Rất khó khăn để có thể tìm một cửa hàng bán sim ĐTDĐ không bán sim khuyến mãi đã được đăng ký, kích hoạt sẵn. Thậm chí, tại nhiều cửa hàng, khi chúng tôi hỏi mua sim 10 số để đăng ký sử dụng lâu dài thì chỉ nhận được những cái lắc đầu. Tại thị trấn Cái Tắc (H.Châu Thành A, Hậu Giang), một chủ tiệm nói thẳng: “Ở đây chỉ bán sim khuyến mãi. Sim chưa kích hoạt phải đăng ký lằng nhằng khó bán nên em không bán”. Tại một điểm bán sim, điện thoại lưu động của Viettel tại H.Châu Thành (Hậu Giang), khi chúng tôi bảo cần mua sim 10 số của Viettel để xài lâu dài nhưng lỡ mất CMND không biết làm sao để đăng ký, liền được một nhân viên địa bàn hướng dẫn: “Do hôm nay em không mang máy theo, nên để về nhà em đăng ký cho anh. Khi nào đăng ký xong, em sẽ gọi báo anh hay để gắn sim vào máy xài”. Chúng tôi tỏ ra ngạc nhiên: “Không cần CMND hay thông tin gì mà vẫn đăng ký sim được sao?”. Người này bình thản: “Bình thường thôi anh”. Thấy lằng nhằng, tôi chọn mua 1 sim khuyến mãi đã được kích hoạt sẵn.
|
Một nhân viên địa bàn của Viettel ở TX.Ngã Bảy (Hậu Giang) cho biết, khi được nhận vào làm việc bán hàng (sim, điện thoại), người quản lý trực tiếp cung cấp cho anh một file word, trong đó có “phôi” CMND (có thể thay đổi thông tin, ảnh) và kho ảnh kích cỡ 2 cm x 3 cm để làm CMND. Khi mở “kho” ảnh ra, anh này không khỏi ngạc nhiên vì không hiểu từ đâu họ có cả ảnh của người thân trong gia đình anh trong đó. Vì sim khuyến mãi khách hàng đôi khi ngại đăng ký, nên để bán hàng nhanh, các nhân viên sẽ đăng ký và kích hoạt sim sẵn. Người mua cứ việc gắn sim vào điện thoại mà xài. Theo anh này thì việc đăng ký, kích hoạt sim khá đơn giản. Chỉ việc sửa thông tin, thay hình khác cho phôi CMND có sẵn là được 1 CMND mới. Mỗi nhân viên địa bàn (hoặc cửa hàng) được nhà mạng cung cấp cho một user, password riêng. Sau khi điền đủ họ tên, số CMND “ma” vừa tạo ra, chỉ việc chọn file CMND “ma” đó gởi về trung tâm mạng để hoàn tất đăng ký. Mỗi thông tin làm giả như thế được đăng ký tối đa 3 số ĐTDĐ cùng mạng. Cho nên các nhân viên này cứ liên tục “phù phép” CMND để đăng ký, kích hoạt sẵn sim cho kịp bán.
Để chứng minh, anh này “biểu diễn” thay đổi số CMND, họ tên, tuổi, quê quán, ngày cấp tại phôi CMND, sau đó copy chồng ảnh lên ảnh CMND cũ là có CMND khống mới để đăng ký sim “chính chủ”. Đó là các bước cần để đăng ký khống một sim điện thoại. Điều kiện đủ là lập khống hợp đồng thuê bao để qua mắt cơ quan quản lý nếu bị kiểm tra. Một nhân viên địa bàn cho biết, có khi trong 1 tháng, cô bị chỉ đạo phải ký khống đến vài ngàn hợp đồng thuê bao như thế để hợp thức hóa.
Trong khi đó, theo thông tư 04 của Bộ Thông tin và Truyền thông về quản lý thuê bao ĐTDĐ trả trước, thì việc kích hoạt dịch vụ di động trả trước khi chính chủ chưa đăng ký thông tin theo quy định bị cấm. Thông tư này còn quy định từ ngày 1.6 cấm mua bán, lưu thông sim điện thoại trả trước đã kích hoạt khi chưa đăng ký thông tin thuê bao hoặc đăng ký không theo quy định. Quy định này được hiểu như là chấm dứt thời kỳ sim rác được bán tràn lan. Tuy nhiên, sau hơn 6 tháng, quy định trên dường như không có tác dụng. Sim rác đã được kích hoạt kèm theo tài khoản khuyến mãi lớn vẫn được bán công khai tại các cửa hàng, thậm chí được các nhân viên nhà mạng tuồn ra với số lượng lớn. Đáng chú ý là các sim này đều đã được đăng ký hẳn hoi. Câu hỏi đặt ra là từ đâu các đại lý, nhà mạng có được phôi CMND, kể cả “kho” ảnh CMND mà nạn nhân không hề hay ảnh gắn thẻ của mình đã bị đánh cắp để làm việc “phù phép” trên.
Tiến Trình
Bình luận (0)