Tàu ngầm USS Connecticut được nâng cấp thường xuyên trong hơn 20 năm hoạt động |
Hải quân mỹ |
Đài CNN ngày 8.10 dẫn lời giới phân tích cho rằng khu vực Biển Đông nơi một tàu ngầm Mỹ vừa gặp sự cố cũng là một trong những vùng biển ngầm khó di chuyển nhất thế giới.
Hai quan chức quốc phòng Mỹ trước đó cho biết tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân USS Connecticut của Mỹ đã đâm vào một vật thể dưới nước ở Biển Đông vào ngày 2.10.
Các quan chức cho biết 11 thủy thủ trên tàu USS Connecticut bị thương, trong đó khoảng 9 người bị thương nhẹ. Các thủy thủ này đều đã được chữa trị trên tàu ngầm. Theo thông báo từ Hạm đội Thái Bình Dương, không binh sĩ nào gặp thương tích nguy hiểm đến tính mạng.
Tàu ngầm hạt nhân Mỹ đụng vật thể dưới Biển Đông, nhiều thủy thủ bị thương |
Giới chức Mỹ không đưa ra chi tiết tai nạn, nhưng cho biết sẽ điều tra và đánh giá đầy đủ về sự việc. Tàu USS Connecticut là một trong 3 tàu ngầm lớp Seawolf của Hải quân Mỹ với giá khoảng 3 tỉ USD/chiếc. Tàu có lượng choán nước 9.300 tấn được đưa vào biên chế năm 1998 với thủy thủ đoàn khoảng 140 người.
Dù đã hơn 20 năm, tàu được nâng cấp nhiều công nghệ hiện đại và vô cùng yên tĩnh, nhanh, được trang bị các cảm biến hiện đại, với khả năng mang theo nhiều vũ khí nhất so với các tàu ngầm tấn công khác của Mỹ, bao gồm 50 ngư lôi cũng như các tên lửa hành trình Tomahawk.
Trong khi Hải quân Mỹ không nói rõ tàu ngầm USS Connecticut va phải vật gì, giới phân tích cho biết Biển Đông là khu vực đầy thách thức cho hệ thống cảm biến tinh vi của tàu ngầm.
“Đó có thể là một vật nhỏ khiến các cảm biến không phát hiện được trong môi trường ồn ào”, theo ông Alessio Patalano, giáo sư về chiến tranh và chiến lược tại Đại học King's College ở London (Anh).
Theo Cục Hải dương và Khí tượng Quốc gia Mỹ, các tàu của hải quân sử dụng công nghệ sonar thụ động để phát hiện các vật thể trong nước gần tàu. Không giống sonar chủ động gửi các tín hiệu và đo phản xạ trở lại tàu, sonar thụ động chỉ phát hiện âm thanh hướng đến tàu.
Điều này cho phép các tàu ngầm yên lặng và ẩn mình trước đối phương, nhưng cũng đồng nghĩa với việc chúng phải dựa vào các thiết bị khác, hoặc dùng nhiều sonar thụ động để xác định các vật thể trên đường đi.
Do Biển Đông là một trong những vùng biển có các tuyến hàng hải và vùng đánh bắt đông đúc nhất thế giới, mọi loại âm thanh từ tàu thuyền trên mặt nước có thể khiến tàu ngầm không phát hiện mối nguy tiềm ẩn bên dưới.
“Dựa vào nơi xảy ra sự cố, âm thanh xen vào có thể ảnh hưởng các cảm biến”, theo ông Patalano.
Còn theo ông Carl Schuster, cựu sĩ quan Hải quân Mỹ, không chỉ có tàu thuyền có khả năng ảnh hưởng các tàu ngầm ở Biển Đông.
“Đó là môi trường rất tệ đối với thính giác. Những tiếng ồn của dòng chảy giữa các đảo và điều kiện nước không ổn định có thể ảnh hưởng đến việc tiếp nhận âm thanh, ông phân tích.
Bên cạnh đó, ông cho rằng có khả năng tàu bị ảnh hưởng bởi những gì ở bên dưới: “Môi trường nước và đáy biển ở đó thay đổi chậm nhưng luôn tiếp diễn. Đó là khu vực cần thường xuyên vẽ bản đồ đáy biển. Bạn có thể va vào một ngọn núi chưa từng được ghi nhận dưới đó”.
Sóng độc đã đánh chìm tàu ngầm Indonesia? |
Theo ông Schuster, đó cũng là lý do Mỹ và Trung Quốc thường xuyên tuần tra và khảo sát ở Biển Đông.
Trước đó vào tháng 4, một tàu ngầm của Indonesia bị chìm ở eo biển Bali khiến 53 thủy thủ thiệt mạng. Giới chức Hải quân Indonesia cho hay tai nạn do “yếu tố tự nhiên/môi trường), nhưng không nói rõ chi tiết.
Bình luận (0)