Vấn đề viện phí hiện nay có thể ví von như một tấm chăn hẹp, người này kéo thì người kia hở. Mỗi bên đều có những lý luận và nỗi khổ riêng về việc tính đúng, tính đủ viện phí.
|
Bệnh viện: 15 năm, tiền khám bệnh chỉ bằng giá… bơm xe
Vừa qua, Bộ Y tế đã đưa ra dự thảo khung viện phí mới để lấy ý kiến các bệnh viện (BV) nhằm thay đổi tiền khám chữa bệnh và các dịch vụ y tế sau 15 năm áp dụng.
Khung giá viện phí hiện nay đang được áp dụng đã được Bộ Y tế ban hành từ năm 1995. Theo đó, giá khám lâm sàng chung hoặc khám chuyên khoa chỉ là 2.000 - 3.000 đồng/lượt khám. Đó là đối với các BV hạng 1 và hạng đặc biệt (BV tuyến trên), còn ở các BV hạng 2, 3 hay phòng khám đa khoa khu vực (BV tuyến dưới) giá khám bệnh là 500, 1.000, 2.000 đồng/lượt khám.
Trong một cuộc họp của ngành y tế, ông Nguyễn Anh Dũng, Phó giám đốc BV Nhân dân Gia Định (TP.HCM) đã so sánh: tiền công khám bệnh, theo khung giá hiện hành 15 năm qua của Bộ Y tế, với mức 2.000 đồng/lượt khám thì chưa đủ tiền để bơm xe.
Còn bác sĩ Nguyễn Chí Hùng, Giám đốc BV Bình Dân (TP.HCM), cho rằng giá khám bệnh chỉ với 3.000 đồng/lượt khám, thực tế không BV nào chịu nổi. Vì 3.000 đồng/lượt khám không thể gánh hàng loạt chi phí như điện, nước, giấy, bảng điện tử báo số tự động, quạt, máy lạnh, điện…
|
Tuy nhiên, theo khảo sát của Thanh Niên Online, hiện nay, thực giá khám bệnh tại các BV trong TP.HCM hầu như không có bệnh viện nào còn giữ 2.000 - 3.000 đồng/lượt khám. Tại BV Chợ Rẫy, tiền khám bệnh là 30.000 đồng/lượt khám, BV Bệnh nhiệt đới là 20.000 đồng/lượt khám hay một BV tuyến quận, huyện là BV Đa khoa Tân Bình cũng là 20.000 đồng/lượt khám.
Với khung viện phí hiện hành, một ngày giường bệnh hồi sức cấp cứu, bệnh nhân trả 12.000 - 18.000 đồng (BV hạng 1 và đặc biệt); các khoa nhiễm, hô hấp tim mạch… là 8.000 - 10.000 đồng/ngày (BV hạng 1 và đặc biệt), dưới 8.000 đồng/ngày (BV hạng 2, 3). Nhưng hầu hết các BV đều đã vượt qua mức viện phí đó. BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM nằm hồi sức cấp cứu là 300.000 đồng/ngày, BV Đa khoa Tân Bình 50.000 đồng/ngày.
Phó giám đốc một BV hạng 1 của TP.HCM cho biết: "Biết là “vượt rào” giá khám nhưng từ lâu rồi, nếu tiền khám bệnh mà chỉ 2.000 - 3.000 đồng/lượt khám thì sao BV chịu nổi. Khi tăng giá khám bệnh chúng tôi phải tăng rất từ từ, nhẹ nhàng từng 2.000 - 5.000 đồng. Nhiều lúc thấy bệnh nhân rút bóp “vét” từng đồng tiền lẻ ra đếm trả mà xót, biết là rất khó khăn và phải gom góp tiền đi chữa bệnh”.
|
Vị phó giám đốc này cũng tâm sự: Hồi đó, cán bộ y tế khám, mổ rửa tay bằng xà phòng thường, đỡ đẻ bằng tay, bệnh nhân được hỗ trợ thở bằng bóng thở… Hiện nay, tại các BV hạng 1, 2 đều rửa tay bằng dung dịch khử khuẩn, găng tay đầy đủ và hồi sức cấp cứu bằng máy thở. Đó là chỉ nói những cái đơn giản để thấy rằng ngành y tế, BV đã đầu tư và tiến bộ nhiều, tất nhiên, việc chăm sóc sức khỏe của bệnh nhân đã tốt hơn. Vì vậy, 15 năm rồi, Bộ Y tế xây dựng lại khung viện phí là hợp lý. Tuy nhiên, nói tính đúng tính đủ thì không biết bao nhiêu là đúng, là đủ. Vì với BV công, tính đúng tính đủ không chỉ tính về hiệu quả kinh tế mà còn phải tính đến cả hiệu quả xã hội. Đối với người có thu nhập cao thì có thể mức viện phí mới là thấp nhưng với người nghèo thì viện phí tính đủ thì nhiều khi làm sao trả nổi! Tính đúng tính đủ là tính cho ai?
Cũng chính từ việc lệch giá của BV so với khung viện phí đã dẫn đến hiện trạng người khám BHYT bị phân biệt đối xử. Vì trong khi bệnh nhân không dùng BHYT đã phải trả viện phí theo mức của BV thì BHYT chỉ trả viện phí theo đúng khung giá “bơm xe” của Bộ Y tế.
Theo ông Cao Văn Sang, Giám đốc BHXH TP.HCM, nếu giá viện phí được tính hợp lý, các bệnh viện sẽ thay đổi thái độ đối với người bệnh đóng BHYT. “Việc thay đổi khung viện phí, tính đúng giá viện phí BHYT làm cho chi phí BHYT tăng lên, nhưng ngược lại chất lượng khám BHYT không còn bị phân biệt vì khi đó giá viện phí giữa người có thẻ và không có thẻ bằng nhau thì bệnh viện không thấy mình bị thiệt”, ông Sang thừa nhận.
Với khung giá dự thảo viện phí mới của Bộ Y tế, hầu hết các BV đều thống nhất là có thể chấp nhận được.
Bệnh nhân: Gom tiền đi chữa bệnh
Có mặt tại BV Chợ Rẫy (TP.HCM), một BV tuyến cuối của cả phía Nam, tập trung hầu hết bệnh nhân nặng từ các tỉnh chuyển lên, có những người đang trong cơn thập tử nhất sinh, dễ dàng nhận thấy hàng trăm nỗi khổ của người bệnh.
Anh Nguyễn Văn Thái (ở Đồng Nai), đưa bố lên khám và điều trị tá tràng cho biết: “Vào viện là đã thấy khổ. Trước mắt là phải đóng ứng trước 2 triệu đồng viện phí. Sau khi xuất viện sẽ làm thủ tục thanh toán bù thêm vô hay được trả lại phần thừa”.
Các giường bệnh đều nằm chen chúc 2 người/giường. Người nhà bệnh nhân thì kiếm được chỗ nào thoáng, trống thì nghỉ ở chỗ đó, từ hành lang đến ghế đá hay sân BV. Nhiều người nhà bệnh nhân ở tỉnh lên đi chăm bệnh cũng như đi nằm viện không giường vì ở luôn tại BV để tích góp và tiết kiệm từng vài ngàn đồng. "Thuê chỗ trọ ở ngoài lại tốn kém thêm tệ nhất ngày cũng cả chục ngàn nên cứ mua chiếc chiếu trải ra hành lang này mà nằm thôi", một người nhà bệnh nhân quê ở Đồng Tháp lên chăm con tâm sự.
|
Chị Trần Thị Bé (ở Bình Thuận) có người nhà đang nằm viện tại BV Chợ Rẫy cho biết: “Chạy vạy mượn được bà con, hàng xóm hơn 2 triệu đồng đưa bố lên đây, đóng ứng trước viện phí xong còn vài chục ngàn, giờ ra gọi điện về nói ổng (chồng chị Bé - PV) lo thêm chứ biết làm sao. Mà cũng chưa biết chạy đâu ra nữa”.
Một dĩa cơm ở căn-tin BV giá 12.000 đồng, một dĩa cơm bán tại các hàng quán lề đường trước cổng BV giá 8.000 đồng, biết là không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm nhưng nhiều người nhà của bệnh nhân vẫn “chuộng” cơm vỉa hè hơn cơm căn-tin. Tất cả cũng chỉ vì tiết kiệm vài ngàn đồng vì cái “ngân sách” khám chữa bệnh quá eo hẹp.
Giá khám chữa bệnh sẽ tăng từ 7 - 10 lần |
Theo dự thảo khung viện phí mới, tiền khám bệnh ở BV hạng 1 và hạng đặc biệt là 20.000 - 30.000 đồng/lượt khám (hiện hành: 2.000 - 3.000 đồng/lượt khám); tiền giường bệnh hồi sức cấp cứu BV hạng 1 và hạng đặc biệt là 100.000 - 120.000 đồng/ngày (khung hiện hành 12.000 - 18.000 đồng/ngày); một số kỹ thuật và xét nghiệm như: chạy thận nhân tạo là 300.000 - 400.000 đồng/lần (khung hiện hành: 150.000 - 300.000 đồng/lần), sinh thiết tủy xương: 1,8 - 2 triệu đồng (khung hiện hành: 10.000 - 30.000 đồng), nội soi dạ dày: 300.000 - 350.000 đồng (khung hiện hành: 10.000 - 30.000 đồng)… |
Khi vừa nghe nhắc đến chữ "nếu viện phí tăng" thì người nhà hay bệnh nhân nào cũng thở dài lắc đầu "vậy thì mệt rồi!".
BHYT toàn dân hay... "vỡ" quỹ
Theo bà Lưu Thị Thanh Huyền, Trưởng phòng giám định BHYT, BHXH TP.HCM, từ năm 2005 cho đến nay, quỹ BHYT TP.HCM liên tục bội chi. Theo thống kê của BHXH TP.HCM, trong năm 2009, TP bội chi cho khám chữa bệnh BHYT gần 600 tỉ đồng.
Bà Huyền nói thêm, chính vì phải cân đối quỹ nên từ năm 2010, phí BHYT đã tăng lên 4,5%, theo lộ trình sẽ tăng lên ở mức 6%. Tính đến hết quý I năm nay, nhờ tăng phí BHYT lên 4,5% nên với mức phí BHYT và viện phí như hiện nay, tạm thời quỹ BHYT còn “an toàn”, chưa bội chi. Tuy nhiên, ranh giới giữa việc bội chi và không bội chi rất mong manh. Nếu BHYT tiếp tục bội chi, phải cân đối quỹ thì lộ trình tăng phí lên 6% này sẽ càng nhanh. Vì thường vào những quý cuối năm mới là lúc BHYT phải chi nhiều.
“Nếu viện phí tăng thì BHYT phải trả theo mức viện phí mới và nguy cơ “vỡ” quỹ là rất cao. Khi đó, hoặc là Nhà nước phải bù cho BHXH hoặc là BHXH phải tăng phí BHYT”, bà Huyền cho biết.
Quỹ BHYT chỉ có thể ổn định, “an toàn” khi ta thực hiện được bảo hiểm toàn dân, người khỏe san sẻ cho người bệnh. Hiện nay chỉ có khoảng chưa đến 60% người dân tham gia BHYT, ngoài đối tượng bắt buộc là CBCNV, người lao động tại các cơ quan và doanh nghiệp, học sinh - sinh viên, còn lại đối tượng BHYT tự nguyện đa phần người có nhu cầu dùng dịch vụ y tế mới mua, người bệnh nhiều. Đó là một trong những lý do BHYT chi nhiều hơn thu.
Viện phí tăng có thể sẽ tạo ra động lực làm tăng số người mua BHYT, như thế hoặc chúng ta nhanh đến mục tiêu BHYT toàn dân (đến năm 2014 có 100% dân số có BHYT) hoặc quỹ BHYT tiếp tục “vỡ”.
Viện phí tăng, người bệnh không có BHYT sẽ phải gánh thêm 7-10 lần chi phí chữa bệnh; người có BHYT cũng sẽ phải gánh thêm 20% của số tiền tăng 7-10 lần đó (vì quỹ BHYT chỉ trả 80%) và có thể, người dân tham gia BHYT sẽ phải đóng mức phí BHYT tăng thêm để cân đối quỹ.
Như vậy là sau 15 năm, Bộ Y tế mới quyết định đưa ra khung giá mới cho các hoạt động khám chữa bệnh. Tuy nhiên, như thế nào là tính đúng, tính đủ cho ngành y tế và ngành y tế nên hay không việc tính đúng, tính đủ và tính đúng tính đủ đến mức nào thì vẫn cần xem xét kỹ lưỡng và có lộ trình hợp lý.
Viên An
Bình luận (0)