Ngoài ra, DN và người dân vẫn phải chi những khoản ngoài quy định khi thực hiện các thủ tục hành chính và chưa hài lòng khi những biểu hiện tiêu cực này chủ yếu được phát hiện thông qua phản ánh, tố giác của người dân hoặc qua báo chí mà rất ít được phát hiện thông qua đấu tranh nội bộ, tự phê bình và phê bình của đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức.
Vẫn theo báo cáo, cử tri và nhân dân cũng lo ngại về tình hình tội phạm trên một số địa bàn vẫn diễn biến phức tạp: trộm, cướp ngày càng nguy hiểm, táo tợn (như cướp ngân hàng, cướp tiệm vàng); một số vụ án giết nhiều người gây hoang mang, lo lắng trong nhân dân; nạn bạo hành, xâm hại tình dục trẻ em, bạo lực gia đình. Tình trạng “tín dụng đen”, cho vay nặng lãi; “bảo kê”, băng nhóm “xã hội đen”, sử dụng “đầu gấu” đòi nợ thuê... diễn ra ở một số nơi.
Trong phiên làm việc buổi chiều, thừa ủy quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày Báo cáo về kết quả thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2018; dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách T.Ư năm 2019 và kế hoạch tài chính - ngân sách quốc gia 3 năm 2019 - 2021. Báo cáo cho thấy, Chính phủ dự kiến chi khoảng 16.200 tỉ đồng thực hiện cải cách tiền lương trên cơ sở điều chỉnh tiền lương cơ sở từ 1,39 triệu đồng/tháng lên 1,49 triệu đồng/tháng bắt đầu từ 1.7.2019. Lương hưu và trợ cấp ưu đãi người có công tăng cùng mức và thời điểm tăng lương cơ sở.
Báo cáo thẩm tra về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2018, dự toán và phân bổ năm 2019… của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH cho thấy con số thu ngân sách năm nay đạt khá, vượt dự toán, tuy nhiên lại chưa đạt được một số mục tiêu trong nghị quyết của QH như: tỷ lệ huy động từ thuế, phí đạt 20,7%, thấp hơn mục tiêu 21% đề ra; nợ đọng thuế còn lớn và có xu hướng tăng so với năm 2017... “Nguyên nhân dẫn đến các khoản thu từ khu vực kinh tế không đạt dự toán là do giao dự toán thu nội địa năm 2018 khá cao so với số thực hiện năm 2017. Đề nghị Chính phủ rút kinh nghiệm trong công tác xây dựng và tổ chức thực hiện dự toán cho các năm tiếp theo”, báo cáo thẩm tra nêu rõ.
Liên quan đến các khoản chi, Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhận định việc cơ cấu chi chưa có nhiều chuyển biến rõ rệt, tỷ trọng chi thường xuyên trong tổng chi ngân sách còn cao. Đặc biệt, việc thực hiện thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ở một số địa phương còn nặng về hình thức, chưa có chuyển biến thực sự. Từ đó, ủy ban này đề nghị Chính phủ bố trí ngân sách để trả nợ lãi đầy đủ, đúng hạn; công khai, minh bạch trong việc phân bổ vốn, đẩy mạnh cải cách hành chính và tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Đặc biệt, không chi ngân sách nhà nước năm 2019 để mua sắm trang thiết bị đắt tiền, xe công; giảm mạnh chi cho khánh tiết, hội nghị, hội thảo, lễ hội.
Bình luận (0)