“Sáng nay (9.8), tàu chạy kiểm tra cấp điện dây tiếp xúc, là việc làm thông thường để kiểm tra kỹ thuật. Khi nào tàu chính thức chạy thử, chúng tôi sẽ có thông báo”, đại diện Ban Quản lý dự án Đường sắt, Bộ Giao thông vận tải, trao đổi với PV Thanh Niên chiều 9.8.
Vị này cũng cho biết việc kiểm tra đã cho kết quả tốt, đoàn tàu vận hành suôn sẻ.
Trước đó, Ban quản lý dự án cũng ra thông báo đã chính thức đóng điện trên toàn tuyến và dự kiến vận hành thử vào tháng 8 này, nhưng chưa thông báo ngày cụ thể.
Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông do Bộ GTVT làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư sau điều chỉnh là 886 triệu USD, từ nguồn vốn vay ODA của Trung Quốc.
|
Toàn tuyến có chiều dài 13,1 km, có điểm đầu tại ga Cát Linh, điểm cuối tại ga Yên Nghĩa, khởi công ngày 10.10.2011 và đến nay đã cơ bản hoàn thành. Dự án có 13 đoàn tàu, mỗi đoàn 4 toa, dự kiến thời gian khai thác 3-5 phút/chuyến, tốc độ khai thác bình quân là 35 km/giờ.
Cùng với tuyến đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội, đường sắt Cát Linh - Hà Đông cũng đã chậm tiến độ nhiều năm và phải qua nhiều lần điều chỉnh tổng vốn đầu tư.
Tại thời điểm ký hiệp định vay vốn vào năm 2008, dự án có tổng mức đầu tư hơn 552,8 triệu USD (tương đương 8.769 tỉ đồng), trong đó, vốn vay Trung Quốc là 419 triệu USD phục vụ xây lắp, mua đoàn tàu, thiết bị, đào tạo, vận hành và tư vấn giám sát; vốn đối ứng của Việt Nam là 133,86 triệu USD phục vụ giải phóng mặt bằng, thuế, phí, lãi suất, quản lý dự án, bảo hiểm…
Tuy nhiên, đến 2016, tổng mức đầu tư dự án đã phải điều chỉnh lên 868,04 triệu USD (tăng hơn 315 triệu USD, tương đương 40% tổng mức đầu tư ban đầu).
Ngoài việc tăng vốn, dự án cũng đã nhiều lần phải điều chỉnh tiến độ, từ dự kiến ban đầu hoàn thành vào tháng 6.2014, chính thức khai thác từ tháng 6.2015, đến nay dự án mới có thể chuẩn bị về đích, chậm hơn 3 năm so với tiến độ ban đầu.
Bình luận (0)