Tập trung giải ngân vốn đầu tư cho xây dựng cơ bản

06/08/2009 00:29 GMT+7

* Siết chặt việc quản lý các tập đoàn Tại buổi họp báo thường kỳ Chính phủ hôm qua 5.8, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết trong phiên họp thường kỳ tháng 7 diễn ra trong hai ngày 4 - 5.8, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ đạo tiếp tục triển khai các giải pháp kích cầu.

Thủ tướng nhấn mạnh, trong thời gian tới các bộ, ngành và địa phương phải tập trung giải ngân vốn đầu tư cho xây dựng cơ bản từ các nguồn ngân sách, trái phiếu chính phủ, hỗ trợ ODA, đặc biệt chú ý kiểm tra, giám sát chất lượng công trình, nhất là các công trình giao thông, thủy lợi, thủy điện. Người đứng đầu Chính phủ cũng lưu ý các bộ, ngành, địa phương phải chú trọng tới việc giúp nông dân tiêu thụ lúa, hoa quả và cá basa, đảm bảo người dân được lãi 30%.

Ông Nguyễn Đồng Tiến, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN), cam kết NHNN sẽ tháo gỡ kịp thời các vướng mắc liên quan đến vay hỗ trợ lãi suất. “Đề nghị báo chí giúp đưa ra những địa chỉ cụ thể khó tiếp cận nguồn vốn kích cầu, nếu phát hiện ra nơi nào chấp hành không đúng chúng tôi sẽ có chỉ đạo để tháo gỡ”, ông Tiến nói. Theo ông Tiến, cho đến thời điểm hiện nay, các ngân hàng thương mại đã cho vay được 388 nghìn tỉ đồng thuộc nguồn vốn kích cầu.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc cũng cho biết, tại phiên họp của Chính phủ, các thành viên Chính phủ thống nhất nhận định tình hình kinh tế, xã hội tháng 7 và 7 tháng đầu năm tuy còn nhiều khó khăn nhưng tiếp tục phát triển theo chiều hướng tích cực.

Trả lời câu hỏi trước những diễn biến mới của dịch cúm A/H1N1, liệu VN có kiểm soát được dịch bệnh? Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: “Với trang thiết bị và khả năng của mình, chúng ta hoàn toàn có khả năng kiểm soát được dịch cúm A/H1N1”.

Liên quan đến việc các doanh nghiệp (DN) kinh doanh xăng dầu đề nghị Liên bộ Tài chính và Công thương cho phép tăng giá xăng, Thứ trưởng thường trực Bộ Tài chính Nguyễn Công Nghiệp cho biết đây là vấn đề nhạy cảm liên quan đến quyền lợi của người tiêu dùng, Bộ Tài chính đang tính toán, chưa có quyết định cuối cùng.

Ngoài việc thảo luận về tình hình kinh tế xã hội, các thành viên Chính phủ còn cho ý kiến về dự thảo Nghị định thí điểm thành lập quản lý tập đoàn kinh tế nhà nước, các dự án luật sửa đổi một số điều của Luật Giáo dục, Luật Tiếp cận thông tin...

Theo ông Phạm Viết Muôn, Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Phó trưởng Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển DN, dự thảo Nghị định thí điểm thành lập và quản lý các tập đoàn kinh tế nhà nước có một số điểm mới như cho phép thí điểm việc chào giá cạnh tranh trong phạm vi nội bộ tập đoàn (nếu đầu ra của DN này là đầu vào của DN khác); đối với các tập đoàn thực hiện khai thác tài nguyên khoáng sản và sử dụng đất thì giao cho công ty mẹ quản lý tài nguyên khoáng sản và quỹ đất để tổ chức khai thác; dựa trên cơ sở thang bảng lương nhà nước quy định, các tập đoàn được tự quyết định hình thức và cách thức trả lương để khuyến khích người tài... Nghị định có cả một chương về giám sát các tập đoàn, nói rõ trách nhiệm của từng bộ trong việc giám sát tập đoàn. Các tập đoàn phải thường xuyên báo cáo Thủ tướng, các bộ, ngành, đảm bảo khu vực DN này sẽ ngày càng bền vững. Ông Muôn cũng cho biết, nghị định chưa đặt ra vấn đề thành lập hẳn một cơ quan hay tổ chức riêng để quản lý tập đoàn.

X.Toàn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.