Nằm trong khuôn khổ hội nghị xúc tiến đầu tư vùng duyên hải miền Trung, cuộc đối thoại đã diễn ra sôi nổi giữa lãnh đạo UBND các tỉnh, thành Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận với doanh nghiệp (DN) trong và ngoài nước về cơ chế chính sách ưu đãi trên địa bàn.
|
Linh hoạt ban hành giá đất
Dù nhận được nhiều ưu đãi từ các chính sách về phát triển hạ tầng, song rất nhiều DN đầu tư vào miền Trung vẫn than trời vì giá đất quá cao. "Lĩnh vực du lịch, dịch vụ là lĩnh vực đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của vùng duyên hải miền Trung, nên rất cần Chính phủ và các bộ, ngành xem xét, điều chỉnh vấn đề này", ông Nguyễn Thành Tâm, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận đề xuất.
Trong khi đó, ông Nguyễn Bá Thanh nói thẳng: "Cái nào theo quy định của Chính phủ thì địa phương chủ động xin Chính phủ cho phép giảm giá đất. Còn nằm ngoài quy định thì trình HĐND, UBND quyết, chứ khỏi cần xin. Như vậy mới tạo điều kiện thuận lợi cho DN bám trụ, làm ăn tại khu vực khó khăn này".
Ông cho rằng, sau 2 năm tổ chức hội nghị liên kết vùng, đến nay bước đầu đã tạo ra được sự liên kết vùng duyên hải miền Trung. "Nhưng cần nhận thức rằng, tạo ra sự liên kết đã khó nhưng giữ sự liên kết bền chặt lại càng khó hơn. Sự nghiệp đưa duyên hải miền Trung tăng tốc và cất cánh là cả một chặng đường dài, nhiều khó khăn, lắm ghềnh thác. Điều đó đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực rất lớn. Chúng ta có cùng mục tiêu là liên kết để cùng phát triển, cùng có lợi. Chỉ có sự thống nhất, đoàn kết, hợp tác chặt chẽ, chân thành thì mới có thể đưa chúng ta đến với những thành công mới trong tương lai", ông Thanh kết luận.
“Các anh nghiên cứu hơi lâu”
Đối với các DN vùng Kobe (Nhật Bản) muốn tìm hiểu cơ hội hợp tác, đầu tư, đóng mới tàu thuyền đánh cá... tại miền Trung, ông Thanh đề nghị các tỉnh khẩn trương làm việc cụ thể với DN Nhật Bản. "Tôi mong các DN Nhật hãy nghiên cứu sâu vào khu vực này. Việc xây dựng các nhà máy đóng tàu thuyền cho ngư dân là cần thiết. Nếu các vị làm nhanh, chừng 10 - 15 năm nữa là ngư dân miền Trung có cả nghìn tàu thuyền đánh bắt cá, tới lúc đó DN tha hồ mua, xuất sang Nhật Bản. Tôi nói thiệt, tiềm năng ở khu vực này dồi dào, các DN Nhật Bản đầu tư nhà máy chế biến thủy sản, đóng sửa tàu thuyền nằm trong tầm tay. Tôi thấy các anh nghiên cứu hơi lâu, hy vọng bắt tay vào làm nhanh nhanh một chút", ông Thanh nói.
Thay mặt Ban Điều phối vùng duyên hải miền Trung, ông Thanh khẳng định: "Chúng tôi không chỉ mời gọi, mà quan trọng hơn là chúng tôi sẽ đồng hành cùng các bạn, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất, luôn luôn đứng bên cạnh, kề vai sát cánh và sẵn sàng hỗ trợ, hợp tác chặt chẽ với tất cả những nhà đầu tư". Và ông cam kết: "Bất cứ sự thắc mắc nào của các bạn về thủ tục đầu tư, về các chính sách liên quan đến môi trường đầu tư thì các bạn hãy gặp gỡ, trao đổi thẳng thắn và yêu cầu những nhà lãnh đạo cao nhất của các địa phương trong vùng lắng nghe, giải quyết trong thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền giải quyết một cách sớm nhất".
|
Ký ghi nhớ đầu tư hơn 30 tỉ USD
Trong buổi bế mạc hội nghị xúc tiến đầu tư chiều cùng ngày, lãnh đạo các tỉnh, thành và các nhà đầu tư, các tổ chức tài chính đã ký kết các biên bản hợp tác đầu tư cho các dự án trong vùng, với tổng trị giá 30,8 tỉ USD. Trong đó Phó tổng giám đốc Tập đoàn dầu khí Thái Lan, ông Sukrit Surabotsopon đã cùng ông Lê Hữu Lộc, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định ký biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư dự án Xây dựng nhà máy lọc hóa dầu tại KCN Nhơn Hội trên diện tích 2.000 ha với tổng vốn đầu tư 28,7 tỉ USD.
Ngoài ra, các DN như Cienco 5, Công ty CP Trung Nam... cũng được BIDV ký cấp tín dụng với số tiền gần 4.000 tỉ đồng và 34 triệu USD.
Hữu Trà
Bình luận (0)