Nam nữ quen nhau, nếu làng có nghi ngờ quan hệ bất chính mà không thừa nhận, lập tức già làng sẽ có cách để thử, đó là dùng thanh tre nứa vót nhọn, đâm ngược từ ngón cái xuống cổ tay người đàn ông. Nếu máu chảy ra thì người này có tội...
|
Nỗi sợ hãi cái chết xấu
Đi sâu vào các nóc (buôn làng) ở vùng cao Nam Trà My, Quảng Nam, mới thấy được cuộc sống của những người dân nơi đây còn rất nghèo. Họ dường như không quan tâm nhiều đến những kiến thức được phổ cập từ xã hội văn minh, mà tuân thủ một cách nhất quán những hủ tục nặng nề.
Có lần chúng tôi ghé trường tiểu học ở Trà Nam, hơn 600 học sinh tiểu học, THCS phải trọ học trong những túp lều rách nát, nắng gió đều không thể che nổi. Nhưng cách đấy không xa, là khu ký túc xá được xây dựng để các em trọ học theo một dự án của một tổ chức phi chính phủ giúp đỡ. Vậy mà các em không ai dám bén mảng đến ở, bởi một câu chuyện xảy ra cách đấy gần 2 năm. Trong khi các học sinh đang say giấc, thì một trận lở núi làm sụt lún một trong 13 phòng trọ, khiến một em học sinh tử vong tại chỗ. Vậy là từ đó, không học sinh nào đến gần khu ký túc xá ấy, kể cả áo quần, sách vở, bút mực còn để lại trong khu nhà các em cũng không dám vào thu nhặt. Các thầy cô đã làm mọi cách, kể cả vận động, khuyên nhủ các em nhưng mọi việc cũng không thay đổi. Thậm chí, để động viên các em, các thầy còn mời thầy cúng của làng lên làm lễ trước mặt, nhưng vẫn không thể vơi được nỗi sợ hãi của các em, bởi với người Xê Đăng, đó là cái chết xấu, khu vực ấy cần tránh xa nếu không muốn bị con ma chết xấu bắt đi. Các em thà ở nơi tuềnh toàng, còn hơn phải ở nơi có ma xấu. Chính vì vậy mà khi ban đầu tiếp xúc, các em vui vẻ với tôi, trò chuyện thật thà và chân thành. Nhưng từ khi tôi từ khu ký túc xá trở ra, tất cả các em đều tránh xa, không nhìn mặt, không hỏi, không cười và tỏ ra sợ hãi đến cùng cực. Rất may, sau này trường được chuyển sang nơi khác, các em mới chịu rời những túp lều rách nát, vào ở trọ trong những căn nhà mới.
Có trận lũ cách đây 1-2 năm, một cán bộ địa chính huyện là con em dân tộc, bị lũ cuốn tìm được xác, nhưng cả làng kiên quyết không mang về mai táng, chôn cất do lo sợ vì anh này bị chết xấu, sẽ ảnh hưởng đến dân làng. Những gia đình có người chết xấu, đặc biệt là chết do tự tử, sẽ bị cả làng bắt vạ, nhiều ít tùy vào việc các già làng “xử” thế nào.
Đâm tay để kiểm tra tội vạ
Ở vùng núi này cũng nổi tiếng với tục phạt vạ. Người dân trong nóc hễ vi phạm “điều luật” nào lập tức bị phạt rất nặng, có khi là con heo trong chuồng, nhưng có khi là cả rẫy, cả gia tài mà gia đình đó có.
Những cô gái lầm lỡ có bầu trước hôn nhân không chỉ bị đuổi khỏi làng mà gia đình cô gái còn bị phạt đến tán gia bại sản, nếu không có phải đi vay mượn, số nợ nhiều đến mức trả cả đời mới hết. Có trường hợp một thầy giáo trẻ yêu một cô gái trong nóc ở xã Trà Linh (Nam Trà My), và bị bắt quả tang quan hệ nam nữ. Cô gái và gia đình bị phạt chưa kể đến, ngay như thầy giáo trẻ kia, dù muốn tiến xa hơn nữa và muốn nên duyên vợ chồng với cô gái nhưng vẫn bị phạt 6 chỉ vàng cho làng mở tiệc. Do hoàn cảnh khó khăn, đại diện nhà trường đến xin làng giảm tội, nhưng cả làng nhất quyết không đồng ý.
Có những trường hợp nam nữ quen nhau, nếu làng có nghi ngờ quan hệ bất chính, lập tức sẽ có cách thức để thử. Già làng sẽ cho tập trung tất cả mọi người trong làng lại để họp xử. Nếu khai báo trung thực thì vẫn phạt vạ nhưng mức độ nhẹ hơn, ví dụ như heo, gà... Còn nếu không thừa nhận sẽ bị phạt vạ nặng nếu già làng dùng phép thử phát hiện ra. Phép thử của các già làng cũng không kém phần kỳ... cục, đó là ngoài thanh niên phạm tội, sẽ gọi thêm một thanh niên khác của làng, sau đó dùng thanh tre nứa vót nhọn, đâm ngược từ ngón cái xuống cổ tay cả hai người. Người thanh niên mà làng chọn để thử thường không bị chảy máu, còn người thanh niên phạm tội quan hệ bất chính, nếu đâm bị máu chảy ra sẽ bị phạt nặng, nếu đâm không chảy thì vô tội (người dân ở đây cho rằng nếu đêm hôm trước có quan hệ thì máu ở vị trí này sẽ loãng và dễ dàng chảy ra - PV). Nhưng rất hiếm trường hợp không bị chảy máu, nên nhiều thanh niên dù vô tội cũng vội nhận tội bởi như thế hình phạt sẽ đỡ hơn. “Lúc ấy trâu bò, heo gà của nhà người ấy cũng không đủ để phạt vạ!”, Hồ Văn Hải, một thanh niên dân tộc ở Trà Nam rụt rè nói khi được hỏi.
Rời khỏi những nóc nhà nằm ẩn sâu trong lòng núi, chúng tôi tìm đến UBND xã Trà Nam, gặp chị Phùng Thị Thương, Chủ tịch UBND xã. Chị Thương khi nghe chúng tôi thuật lại những điều tai nghe, mắt thấy đã thực lòng tâm sự: “Chính quyền xã, bằng nhiều cách, vẫn thường xuyên lồng ghép, tuyên truyền giúp người dân nâng cao nhận thức. Nhưng quả thật không phải dễ dàng, bởi những quan niệm đã ăn sâu vào đời sống của người dân, truyền từ đời này sang đời khác. Người dân trong vùng thường rất tin tưởng già làng, nên chúng tôi sẽ dần dà thay đổi suy nghĩ của những vị già làng, trưởng nóc. Họ chính là những người tuyên truyền hiệu quả nhất, giúp người dân xóa đi được những quan niệm quá lạc hậu, cổ hủ. Có vậy đời sống của người dân mới phát triển được...”.
Diệu Hiền
Bình luận (0)