Tăng giá xăng và sức ép độc quyền

10/05/2007 00:50 GMT+7

Việc 11 doanh nghiệp đầu mối xăng dầu trong nước (đều là doanh nghiệp quốc doanh), trong đó Petrolimex chiếm 65% thị phần đột ngột và đồng loạt tăng giá xăng thêm 800đ/lít đã gây những phản ứng bức xúc trong xã hội. Không phải vì "con số lẻ" là 800đ/lít mà xã hội phản ứng. Chính cái cung cách kinh doanh theo kiểu "bắt tay cùng… độc quyền" đã khiến xã hội cảm thấy mình chịu một sức ép: sức ép từ sự độc quyền xăng dầu.

Đây là mặt hàng từ lâu nay Nhà nước quản lý và trực tiếp điều chỉnh giá, tùy theo biên độ giá của thị trường thế giới. Nhưng sau khi Nhà nước tuyên bố trao quyền tự quyết giá cả cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, thì bức xúc mới thực sự xảy ra. Bởi trước đó, khi Nhà nước quản lý giá xăng dầu, xã hội vẫn còn chỗ để tin cậy, vì Nhà nước bao giờ cũng phải nghĩ đến lợi ích của xã hội, lợi ích vĩ mô của nền kinh tế trong tương quan với giá xăng dầu, trước khi nghĩ đến lợi ích của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu. Vì, nghĩ cho cùng, những doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, dù là doanh nghiệp nhà nước, thì cũng không thể quan trọng hơn biết bao doanh nghiệp nhà nước khác cộng với toàn xã hội sử dụng xăng dầu. Nếu trao quyền định giá cho doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu để giá cả trở nên cạnh tranh hơn, có lợi hơn cho người tiêu dùng (trong đó "người tiêu dùng" là nhà nước chiếm phần rất lớn) và để các doanh nghiệp (nhà nước) kinh doanh xăng dầu trở nên năng động hơn, biết tiết giảm chi phí nội bộ để có lợi ích kinh doanh nhiều hơn thì hỏi ai mà không đồng tình? Nhưng, trao quyền tự định giá xăng dầu trong lúc các doanh nghiệp nhà nước này vẫn kinh doanh xăng dầu theo kiểu cũ, vẫn một cung cách của kẻ độc quyền, vẫn dựa hẳn vào sự bảo hộ của Nhà  nước mà không hề có một kế hoạch hay lộ trình kinh doanh thực sự thị trường, nghĩa là chấp nhận cạnh tranh, vươn lên trong cạnh tranh, thì đúng là trao "đằng chuôi" cho họ, còn để "đằng lưỡi" cho người tiêu dùng nắm. Cứ qua cách 11 doanh nghiệp này "phôn" cho nhau và chọn "giờ G" để đồng loạt tăng giá, lại tăng cùng một giá (dưới 1.000đ, theo quy định nhà nước cho mỗi một lần tăng giá) là đủ biết, lộ trình tăng giá này sẽ đi về đâu! Nếu bây giờ có người cắc cớ hỏi: thế có xảy ra chuyện cùng một "giờ G" nào đó, 11 doanh nghiệp kia đồng loạt… hạ giá 800đ/lít xăng không? Tôi nghĩ, chắc ông Bộ trưởng Trương Đình Tuyển cũng không có câu trả lời (?). Và, cứ theo "lộ trình tăng giá" này, thì việc tăng hay giảm giá chưa chắc đã phụ thuộc vào giá xăng dầu của thị trường thế giới, mà phụ thuộc trực tiếp vào doanh số, doanh thu, lời lãi của các doanh nghiệp (nhà nước) kinh doanh xăng dầu hiện nay. Nghĩa là, một mặt họ sẽ ca cùng một điệp khúc: "Lỗ quá anh ơi!", mặt khác, họ sẽ tính xem vào thời điểm nào là thích hợp nhất (cho họ) để tăng 2, còn thời điểm nào thì hạ 1 nhằm làm "giảm sốc" và "hạ nhiệt" dư luận xã hội. Xem ra, chuyện kinh doanh xăng dầu theo kiểu đó mang tính "tâm lý xã hội" nhiều hơn là kinh doanh thực chất theo đúng quy luật thị trường. Nếu bây giờ, mặt hàng xăng dầu không nằm trong danh mục "mặt hàng cấm kinh doanh tự do" thì lẽ ra, để có một mặt bằng kinh doanh cạnh tranh lành mạnh, một "sân chơi thị trường xăng dầu" đúng nghĩa, Nhà nước phải cho phép các thành phần kinh tế, kể cả tư nhân, được quyền nhập khẩu và kinh doanh xăng dầu. Chỉ khi đó, mới có thể nói đến chuyện doanh nghiệp buộc phải cạnh tranh mà tự điều chỉnh giá theo quy luật cung cầu của thị trường. Một khi "giá thành xăng dầu hiện nay là giá thành doanh nghiệp, tức cộng luôn chi phí của doanh nghiệp vốn không được kiểm soát, chứ không phải giá thành xã hội (giá thấp nhất để doanh nghiệp cạnh tranh)", như ý kiến rất xác đáng của thạc sĩ Đinh Thế Hiển - Giám đốc Viện Nghiên cứu tin học và kinh tế ứng dụng, thì người tiêu dùng chỉ còn nước bó tay.

Thanh Thảo

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.