Quảng Trị nghèo, là nơi người ta ví chó ăn đá, gà ăn sỏi nên ai cũng nghĩ mẹ thiên nhiên "ngó lơ”. Nhưng chính trên những vạt đất hoặc chua phèn hoặc cát bỏng ấy lại có bao sản vật hiếm thấy.
Gạo huyết rồng
Cù lao Bắc Phước (xã Triệu Phước, H.Triệu Phong) có thể xem là một doi đất trù phú hiếm hoi ở Quảng Trị. Dòng Thạch Hãn ôm trọn 3 thôn Hà La, Dương Xuân, Duy Phiên, dồn những hạt phù sa trĩu nặng cuối cùng trước khi đổ ra Cửa Việt. Nhưng đằng sau bờ bãi xanh ngút là dải đất cát đen đến xám xịt, quanh năm chua phèn. Vậy mà có một giống lúa kỳ lạ vẫn có thể đâm chồi ở nơi đó. Phóng xe qua cầu Bắc Phước hỏi một lão nông gặp trên đường về gạo huyết rồng, ông lão khua tay, nói: “Ui cha, từ khi cha sinh mẹ đẻ tui chưa nghe cái thứ gạo chi mà có tên hay rứa. Ở làng tui chỉ có gạo đỏ thôi, cả tỉnh ni không có chỗ mô có...”. Rõ khổ với lão nông lý sự, gạo huyết rồng hay gạo đỏ, gạo nước mặn cũng chỉ là một cách gọi mà thôi...
|
Ông Nguyễn Hoàng (64 tuổi), người trồng lúa huyết rồng lớn nhất thôn Hà La này, nói về giống lúa mà theo ông đã có lịch sử hơn 200 năm: “Cách đây hơn 200 năm, 8 hộ đầu tiên đã vượt sông qua sống ở bên này, lúa nước mặn cũng được trồng từ đó. Tôi nghe bảo, giống lúa này là của người Chăm nên tự nó có một sức sống mãnh liệt …”.
Kinh nghiệm hơn nửa đời trồng gạo đỏ ông Hoàng bảo đây là giống lúa có thân cao (trung bình chừng 1m, nếu tốt thì khoảng 1,5m), chỉ trồng được ở vùng nước mặn lấp xấp vài phân, ven đê biển Cửa Việt. “Tháng 9 hàng năm là bắt đầu gieo, đúng 6 tháng sau thì thu hoạch. Cỏ dại và sâu bệnh đều bị khuất phục bởi sức sống của giống lúa này nên chả cần phải viện đến thuốc trừ sâu hay phân bón hóa học.” ông Hoàng kể.
Năng suất của giống lúa huyết rồng chỉ bằng 1/3 so với những giống lúa thấp, như 1 mẫu nhà ông Hoàng, nhiều nhất cũng thu về 1 tấn lúa/năm. Đổi lại, hình dạng cũng như mùi vị của giống lúa này lại mê hoặc bao người. Khi bóc lớp trấu bên ngoài sẽ lộ ra hạt gạo màu đỏ nâu, bẻ đôi hạt gạo vẫn thấy màu. Gạo đỏ thường lâu chín nhưng lại có mùi thơm, cơm nấu ra có vị béo, bùi và ngọt. “Rất nhiều khách phương xa cũng nghe tiếng gạo đỏ Bắc Phước mà tìm đến, đặt mua”- bà Trần Thị Tâm, vợ ông Hoàng chép miệng. Ngày nay, toàn bộ cù lao Bắc Phước may lắm cũng chỉ có chừng 30 ha đất trồng gạo đỏ. Cho đến cuối năm 2011, Công ty TNHH một thành viên thương mại Quảng Trị đã cho khảo sát, thu mua mùa đầu tiên với chừng 30 tấn để đóng gói và gắn mác gạo huyết rồng Bắc Phước. Nhiều người tin rằng, có một ngày hương gạo huyết rồng ở Bắc Phước sẽ còn bay đi rất xa…
Ném lên... tàu bay, xe lửa
Chuyện tưởng như đùa nhưng lại có thật 100% tại làng Đông Dương (xã Hải Dương, H.Hải Lăng, Quảng Trị). Đến những người nông dân vùng cát vùi cát lấp này cũng không tin rằng cây ném (tương tự cây hành nhưng nhỏ hơn nên còn gọi là hành tăm) do họ vun trồng lại có ngày được “chu du thiên hạ”. Vậy mới có chuyện một lão nông “ghen tỵ” rằng: “Cả làng này mấy người được đi máy bay rứa mà mấy cọng ném còn hơn cả người…”.
Cây ném ở làng Đông Dương có từ bao giờ chẳng còn ai nhớ, chỉ biết rằng giờ cả làng gần 200 hộ thì đã có phân nửa trồng ném, xấp xỉ 15 ha của làng đen đặc ném là ném. Dần dà, ném Đông Dương đã được định xanh là xứ ném của Quảng Trị, có mùi vị “rất…ném”, không đâu sánh bằng.
Cứ đến những ngày mưa phá bội (mưa tháng 8, đầu vụ Hè Thu), chỉ cần đủ để ướt đất là dân Đông Dương đã rủ nhau đi trồng ném cho đến ra giêng mới ngừng. Bà Phan Thị Em, một triệu phú trồng ném, tự hào nói rằng: “Ném làng tui không to, không cao nhưng lại rất chắc. Năng suất thấp nhưng vì có mùi thơm đặc trưng nên lại được bán giá (từ 18.000 đồng/kg). Nói không ngoa chứ một nồi cháo to chỉ cần bỏ vào đôi ba hột ném Đông Dương là đã cay sộc mũi rồi…”. Ném luôn được coi là một loại dược liệu quý, đặc biệt trong trị cảm hàn, cử gió, đau bụng. Cây ném chứ không phải giống loài nào khác mang về cơm no, áo ấm cho dân xứ này. “Hiện nay, mỗi ha thu chừng trên 50 tạ/vụ, ước tính giá thị trường thì cả vài chục triệu bạc…”- ông Phan Văn Quang, Chủ nhiệm HTX Đông Dương phấn khởi. Ông Quang khoe rằng, đã có nhiều nhà hàng, khách sạn tại Hà Nội và TP.HCM đặt mua ném Đông Dương để gửi lên máy bay đi trong ngày. “Muốn ăn ném củ thì gửi đi tàu hỏa hay xe khách gì cũng được vì chúng giữ được lâu. Còn muốn ăn ném lá thì phải gửi máy bay chứ không thì héo hết…”- ông Quang nói.
Một mùa ném nữa đang đến, và những người dân Đông Dương vẫn cần mẫn vun đắp cho thương hiệu cây ném của quê hương mình…Và cuộc “chu du” của cây ném Đông Dương hẳn sẽ còn dài lắm!
Nguyễn Phúc
Bình luận (0)