Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gửi lời thăm hỏi ân cần và chia buồn sâu sắc đến các gia đình có người bị chết và bị thương, bị thiệt hại về tài sản; biểu dương sự nỗ lực của các Bộ, Ban, ngành, các lực lượng Bộ đội, Công an và chính quyền các địa phương trong vùng ảnh hưởng của bão đã làm hết sức mình, chỉ đạo quyết liệt, kịp thời triển khai các biện pháp phòng, chống, đặc biệt là thực hiện triệt để việc di dời dân ra khỏi những vùng nguy hiểm nên đã hạn chế được nhiều thiệt hại do bão gây ra.
Kiên quyết không để dân bị thiếu đói
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: Các tỉnh, thành phố Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk chủ động tập trung mọi nguồn lực, thực hiện các biện pháp khẩn cấp khắc phục hậu quả bão, lũ; tiếp tục tìm kiếm người còn mất tích, cứu chữa người bị thương; di dời những hộ dân trong vùng bị ngập sâu, vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn; tổ chức thăm hỏi và cứu trợ kịp thời các gia đình có người bị chết, bị thương, bị mất nhà cửa; huy động các lực lượng Bộ đội, Công an trên địa bàn cùng các tổ chức đoàn thể giúp dân sửa chữa, xây dựng lại nhà cửa bị hư hỏng do bão, lũ; bố trí nơi ở tạm cho những gia đình bị mất nhà cửa, sớm ổn định đời sống của nhân dân; khẩn trương tổ chức cứu hộ, có biện pháp bảo đảm đủ lương thực, thực phẩm nước uống, quần áo cho nhân dân vùng bị cô lập; nắm chắc tình hình thiếu đói để thực hiện việc cứu trợ kịp thời, kiên quyết không để người dân nào bị đói do thiếu lương thực; cấp đủ thuốc chữa bệnh, thuốc khử trùng nước uống; đảm bảo vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh sau bão, lũ; khẩn trương sửa chữa, khôi phục lại các cơ sở hạ tầng thiết yếu: trường học, bệnh xá, giao thông, thuỷ lợi.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ủng hộ đồng bào miền Trung - Ảnh: Chinhphu.vn |
Khẩn trương đối phó với mưa, lũ sau bão
Theo Thủ tướng, để đối phó với mưa lũ lớn sau bão, cần khẩn trương cắm biển báo tại các nơi ngập sâu; cử người hướng dẫn việc đi lại qua các ngầm giao thông bị ngập sâu, kiểm soát chặt chẽ các bến đò ngang đảm bảo an toàn cho người qua lại, tránh xảy ra chết người do chủ quan, thiếu trách nhiệm; có biện pháp đảm bảo an toàn hồ đập.
Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo bố trí lực lượng, phương tiện, nhanh chóng khắc phục sự cố trên các tuyến đường, nhất là trên tuyến Quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 14, 24; tổ chức phân luồng đảm bảo giao thông trên các tuyến chính.
Ủy ban quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn chỉ đạo triển khai lực lượng, phương tiện tìm kiếm cứu nạn của Trung ương đóng tại khu vực miền Trung kết hợp với lực lượng, phương tiện tìm kiếm cứu nạn của địa phương sẵn sàng thực hiện cứu hộ, tìm kiếm cứu nạn trên sông và trên đất liền khi có yêu cầu. Ủy ban quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn chỉ đạo tăng cường các lực lượng, phương tiện giúp tỉnh Kon Tum thực hiện công tác cứu nạn, cứu hộ tại các vùng bị cô lập.
Bộ Công Thương chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam khôi phục các công trình lưới điện bị hư hỏng, bảo đảm cung cấp điện an toàn cho các địa phương bị bão, đặc biệt là Nhà máy lọc dầu Dung Quất; chỉ đạo các biện pháp bảo đảm đủ lương thực, thực phẩm, vật liệu xây dựng; kiểm soát giá cả thị trường tránh tình trạng lợi dụng đầu cơ tăng giá. Bộ Y tế cử các đoàn đến các địa phương vùng lũ để chỉ đạo, giúp đỡ công tác y tế và vệ sinh môi trường.
Các Bộ, ngành theo chức năng, nhiệm vụ của mình chỉ đạo các đơn vị đóng quân trên địa bàn, các cơ quan chức năng chủ động giúp các tỉnh bị thiệt hại do bão, lũ khắc phục hậu quả; đảm bảo an toàn cho các công trình hồ đập thủy lợi; chỉ đạo công tác vệ sinh đồng ruộng, chuẩn bị đủ giống cây trồng cung cấp cho các địa phương bị thiệt hại phục hồi sản xuất; đánh giá tình hình thiệt hại của các địa phương, đề xuất mức hỗ trợ cụ thể cho các tỉnh bị thiệt hại nặng.
Các thành viên Chính phủ dự phiên họp Chính phủ ủng hộ đồng bào miền Trung - Ảnh: Chinhphu.vn |
Lũ lên cao, mưa to diện rộng
Theo lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo tại phiên họp: Chiều 29/9, bão số 9 đã đổ bộ vào địa phận Quảng Nam-Quảng Ngãi với sức gió tiếp cận bờ mạnh cấp 11, cấp 12; đồng thời gây mưa to đến rất to trên diện rộng thuộc địa bàn các tỉnh ven biển từ Quảng Bình đến Bình Định và các tỉnh thuộc phía Bắc Tây Nguyên.
Do mưa lớn tập trung kết hợp với đặc điểm địa hình có độ dốc lớn, bị chia cắt nên lũ các sông từ nam Quảng Bình đến Phú Yên, Gia Lai, Kon Tum và Đắk Lắk lên nhanh và đang ở mức rất cao. Đêm 29/9, lũ trên các sông ở Quảng Ngãi, Gia Lai, Kon Tum và sông Hương đã đạt đỉnh và đang xuống.
Mức nước lên cao gây ngập lụt nghiêm trọng trên diện rộng, các vùng địa hình chia cắt làm cô lập nhiều khu dân cư. Điển hình là thành phố Huế 70% diện tích bị ngập lụt. Đà Nẵng ngập toàn bộ 66 xã; Quảng Ngãi ngập sâu ven sông Trà Bồng; Kon Tum ngập phần lớn các khu vực thành phố Kon Tum và ven các sông Đăkbla, Pô Kô…
Tính đến 6 giờ sáng 30/9, bão số 9 làm 38 người chết, 10 người mất tích, 81 người bị thương; gần 5.800 nhà bị sập, trôi; nhiều tuyến đường bị ngập, sạt lở gây ách tắc giao thông; hơn 26 nghìn ha lúa, ngô, hoa màu các loại bị ngập.
Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh cho biết: Bộ đã tăng cường các máy bay trực thăng để cứu hộ, cứu nạn kịp thời các vùng bị chia cắt tại các tỉnh bị lũ, lụt nặng do bão số 9 gây ra.
* Cũng ngay trong sáng nay, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, các Phó Thủ tướng và tất cả thành viên dự phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2009 đã ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 9.
Theo Cổng Thông tin điện tử Chính phủ
Bình luận (0)