Xưa nay, miệng ăn để nuôi thân xác. Bao nhiêu đồ ngon thức bổ đều qua miệng, xuống dạ dày, thành chất bổ dưỡng nuôi cơ thể. Ăn uống thế nào thì cơ thể thế đó. Có cả cách ăn uống để chữa bệnh. Quy luật cuộc sống chỉ rõ “Tất cả hành vi, nếu thái quá, đều có hại”. Ăn uống cũng vậy.
Ẩm thực là thế mạnh nhất của du lịch Việt Nam nhưng văn hóa ẩm thực thì quá nhiều bất cập. Chẳng hạn thói quen của phần lớn người Việt là lúc ăn thường dùng đũa, muỗng riêng để gắp thức ăn và múc canh chung, cứ như là “hôn nhau tập thể”. Rồi còn nạn gắp đồ ăn cho khách mà không cần biết sở thích của họ...
Ngoài các thói quen chưa tốt vừa nêu; người Việt còn là chúa ăn tạp, ăn món lạ theo phong trào và xem đó là đẳng cấp. Báo chí vừa cảnh báo “Mất mạng vì ăn tái sống” chưa xong, đã phải la làng tiếp “Ăn côn trùng lạ, mang họa vào thân”. Nhưng dân nhậu rất dũng cảm, thà chết chứ không bỏ các món độc. Nhiều người còn cho rằng “Con người to đùng, uống rượu còn liểng xiểng. Mấy thứ vi trùng bé tẹo, nhúng vào rượu là say xỉn, chết queo. Bác sĩ chẳng dùng cồn, một loại rượu để rửa tay sát trùng là gì?”. Rượu vào, dân nhậu đâu còn biết sợ.
Trong điều kiện lạm dụng thuốc trừ sâu, hóa chất, phân bón... như hiện nay thì chẳng món nào ăn sống hay tái mà an toàn. Tốt nhất là nấu chín, để phân hủy bớt chất độc hại, loại bỏ các loại ký sinh trùng.
Nhiều người còn phân bì với bà con miền núi và người Khmer, họ cũng ăn rất nhiều loại thức ăn sống, tái, độc lạ... Xin thưa, bụng dạ và sức đề kháng của họ tốt hơn. Họ ăn nhưng có chọn lọc. Không thấy món tiết canh trong thực đơn người Khmer, nhưng có thể gặp nhiều người Việt uống máu tươi sống hoặc pha với rượu. Máu con gì cũng làm tiết canh được, từ gia súc, gia cầm tới động vật hoang dã. Đến cả cua, sò cũng làm tiết canh. Rồi thứ gì cũng làm tái; từ thịt, cá, ốc, mực... Chỉ cần nhiều chanh ớt là xơi tái tất tần tật. Nghe đồn toàn đồ bổ, mà chỉ đồn trong bàn nhậu. Có thể khi ăn thì lạ miệng nhưng khoa học đã chứng minh đó là những ổ vi trùng nguy hiểm đến tính mạng. Thực tế, không ít người vì ăn tái, sống và tiết canh... mà tàn phế hoặc mất mạng.
Một số dân tộc có thói quen ăn côn trùng chiên nướng như dế, cào cào, nhện, bọ cạp, cà cuống... Những loại này, Tây y cũng khẳng định ít chất đạm và cholesteron hơn các loài động vật to hơn. Bao đời nay, họ cũng chỉ ăn những loài đó chứ không liều lĩnh kiểu “gặp thứ gì cũng ăn đại”. Thực đơn côn trùng của họ không thấy nhộng ve sầu, bù rầy, ốc bươu tái...; những loại mồi nhậu mới, đang rộ lên ở Việt Nam, kéo theo không ít trường hợp ngộ độc và mất mạng. Không thể đem sức khỏe và mạng sống mình ra làm thí nghiệm cho các mồi nhậu tiềm ẩn những nguy cơ chết người.
Mình phải biết thương chính bản thân mình trước khi muốn được người khác thương. “Ăn bẩn, sống lâu” chỉ là tục ngữ vỉa hè, ngụy biện cho thói vô trách nhiệm với sức khỏe bản thân và cả cộng đồng. Ăn uống phải đúng cách, chừng mực. Ngon miệng nhưng phải an toàn, khỏe bụng; chứ không để đi cấp cứu. Đừng để “Tạp khẩu hại xác phàm”, vì mấy miếng ăn mà hành hạ bản thân, hệ lụy tới gia đình, gây khổ cho xã hội và làm nghèo đất nước.
Nguyễn Văn Mỹ
>> Mất mạng do ăn tái, sống
>> Mất mạng do ăn tái, sống: Nạp ký sinh, xơi 'món độc
>> Mất mạng do ăn tái, sống: Không dễ nhận diện bệnh
>> Ăn côn trùng lạ, mang họa vào thân
Bình luận (0)