Tập đoàn Đường sắt Trung Quốc muốn hợp tác đào tạo nhân lực đường sắt cao tốc

Mai Hà
Mai Hà
14/10/2024 18:16 GMT+7

Sáng 14.10, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà tiếp ông Chen Yun, Chủ tịch Tập đoàn Đường sắt Trung Quốc (CREC).

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá ngành công nghiệp đường sắt Trung Quốc đã vươn lên hàng đầu thế giới, với sự chuẩn bị kỹ về mặt quy hoạch, thiết kế, tiêu chuẩn, quy chuẩn, trong đó có sự tham gia đóng góp quan trọng của các doanh nghiệp hàng đầu như CREC.

Tập đoàn Đường sắt Trung Quốc muốn hợp tác đào tạo nhân lực đường sắt cao tốc- Ảnh 1.

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà tiếp ông Chen Yun, Chủ tịch Tập đoàn Đường sắt Trung Quốc (CREC)

ẢNH: VGP

Phó thủ tướng nhấn mạnh, trong thời gian tới, CREC cần tích cực tham gia vào các dự án, công trình hạ tầng đường sắt khổ tiêu chuẩn kết nối giữa Việt Nam và Trung Quốc.

"Các công trình, dự án của CREC tại Việt Nam phải đạt được những tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hàng đầu của Trung Quốc, là biểu tượng của tình hữu nghị, sự khẳng định chất lượng, thương hiệu của CERC", Phó thủ tướng nêu.

Tổng giám đốc CREC cho biết, tập đoàn này mong muốn được tham gia vào các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đường sắt quan trọng của Việt Nam, bao gồm cả việc cung cấp các dịch vụ, tư vấn, cũng như triển khai thi công với cam kết về chất lượng, tiến độ hàng đầu.

Hiện, CREC đang quản lý hoạt động của Trung tâm nghiên cứu về đường sắt cao tốc Trung Quốc. Lãnh đạo CREC bày tỏ sẵn sàng hợp tác với các đối tác Việt Nam trong nghiên cứu, chuyển giao, phát triển công nghệ, cũng như đào tạo nhân lực cho ngành công nghiệp đường sắt cao tốc.

Đáp lại, Phó thủ tướng tin tưởng CREC sẽ khẳng định được chất lượng, trình độ công nghệ của Trung Quốc khi tham gia vào các dự án xây dựng hạ tầng đường sắt tại Việt Nam, bảo đảm thân thiện môi trường, tối ưu khoảng cách vận tải, bảo đảm an toàn tối đa cho hành khách, hàng hoá, áp dụng công nghệ thông minh trong vận hành, khai thác.

Trước đó, trao đổi với báo chí hồi đầu tháng 10, ông Vũ Hồng Phương, Giám đốc Ban quản lý dự án Đường sắt (Bộ GTVT), cho biết theo tính toán thì nhân sự trực tiếp phục vụ dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam khoảng 14.000 người.

Cụ thể, công tác quản lý dự án đào tạo cần 700 - 1.000 nhân sự. Đơn vị tư vấn cần đào tạo từ 1.000 - 1.300 nhân sự. Đơn vị vận hành khai thác cần đến 13.800 nhân sự.

Ngoài ra, lĩnh vực nhà thầu xây dựng, các cơ sở, tổ hợp công nghiệp thi công xây dựng, chế tạo, sản xuất vật tư, linh kiện theo lộ trình thực hiện dự án cần khoảng 220.000 nhân lực.

Đáp ứng yêu cầu triển khai dự án, chương trình đào tạo nguồn nhân lực được xác định thực hiện theo 3 loại hình đào tạo (đào tạo trong nước, đào tạo nước ngoài, kết hợp đào tạo trong và ngoài nước) với 4 cấp trình độ (công nhân kỹ thuật, kỹ sư, thạc sĩ, tiến sĩ) cho 5 chủ thể (cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị quản lý dự án, đơn vị vận hành khai thác, cơ sở đào tạo, cơ sở nghiên cứu).

Ngoài các nhân sự được đào tạo bằng kinh phí của dự án theo quy định (quản lý dự án, vận hành khai thác), việc đề xuất bố trí kinh phí từ dự án để đào tạo cho cơ quan quản lý nhà nước, đào tạo nâng cao trình độ cho đội ngũ giảng viên, cấp học bổng cho học viên các chuyên ngành đặc thù, xây dựng phòng thí nghiệm dùng chung để phục vụ đào tạo, nghiên cứu và phát triển cũng được thực hiện.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.