Ngày 3.4, hai tàu khu trục và một tàu ngầm Nhật Bản cập cảng Subic (Philippines), gần bãi cạn Scarborough bị Trung Quốc chiếm từ tay Philippines trên Biển Đông.
Dàn quân nhạc Philippines chào đón khu trục hạm Nhật Bản JS Ariake ghé cảng Subic ngày 3.4.2016 - Ảnh: AFP |
Tàu ngầm Oyashio cùng hai tàu khu trục JS Ariake và JS Setogiri cập cảng Subic (từng là nơi đặt căn cứ hải quân Mỹ trước đây), cách bãi cạn Scarborough chỉ khoảng 200 km. Trung Quốc chiếm bãi cạn Scarborough từ tay Philippines hồi năm 2012, theo AFP. Tàu khu trục JS Ariake còn chở theo trực thăng chống ngầm.
“Chuyến thăm này nhằm xúc tiến hòa bình và ổn định khu vực, tăng cường hợp tác hàng hải giữa hải quân hai nước”, người phát ngôn Lued Lincuna của Hải quân Philippines cho hay.
Ba tàu chiến Nhật Bản cập cảng Philippines ngay trước thềm cuộc tập trận giữa Mỹ và Philippines, theo AFP.
Trước đó, AFP ngày 16.3 dẫn lời một người phát ngôn không nêu tên của hải quân Nhật Bản cho biết tàu ngầm và hai tàu khu trục sẽ tham gia một cuộc tập trận chung với Philippines từ ngày 19-27.4. Sau đó, cũng trong tháng 4, 2 tàu khu trục Nhật sẽ lần đầu tiên đến thăm Vịnh Cam Ranh, Việt Nam.
Tàu ngầm Oyashio cùng khu trục hạm JS Ariake tại cảng Subic, Philippines ngày 3.4.2016 - Ảnh: AFP
|
Giữa lúc Trung Quốc ngày càng hung hăng trên Biển Đông, Philippines phải “nhờ cậy” các đồng minh như Nhật Bản và Mỹ để nâng cấp quân đội nước này. Vào tháng 2.2016, Nhật Bản đã chấp thuận cung cấp Philippines thiết bị quân sự, bao gồm radar và máy bay trinh sát săn ngầm.
Tổng thống Philippines Benigno Aquino II cho biết Manila sẽ thuê năm máy bay huấn luyện TC-90 của Nhật Bản để “giúp hải quân tuần tra lãnh thổ của chúng tôi” trên Biển Đông. Trung Quốc khi đó cáo buộc Tokyo can dự vào vấn đề Biển Đông.
Philippines đã đệ đơn kiện Trung Quốc lên Tòa trọng tài thường trực (PCA, trụ sở tại The Hague, Hà Lan), phản đối tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc nuốt trọn gần cả Biển Đông. Manila đã đề nghị PCA phán quyết những tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh là bất hợp pháp và kỳ vọng tòa sẽ đưa ra phán quyết trong năm 2016.
Trong khi đó, Nhật Bản có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông.
Bình luận (0)