Tàu “công xưởng” vi phạm luật Biển quốc tế

05/07/2012 05:00 GMT+7

Nhiều học giả khẳng định việc Trung Quốc đưa tàu Hải Nam Bảo Sa 001 ra biển Đông từ tháng 5 là vi phạm Công ước LHQ về luật Biển.

Tàu Hải Nam Bảo Sa 001 (gọi tắt là 001), tải trọng 32.000 tấn với 600 công nhân cùng 14 dây chuyền chế biến, đông lạnh hải sản thực sự là một công xưởng trên mặt biển và có thể vận hành giữa biển 9 tháng liên tục. Ngoài chức năng chế biến thủy sản, 001 cũng được trang bị hệ thống thông tin và radar hiện đại, giúp phát hiện và phân biệt từ xa tàu của nước ngoài, rồi lập tức gửi thông báo về giới chức Trung Quốc.

Trao đổi với PV Thanh Niên, Giáo sư Carlyle Thayer từ Học viện Quốc phòng Úc nói nguồn cá trong các vùng biển của mình đã cạn kiệt nên Trung Quốc đưa 001 cùng đội tàu hộ tống, tiếp liệu tới những vùng nước sâu hơn trong biển Đông. Do lệnh cấm đánh bắt cá hằng năm do Trung Quốc tự ý đưa ra bao trùm cả vùng biển phía bắc từ vĩ tuyến 12 trở lên, tàu 001 chỉ hoạt động được ở vùng biển quanh quần đảo Trường Sa.

Với công suất chế biến mỗi ngày đến 2.100 tấn hải sản từ đội tàu đánh bắt, “cách thức khai thác của Trung Quốc có thể dẫn đến sự tuyệt diệt của nhiều nguồn lợi hải sản và làm biến đổi vĩnh viễn môi trường biển”, Giáo sư Thayer nhận định. Hai nhà nghiên cứu Youna Lyons và Tara Davenport tại Trung tâm luật quốc tế thuộc ĐH Quốc gia Singapore cũng cho rằng với chủ trương tận thu, những mẻ lưới cào quét đáy biển của đội tàu này có thể tiêu diệt cả những loài sinh vật không có giá trị thương mại, hủy hoại đa dạng sinh học của cả vùng biển.

Giáo sư Thayer cùng 2 chuyên gia luật Lyons và Davenport cũng chỉ ra rằng việc Trung Quốc triển khai đội tàu 001 ở biển Đông là vi phạm Công ước LHQ về luật Biển (UNCLOS) ở nhiều mặt.

Tàu công xưởng Hải Nam Bảo Sa 001 của Trung Quốc - Ảnh: Chinanews
Tàu công xưởng Hải Nam Bảo Sa 001 của Trung Quốc - Ảnh: Chinanews
 

Trước hết, “việc Trung Quốc đưa đội tàu này đến biển Đông đặt ra những câu hỏi chính đáng về cơ sở mà nước này đòi hỏi quyền lợi đối với nguồn cá trong biển Đông”. Rõ ràng, “Trung Quốc chỉ có thể lập luận rằng họ có một dạng quyền đánh cá mang tính lịch sử ở biển Đông hoặc là họ đang đánh bắt trong vùng đặc quyền kinh tế  (EEZ) của họ quanh Trường Sa hoặc Hoàng Sa. Tuy nhiên, cả hai lập luận này đều bị thách thức bởi các nước có tuyên bố chủ quyền khác”, 2 nữ chuyên gia viết trong mục Bình luận của Trường nghiên cứu quốc tế Rajaratnam, Singapore.

Mặt khác, “cứ cho là Trung Quốc bất chấp đúng sai tự cho mình quyền đánh bắt cá trong vùng EEZ quanh Hoàng Sa hoặc Trường Sa, họ cũng phải nhớ rằng quyền đánh bắt không phải là vô hạn”, 2 chuyên gia viết. Còn Giáo sư Thayer lập luận: “Người ta đang cực kỳ quan ngại rằng tàu Hải Nam Bảo Sa 001 sẽ làm cạn kiệt nguồn cá mà Việt Nam và Philippines được thụ hưởng. Điều đó vi phạm UNCLOS”.

Cả 3 học giả đều chỉ ra: “Là một thành viên của UNCLOS, Trung Quốc có nghĩa vụ bảo tồn nguồn lợi sinh vật trong EEZ theo Điều 61 và Điều 62, không được khai thác quá mức”. Bên cạnh đó, cũng theo UNCLOS, tại những vùng biển chồng lấn, tất cả các bên có nghĩa vụ hạn chế lẫn nhau và hợp tác với nhau để kiềm chế những hoạt động đơn phương có thể gây biến đổi vĩnh viễn môi trường biển.

Việc Trung Quốc cậy sức mạnh của mình để lấn lướt các quốc gia ven biển khác, đơn phương khai thác dầu khí hay nguồn lợi thủy sản trong biển Đông là “không phù hợp với UNCLOS”, các học giả kết luận.

Trung Quốc cần tôn trọng các nước ASEAN

Giáo sư Tommy Koh của Singapore, người chủ trì việc soạn thảo UNCLOS năm 1982, hôm 4.7 nhắc nhở Trung Quốc nên tôn trọng và ứng xử bình đẳng với các nước ASEAN.

Trong bài xã luận trên báo Straits Times, Giáo sư Koh viết: “Trong ứng xử với cuộc tranh chấp cùng Brunei, Malaysia, Philippines và Việt Nam ở biển Đông, Trung Quốc cần thận trọng kiềm chế việc sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực. Tranh chấp nên được giải quyết một cách hòa bình, thông qua thương lượng, hòa giải, trọng tài, hoặc đồng khai thác.

Tranh chấp cũng có thể giải quyết theo luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS”. Lý do, theo ông là trong 20 năm qua “các nước ASEAN luôn nhìn Trung Quốc một cách thành ý”. Và để đáp lại, “Trung Quốc nên đối xử với các nước láng giềng bằng thái độ bình đẳng và tôn trọng”.

Thục Minh
(VP Singapore)

>> Công ước luật Biển năm 1982: Hiến chương của thế giới về biển và đại dương
>> Chính phủ Mỹ vận động quốc hội phê chuẩn luật Biển
>> Thảo luận luật Biển Việt Nam
>> Công ước LHQ về Luật biển là nền tảng hành động
>> Sẽ thông qua Luật Biển VN tại kỳ họp thứ 9 QH khóa XII

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.