/2004 23:33 GMT+7

Việt Nam là nước phải nhập khẩu 100% sản phẩm xăng dầu; dĩ nhiên sự gia tăng giá xăng dầu trên thị trường thế giới cũng kéo theo sự gia tăng liên tục của giá xăng dầu tại thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, nhờ nhiều biện pháp can thiệp kịp thời của Chính phủ nên biến động giá xăng dầu ở nước ta chưa đến mức cao như mức bình quân trên thị trường thế giới, nhưng giá xăng dầu cũng đã khá cao này nếu duy trì trong một thời gian dài cũng đặt ra nhiều vấn đề kinh tế đáng để các nhà hoạch định chính sách xem xét.

Nhìn chung, Việt Nam xuất khẩu dầu thô nhiều hơn là nhập khẩu xăng dầu. Kim ngạch xuất khẩu dầu thô luôn cao hơn kim ngạch nhập khẩu xăng dầu. Tuy nhiên, trong kim ngạch xuất khẩu dầu thô của Việt Nam, trừ phần phải trả cho đối tác liên doanh nước ngoài, phần thực sự chênh lệch giữa kim ngạch xuất và nhập dầu còn lại được dùng để bù lỗ cho giá xăng dầu nhập khẩu ngày càng tăng cao. Có thể nói rằng, về mặt ngân sách, việc giá xăng dầu tăng cao không đem lại lợi ích nhiều cho Việt Nam; do phần chênh lệch giữa xuất và nhập phần lớn được dùng để bù lỗ cho việc giữ giá xăng dầu ở mức thấp hơn so với mức giá trung bình của thế giới.

Theo lý thuyết, một sự gia tăng mạnh giá xăng dầu có thể tạo ra gánh nặng đối với các nền kinh tế theo hai cách thức khác nhau, tùy thuộc vào mức độ mà một quốc gia phụ thuộc vào xăng dầu nhập khẩu (về phương diện này thì các nước châu Á trong đó có Việt Nam chịu nhiều ảnh hưởng hơn so với các nước như Mỹ, Anh...) và việc tiêu thụ xăng dầu tương đối so với tổng sản phẩm quốc dân (về phương diện này thì các quốc gia đang phát triển, đặc biệt là châu Á trong đó có Việt Nam, chịu nhiều ảnh hưởng hơn so với các quốc gia công nghiệp do có tỷ lệ tiêu thụ xăng dầu so với tổng sản phẩm quốc dân cao hơn: ví dụ tỷ lệ này của Việt Nam là khoảng 5% so với của Mỹ chỉ là 2,5%).

Thứ nhất, việc giá xăng dầu cao và ngày càng tăng làm giảm mức sống của dân cư xuống dưới mức lẽ ra đã có thể đạt được do tổng tiêu dùng cho sản phẩm xăng dầu tăng lên tương đối so với thu nhập (ước tính sự gia tăng giá xăng tại Việt Nam khiến cho mỗi cá nhân sử dụng phương tiện xe gắn máy mỗi tháng phải chi thêm bình quân khoảng 20.000 đồng so với thời điểm đầu năm 2004; hơn nữa, mặt hàng xăng dầu tương đối không co giãn so với giá - nghĩa là giá tăng nhưng người sử dụng phương tiện vận tải cơ giới vẫn phải sử dụng do không có nhiên liệu khác thay thế, do vậy khi giá xăng dầu tăng thì người tiêu dùng có ít thu nhập hơn dùng để chi tiêu cho các hàng hóa khác). Thứ hai, sự gia tăng này tác động đến nền kinh tế theo các cách thức mà rất khó để các nhà hoạch định chính sách có thể quản lý được: một mặt, sự gia tăng giá xăng dầu tạo áp lực gây ra lạm phát thông qua hiện tượng giá cánh kéo. Do xăng dầu là yếu tố đầu vào của hầu như tất cả các ngành kinh tế khác, nên giá đầu vào tăng, trong điều kiện các yếu tố khác không thay đổi, sẽ kéo theo giá đầu ra sản phẩm tăng lên dẫn đến chỉ số giá cả nói chung gia tăng, ảnh hưởng đến sức mua của xã hội và gây ra áp lực lạm phát: trong những tháng gần đây nhiều hãng tàu quốc tế đã thông báo tăng phụ phí xăng đối với các lô hàng từ Việt Nam đi châu Âu, đi Mỹ; giá nguyên liệu nhựa các loại đã tăng khoảng tăng 15-20%; giá thành một số loại hàng hóa dịch vụ cũng đã tăng từ 2 đến 5%, trong đó, giá thép tăng 12,5%, cước vận tải đường bộ tăng 2%, đánh bắt hải sản xa bờ tăng 4,1%... Chi phí sản xuất tăng sẽ tác động đến năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam.

Nhìn chung, đối với các nước phải nhập khẩu xăng dầu nhiều thì giá xăng dầu tăng có thể làm suy giảm hoạt động kinh tế. Để đối phó các vấn đề này, các nhà hoạch định chính sách sẽ phải có nhiều chính sách khác nhau, trong đó có chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa phù hợp, chính sách thu nhập và kiểm soát giá xăng dầu, chính sách thuế phù hợp và việc cải thiện các chương trình về thị trường lao động...

Thạc sĩ Lê Nguyễn Hải Đăng
(Viện Kinh tế TP Hồ Chí Minh)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.