Đó là ví von của tiến sĩ Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế VN về tăng trưởng kinh tế tại Diễn đàn kinh tế mùa xuân do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức tại TP.Vinh (Nghệ An) hôm qua (21.4).
Tức là đầu năm ăn tiêu tiết kiệm, tăng trưởng chậm, nhưng cuối năm chi tiêu tăng, tăng trưởng lại "bò" lên.
Kim ngạch xuất khẩu của khối DN FDI chiếm tỷ trọng lớn - Ảnh: Bình Minh
|
Tăng trưởng không đến mức "choáng"
Nhiều chuyên gia cho rằng, nền kinh tế có dấu hiệu hồi phục rõ ràng qua các chỉ số tăng trưởng rõ rệt trong các ngành sản xuất, chế tạo, tăng trưởng GDP quý 1 cao hơn cùng kỳ năm 2014 nhưng không đến mức được cho là “choáng” như có bộ trưởng phát biểu.
Tiến sĩ Lê Đình Ân, nguyên Giám đốc Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia cho rằng, từ đầu năm đến nay, nhập khẩu các mặt hàng chính: máy móc, thiết bị, phụ tùng… tăng mạnh, chứng tỏ sự tăng trưởng trở lại trong hoạt động sản xuất công nghiệp và cầu tiêu dùng đã tăng đáng kể. Tuy nhiên, mức tăng trưởng của nông nghiệp, thủy sản, đặc biệt là xuất khẩu thủy sản, gạo; thu hút đầu tư nước ngoài giảm mạnh. Ngành dịch vụ đang còn khó khăn, đặc biệt là khách quốc tế đến VN giảm mạnh trong quý 1/2015. “Tổng cầu của nền kinh tế đang hồi phục nhưng chậm và chưa vững chắc”, ông này đánh giá.
|
Bổ sung thêm ví von trên, tiến sĩ Trần Đình Thiên cũng cho rằng, tăng trưởng kinh tế VN cơ bản vẫn là số lượng, chưa thấy dịch chuyển có chất lượng, sang hướng một nền công nghiệp, dịch vụ có đẳng cấp mà vẫn ở cấp thấp, các điểm yếu về cơ cấu và mô hình tăng trưởng lạc hậu, lụy vào vốn FDI, vào khai thác tài nguyên, vốn… vẫn còn nguyên. Về tỷ giá, theo ông Thiên đây là “vấn đề khó xử lý nhất trong năm”. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã công bố năm nay chỉ điều chỉnh tỷ giá khoảng 2% nhưng 4 tháng qua đã điều chỉnh 1% thì 8 tháng còn lại, chỉ điều chỉnh 1% là “cứng nhắc”. “Tác động của kinh tế thế giới bên ngoài là lớn và có nhiều yếu tố khó lường nhưng chúng ta cứ chốt cứng năm nay chỉ điều chỉnh bao nhiêu phần trăm là không ổn. Độ nén tỷ giá tiếp tục gia tăng do độ mở nền kinh tế của ta lớn, giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu của khối FDI đã chiếm 65 - 67%. Nên thời điểm này, tính toán về tỷ giá thế nào là bài toán rất khó, vì có điều chỉnh thì có khi chưa tác động đến xuất, đã lại động ngay đến khâu nhập khẩu”, ông Thiên nói.
Nợ xấu và nợ công đều đáng lo
Theo tiến sĩ Trần Đình Thiên, nợ xấu trong hệ thống ngân hàng hiện nay tuy đã được “xích” lại hầu hết, nhờ vào cơ chế hoán đổi nợ lấy trái phiếu của VAMC (Công ty mua bán nợ) nhưng chưa được xử lý theo nguyên tắc thị trường. Chuyên gia này cũng tỏ ý lo ngại nợ công đang tăng với tốc độ cao: Năm 2015 dự báo nghĩa vụ trả nợ/tổng thu ngân sách sẽ vượt “vạch đỏ” (25,9%).
Theo đại diện của Quỹ tiền tệ châu Á (IMF), hiện nay, các ngân hàng VN đã cải thiện được thanh khoản nhờ được tái cấp vốn. “Nhưng về dài hạn, nợ xấu được giải quyết thế nào? Chúng ta mới khống chế nợ xấu ở một khu vực và chưa triệt để. Nợ xấu vẫn còn ở đó”, chuyên gia này nói và cho rằng, vẫn cần phải đẩy mạnh tái cơ cấu để các ngân hàng hoạt động hiệu quả, đảm bảo thanh khoản tốt.
Theo ông Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, hiện nay, nợ công của VN tuy chưa đến giới hạn mất an toàn nhưng đây cũng là vấn đề đáng lo ngại. Đồng tình với đánh giá này, ông Trần Đình Thiên cảnh báo: “Đang xuất hiện xu hướng nội địa hóa nợ công, dựa vào trái phiếu chính phủ thay vì ODA và điều này dẫn đến nguy cơ lãi suất nợ cao, thời hạn nợ ngắn, tranh chấp vốn và cạnh tranh lãi suất với tín dụng khu vực kinh doanh”.
Trả lời các ý kiến trên, bà Nguyễn Thị Hồng, Phó thống đốc NHNN cho biết, hiện nay USD chỉ tăng giá với các ngoại tệ mạnh như đồng bảng Anh, euro, đô la Úc nhưng lại giảm nhẹ so với đồng nhân dân tệ và yen Nhật. “Chúng tôi vẫn theo dõi sát diễn biến tỷ giá, từ đầu tháng 3 đến nay tỷ giá có lúc tăng, giảm, không có gì bất thường trên thị trường ngoại hối và hiện nay giảm, dao động quanh mức 21.581 - 21.582 đồng/USD, thấp hơn trần điều chỉnh khoảng 200 đồng, vẫn trong biên độ kiểm soát của NHNN”, bà Hồng nói. Theo tính toán của NHNN, cơ quan này đã họp với các bộ, ngành, dựa trên cán cân thanh toán tổng thể để ra con số thặng dư 5 tỉ USD trong năm 2015, đủ để kiểm soát, ổn định tỷ giá trong biên độ đề ra. “Hiện nay, VN vẫn chủ yếu nhập khẩu máy móc, nguyên vật liệu… sản xuất trong nước còn phụ thuộc nhập khẩu nên nếu điều chỉnh tăng tỷ giá, việc nhập khẩu sẽ chịu nhiều tác động”, bà Hồng nói.
Liên quan vấn đề nợ công, Phó thống đốc NHNN nói thêm: “Hiện nợ công cũng đã đến gần giới hạn cho phép, nếu điều chỉnh tỷ giá thì nghĩa vụ trả nợ nước ngoài tăng, nợ nước ngoài của các doanh nghiệp cũng tăng, do đó cũng phải tính toán cân đối”.
“Không xã hội hóa thì đầu tư muôn đời dàn trải…”
Cũng trong hôm qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết việc thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 16.1.2012 của Ban Chấp hành T.Ư Đảng về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.
Theo Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải, “chưa một giai đoạn nào mà vốn xã hội, vốn tư nhân đưa vào nền kinh tế lớn như giai đoạn này. Nếu không xã hội hóa thì sẽ muôn đời dàn trải, muôn đời sức ép đè lên đầu tư công”. Theo ông, người dân đã và đang dần chấp nhận xã hội hóa, chấp nhận trả chi phí cao hơn cho chất lượng hạ tầng và dịch vụ tốt hơn. Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Bùi Quang Vinh cho rằng thời gian tới cần mạnh dạn bán, cho thuê các công trình mà nhà nước đã đầu tư và đang quản lý. “Đây là hướng mở cho 5 năm tới. Chắc chắn để tư nhân khai thác và quản lý sẽ tốt hơn, hiệu quả hơn”, Bộ trưởng Vinh nói.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, Nghị quyết 13-NQ/TW đã mở ra hướng mới để huy động các nguồn lực xã hội đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng và nâng cao chất lượng cũng như hiệu quả đầu tư. “Tổng đầu tư toàn xã hội năm vừa qua đạt khoảng 30 -31% GDP, thấp hơn so với những năm trước nhưng tăng trưởng kinh tế lại cao hơn. Trước đây đầu tư công chiếm tới 70% tổng đầu tư toàn xã hội, nhưng giờ chỉ còn một nửa”, Thủ tướng nói. Theo ông, thời gian tới, việc huy động vốn đầu tư xã hội cho kết cấu hạ tầng hoàn toàn có thể làm tốt hơn, nhanh hơn, chất lượng hơn để có được hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại.
Hà Nguyễn
|
Bình luận (0)