Khoảng 350 món quà trong số những tặng phẩm mà cựu Tổng thống Hungary Laszlo Sólyom nhận được trong nhiệm kỳ 2005-2010 của ông vừa được trưng bày giới thiệu từ ngày 7-15.5 tại Nhà triển lãm và đấu giá Nagyhazi ở thủ đô Budapest, theo trang tin Hungary around the clock.
Voi mẹ - voi con chạm khắc gỗ từ Việt Nam có giá sàn 100 euro |
Thanh kiếm trang trí mà ông Sólyom nhận được từ cố Tổng thống Ba Lan Lech Kaczynsky cùng những vật lưu niệm khắc bằng đồng do cựu Tổng thống Đức Horst Kôhler và Tổng thống Nga Vladimir Putin (nay là Thủ tướng Nga) tặng cũng được đem ra triển lãm đợt này. Sau đó, số tặng phẩm này sẽ được đem ra đấu giá vào ngày 23.7 tới để lấy tiền hỗ trợ trẻ em bị ung thư. Đa số các tặng phẩm có mức giá sàn từ 10 đến 100 euro.
Ông Laszlo Sólyom từng thăm chính thức Việt Nam vào tháng 5.2008. Trong số những tặng phẩm được đấu giá sẽ có cả những tặng phẩm từ Việt Nam, như con bò mộng và mỹ nhân ngư được chạm khắc từ gốc cây, cặp voi mẹ - voi con bẵng gỗ, những chiếc bình sứ, bản đồ Việt Nam để trang trí…
Muôn màu muôn vẻ
Hồi tháng 1, Bộ Ngoại giao Mỹ công bố danh sách quà tặng mà Tổng thống Barack Obama nhận được trong năm 2009, năm cầm quyền đầu tiên của ông. BBC dẫn danh sách này cho hay nhà Obama nhận được nhiều tặng vật đắt tiền với giá trị lên đến hàng trăm ngàn USD. Trong danh sách này, một trong những người “mạnh tay” nhất là Quốc vương Abdullah của Ả Rập Xê Út với một dây chuyền vàng gắn Huân chương Quốc vương Abdul Aziz, huân chương cao quý nhất của Ả Rập Xê Út, trị giá 14.200 USD. Sau đó vua Abdullah còn tặng thêm một bộ nữ trang hồng ngọc và kim cương 132.000 USD.
Trong khi đó, vị lãnh đạo nổi tiếng “chơi sang” là Thủ tướng Ý Silvio Berlusconi từng tặng Tổng thống Mỹ một chiếc đồng hồ bằng vàng mặt đá pha lê và một số đồ thủy tinh trị giá gần 27.000 USD. Cũng trong năm 2009, chủ nhân Nhà Trắng nhận được một bức chân dung gia đình nhà Obama làm bằng lụa thêu từ Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào trị giá 20.000 USD.
Bình sứ sơn thếp vàng từ Việt Nam có giá sàn 70 euro |
Đặc biệt, một trong những món quà ý nghĩa nhất mà ông Obama nhận được đến từ Thủ tướng Anh khi đó là ông Gordon Brown. Trong chuyến thăm Mỹ năm 2009, ông Brown tặng ông Obama một chiếc bút mực với quản bút được làm từ gỗ của con tàu HMS Gannet nổi tiếng của Anh, theo tờ Wall Street Journal. Hoạt động vào cuối thế kỷ 19, một trong những nhiệm vụ chính của tàu này là chống buôn nô lệ trên biển, nhất là nô lệ châu Phi. Cần nhớ, ông Obama là Tổng thống da màu đầu tiên của Mỹ. Tuy nhiên, cũng vì món quà này mà ông Obama hứng nhiều chỉ trích khi tặng lại cho ông Brown một bộ 25 DVD gồm những bộ phim kinh điển của Mỹ do Viện Điện ảnh nước này bình chọn. Nhiều người cho rằng món quà này quá tầm thường so với chiếc bút đặc biệt kia. Mà còn “xui” cho ông Brown là bộ DVD có mã vùng Bắc Mỹ nên khi mang về Anh, ông muốn xem thì phải mua một đầu DVD của Mỹ, không thì… ngắm bìa đĩa mà thôi, theo trang tin Execdigital.com.
Cũng ý nghĩa không kém là món quà mà Tổng thống Chile Sebanstian Pinera tặng cho Nữ hoàng Elizabeth II và Thủ tướng David Cameron trong chuyến thăm Anh tháng 10.2010. Ông Pinera đã trao cho nữ hoàng và ông Cameron mỗi người một cục đá. Tất nhiên, đây không phải đá thường mà chúng được lấy từ mỏ San Jose, nơi trước đó vừa diễn ra cuộc giải cứu thần kỳ 33 thợ mỏ sau 69 ngày kẹt dưới độ sâu 700m.
Phải mua lại quà tặng Không phải vị lãnh đạo nào cũng được giữ các tặng phẩm hay có quyền tùy nghi sử dụng. Luật pháp Mỹ cấm mọi thành viên chính phủ, kể cả tổng thống, nhận quà từ lãnh đạo nước ngoài nếu không có sự đồng ý của Quốc hội, theo website của Thư viện Tổng thống Ronald Reagan (Reagan.utexas.edu). Tuy nhiên, luật cũng quy định để tránh gây mất mặt cho người tặng và có thể gây tổn hại quan hệ ngoại giao, quan chức Mỹ có thể nhận quà và giữ chúng nếu giá trị của tặng phẩm dưới mức quy định. Con số này thường xuyên được điều chỉnh và hiện nay vào khoảng 335 USD. Nếu giá trị món quà vượt mức quy định, nó được xem là “tặng phẩm cho nhân dân” và được đưa vào Kho lưu trữ quốc gia. Nếu gia đình tổng thống muốn giữ quà, họ phải bỏ tiền mua lại theo giá thị trường và liệt kê vào bảng công khai tài sản. Tương tự, viên chức Anh cũng phải bỏ tiền mua lại quà tặng nếu không món quà sẽ thuộc về cơ quan chủ quản của họ. Thủ tướng Cameron từng mua lại một phần trong số các vật dụng dành cho trẻ nhỏ được Thái tử Dubai Hamdan bin Mohammed Al Maktoum tặng khi con gái Florence của ông ra đời hồi tháng 8.2010, theo tờ Telegraph. Pháp không có quy định rõ ràng về quà tặng ngoại giao đối với các chính trị gia. Các quà tặng của Tổng thống FranÇois Mitterrand trong 2 nhiệm kỳ được trưng bày tại 2 bảo tàng Château-Chinon và Clamecy (dành riêng cho các tặng phẩm hội họa). Tổng thống Jacques Chirac cũng làm điều tương tự tại Bảo tàng Chirac. Trong khi đó, theo trang tin Slate, đến nay, Tổng thống Sarkozy đã nhận những quà ngoại giao gì, từ ai và tương lai của chúng có lại thuộc một viện bảo tàng như với hai người tiền nhiệm hay không vẫn còn là điều chưa thể xác định. Slate đã gửi thư hỏi Điện Élysée và được trả lời “danh sách quà tặng cụ thể không thể công bố vì những lý do ngoại giao”. Trọng Kha - Lan Chi |
Liên Khương -Trọng Kha
Bình luận (0)