Tang thương vùng bão dữ

02/11/2005 23:28 GMT+7

Theo dự báo thì bão số 8 sau khi tàn phá các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Thừa Thiên - Huế sẽ đổ bộ vào các tỉnh từ Quảng Trị đến Hà Tĩnh, thế nhưng rất may, trong ngày 2/11, bão đã suy yếu dần. Thế nhưng hậu quả của nó để lại là không thể nào tính được. Đến chiều hôm qua, đã có 20 người chết (kể cả 5 người bị chìm đò ở Quảng Nam), hàng chục người bị thương. • Toàn cảnh cơn bão số 8

Tang thương vùng bão dữ

Đà Nẵng: Hơn 1 vạn cây xanh bị gãy đổ. Sau một ngày ròng rã đương đầu với cơn bão số 8, sáng 2/11, người dân thành phố bàng hoàng trước cảnh tượng hơn 10.000 cây xanh trong khu vực nội thị bị gãy đổ. Trong đó có những cây cổ thụ từ 50-100 tuổi, chiều cao hơn 20m với đường kính hơn 3 người ôm cũng bị gió đánh bật trơ cả gốc. Những tuyến đường lớn như Quang Trung, Trần Phú, Bạch Đằng, Lý Tự Trọng... ngổn ngang cây cối. Các nhân viên của Công ty cây xanh, Công ty Môi trường Đô thị và hàng loạt các phương tiện xe kéo, xe cẩu, xe rác... được điều động tham gia công tác khắc phục hậu quả do bão. Anh Đoàn Văn Tư, một nhân viên của Công ty Môi trường đô thị cho biết: “Gần 20 năm trong nghề, chưa lần nào tôi thấy cây xanh đổ nhiều như vậy”. Từ ngày 1/11, khi cơn bão đổ bộ anh cùng các đồng nghiệp của mình đã sớm có mặt tại hiện trường để khắc phục, dọn dẹp kịp thời nhưng sức gió mạnh và cây đổ qúa nhiều nên mới chỉ tạm dọn để thông đường. Ông Phạm Minh Thắng, giám đốc Công ty Môi trường đô thị cho biết: ngay trong ngày 2/11, toàn bộ 960 nhân viên của công ty (kể cả các nhân viên văn phòng) và 56 phương tiện xe chở rác đã tăng cường tham gia khắc phục hậu quả bão từ 5 giờ sáng để dọn dẹp các tuyến đường. Ông khẳng định sẽ cố gắng khắc phục bằng mọi giá đến đêm 2/11 sẽ trả lại sạch sẽ và cảnh quan của thành phố. 

Hơn 1.901 hộ với 7.600 người sơ tán trước bão đã lần lượt trở về nhà. Tại các phường Hòa Hiệp Nam (Liên Chiểu), Mân Thái, Thọ Quang (Sơn Trà) bộ đội tiếp tục giúp dân dọn dẹp nhà cửa. Theo thống kê sơ bộ, đến chiều ngày 2/11, toàn thành phố có 1 người chết, 11 người bị thương, 10 tàu thuyền bị chìm và hư hỏng nặng. 201 ngôi nhà bị sập; 2.903 nhà dân, 30 cơ quan, trường học bị tốc mái và hư hỏng nặng, 970 hộ bị ngập nặng do lũ lớn trên sông Cu Đê. Ngoài ra, 300 ha hoa màu bị hư hại nặng nề, 210.000m3 đất đá bị sạt lở. Hơn 10.000 cây cối trong khu vực nội thị bị gãy đổ, nặng nhất là trong Công viên 29 Tháng 3. Nước hồ trong Công viên đến chiều ngày 2/11 vẫn còn dâng cao, khu vui chơi, đi dạo bị ngập trong nước. Cơn bão với những đợt gió mạnh ngày 1/11 đã gây nên tình trạng sụp mái hoàn toàn của Bến xe Trung tâm thành phố vừa mới được xây dựng. Theo lãnh đạo công ty Môi trường đô thị Đà Nẵng, ngay trong ngày 2/11, đã huy động hơn 1.000 công nhân viên công ty xuống các đường phố để dọn dẹp môi trường sau bão.   


Công nhân Công ty cây xanh đốn hạ cây ngã đổ

Dọn dẹp cây đổ sau bão
   

Ông Lê Thanh Minh - Giám đốc Điện lực Đà Nẵng cho biết, đến chiều 2/11 vẫn còn hai điểm bị nặng nhất là khu vực đường Trần Phú và đường dây ra bán đảo Sơn Trà bị gãy đổ nhiều trụ điện liên tiếp khiến công tác khắc phục gặp nhiều khó khăn. Do đó, khả năng đến sáng 3/11 toàn thành phố sẽ khắc phục xong sự cố về điện (trừ đường dây ra bán đảo Sơn Trà). Thiệt hại ước tính 41,3 tỷ đồng.

Quảng Nam: Nhiều nơi vẫn còn bị ngập sâu. UBND tỉnh cho biết do chủ động di dời 15 nghìn hộ dân và chèn chống nhà cửa, cơ sở hạ tầng, bảo vệ hồ đập... nên hạn chế nhiều thiệt hại sau cơn bão số 8. Tuy nhiên, đã có 3 người chết trong bão gồm: Lê Văn Hiệp, 27 tuổi (Quế Sơn) bị lũ trôi lúc 16 giờ ngày 1/11, chưa tìm được xác; ông Permin A - Ayo, quốc tích Philippine, sinh năm 1956, trên đường về Công ty Vàng Bông Miêu (H. Phú Ninh) khi qua ngầm Bông Miêu bị lũ cuốn trôi lúc 16 giờ 45 ngày 1/11, mất tích; và một cụ già ở phường Hòa Thuận (Tam Kỳ) bị điện giật sáng 1/11 (chưa kể 5 người bị chìm đò).

Bão cũng gây sạt lở 6.000 m3 tại km65 trên tuyến Quốc lộ 14E gây ách tắc lưu thông lên Phước Sơn; tổng cộng 1.500 nhà dân bị sập, hàng nghìn nhà bị ngập sâu (có nơi hơn 1 mét), 2.500 ha moa màu bị hỏng; Quốc lộ 1A có nơi ngập hơn 1 mét; 100 nghìn m3 đất đá sạt lở; 14 tàu thuyền bị chìm; hàng chục km đê ngăn mặn sạt lở. Tổng thiệt hại khoảng 25 tỉ đồng. Bão cũng gây gián đoạn nhiều giờ liền đối với 5 chuyến tàu Bắc - Nam do đường sắt bị ngập sâu, phải dừng khẩn cấp 5 chuyến tàu D1 (Đà Nẵng - TP Hồ Chí Minh), TN5 (Hà Nội - TP Hồ Chí Minh), và ba chuyến tàu Thống Nhất khác là S1, TN2, TN4. Đến sáng 2/11, các chuyến tàu đã thông.

Quảng Ngãi: Đã có 8 người chết, 16 người bị thương. Ông Trương Ngọc Nhi - Phó chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn của tỉnh đã đi kiểm tra tình hình thiệt hại tại các vùng xung yếu và chỉ đạo các địa phương khắc phục hậu quả cơn bão. Ông Nhi cho biết, tỉnh hỗ trợ 1 triệu đồng đối với hộ có người chết và nhà sập, 500.000 đồng đối với người bị thương đang điều trị tại bệnh viện. Ngành y tế cũng đã


Nước lụt vây quanh xã Duy Vinh
cung cấp đủ số thuốc để khử khuẩn cho 1.200 giếng nước bị ngập lụt. Các địa phương trong tỉnh đã huy động các tầng lớp nhân dân dọn dẹp cây cối đổ ngã, làm vệ sinh môi trường, giúp các hộ bị sập nhà làm nhà tạm...

Lúc 10 giờ trưa hôm qua (2/11), tại Bến Ván, xã Sơn Nham, huyện Sơn Hà đã xảy ra vụ lật đò làm chết hai cha con ông Nguyễn Văn Sinh (42 tuổi) và cháu Nguyễn Thị Bé Ngân (13 tuổi, cùng trú tại xã trên), nâng số người thiệt mạng trong cơn bão số 8 ở tỉnh Quảng Ngãi lên 8 người, 16 người khác bị thương. Toàn tỉnh cũng đã có 200 ngôi nhà sập hoàn toàn, gần 1.200 căn nhà khác bị xiêu vẹo, tốc mái, gần 8.000 ha cây nông nghiệp và lâm nghiệp bị hư hại, 13 chiếc tàu đánh cá của ngư dân Lý Sơn và Bình Sơn bị sóng đánh chìm và cuốn trôi. Đến chiều ngày 2/11, huyện Tây Trà và 14 xã vùng cao vẫn còn bị cô lập do các tuyến đường giao thông dẫn đến vùng này còn trong tình trạng tắc nghẽn. Ngành giao thông vận tải của tỉnh đang nỗ lực khai thông các tuyến đường này trong 2 ngày tới.

Thừa Thiên - Huế: Thêm 2 người thiệt mạng .Mặc dù chỉ bị ảnh hưởng bởi rìa của cơn bão số 8 đi qua, nhưng ở Thừa Thiên Huế đã có thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Sức tàn phá của triều cường kéo dài suốt từ tối 31/10 đến 1/11, làm sạt lở và xâm thực sâu vào đất liền hơn 8, dài hơn 400m bờ biển tại xã Phú Thuận, cạnh đập Hòa Duân, nhưng nhờ các lực lượng đã huy động hơn 25.000 bao tải cát, rọ đá và nhân lực ra sức chống chọi và đã khống chế được cơn thịnh nộ của biển, không cho mở thêm cửa mới. Toàn tỉnh đã phải di dời khẩn cấp 4.986 hộ trước 17 giờ ngày 1/11. Toàn tỉnh có 139 ngôi nhà bị sập, trong đó nặng nhất là xã Lộc Trì, thị trấn Phú Lộc với 90 ngôi nhà sập và tốc mái; khoảng 200ha hồ nuôi tôm bị sạt lở nặng. Đường QL 1A đoạn qua đèo Hải Vân bị sạt lở  hơn 1.000m3 ta luy dương; QL 49A có hai điểm ngập sâu 1m làm tắt đường; QL49B đoạn Mỹ Chánh đến Hải Dương nhiều nơi ngập sâu 1,2m; nhiều trụ điện bị đỗ gãy làm mất điện cục bộ nhiều vùng. Vào lúc 17 giờ 45 chiều 1/11, anh Trần Văn Kha (SN 1963) Phó BQL Dự án Thuỷ điện Hương Điền đã điều khiển xe ô tô chở Hoàng Hoa Cương (SN 1971), Phó BQL DA Thuỷ điện Hương Điền và Bạch Trường Thi (SN 1974), cán bộ kỹ thuật vượt qua ngầm Khe Băng, xã Hương Vân, huyện Hương Trà đã bị nước cuốn trôi cả ô tô lẫn người, Trần Văn Kha đã tung cửa nhảy được ra ngoài và thoát chết, hai người còn lại đã thiệt mạng. Như vậy, tại Thừa Thiên - Huế, thống kê sơ bộ đã có 4 người thiệt mạng.


Ngành điện đang khắc phục sự cố trên đường Trần Phú (ảnh: H.T)

Thoát hiểm

Các PV Thanh Niên đã túc trực tại các tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh theo tinh thần bão sẽ đổ bộ vào đất liền các tỉnh này với cường độ lớn. Thế nhưng rất may, suốt ngày hôm qua, tại Quảng Trị, tâm bão đã đi qua khu vực biển đông gần đảo Cồn Cỏ và đã suy yếu dần nên sức tàn phá không đáng kể. Gió lớn đã làm lật chìm một thuyền của Tổng đội Thanh niên Xung phong và một thuyền đánh cá của ngư dân Quảng Bình đang neo đậu trú bão trên đảo Cồn Cỏ. Trong đất liền, toàn tỉnh có khoảng hơn 100 ngôi nhà bị xiêu vẹo, tốc mái, nhưng đa số đều là nhà cấp 4 và nhà thiếu kiên cố, không có thiệt hại về người. Hơn 13.000 người di dời tránh bão đã trở về nhà. Tại Quảng Bình: Hai tàu đánh cá dạt vào Ngư Thủy nhưng 13 ngư dân đã được cứu sống. Tại Hà Tĩnh: Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão tỉnh đã chỉ đạo cho xả tràn 2 hồ lớn là Kẻ Gỗ và Mộc Nguyên cùng một số hồ nhỏ khác. Theo dự báo, tại một số vùng trên địa bàn tỉnh có thể xảy ra lũ quét sau bão nên Ban chỉ đạo PCBL tỉnh đã chỉ huy kiểm tra tất cả các khu vực để sớm đối phó với tình trạng này, nhất là di dời dân ngay khi có dấu hiệu lũ quét.

Tổ PVMT

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.